Thứ 6, 29/11/2024, 07:47[GMT+7]

Thúc đẩy chăn nuôi từ mô hình khuyến nông

Thứ 2, 28/10/2024 | 19:56:42
1,043 lượt xem
Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã xây dựng nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả, từ đó thay đổi tư duy sản xuất của người dân, từng bước phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bền vững.

Chăn nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học của hộ dân xã Minh Quang (Kiến Xương) góp phần an toàn dịch bệnh.

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi 

Nhằm hỗ trợ nông dân tiếp cận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn thực phẩm, tháng 6/2024 Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã xây dựng mô hình chăn nuôi tổ hợp gà lông màu thương phẩm áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học tại 4 hộ dân tham gia của huyện Kiến Xương, Vũ Thư. 

Ông Đặng Văn Tuyệt, xã Minh Quang (Kiến Xương) là một trong những hộ tham gia mô hình nuôi gà lông màu áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học. Ông chia sẻ: Sau 4 tháng tham gia mô hình nuôi gà lông màu thương phẩm, đàn gà có tỷ lệ nuôi sống đến lúc xuất bán đạt 97%, cao hơn 2% so với các hộ không tham gia mô hình. Trọng lượng xuất bán đạt trung bình 2,3 kg/con. Với giá bán hiện tại 80.000 đồng/kg, tôi thu lãi 30.000 đồng/kg. Các hộ dân chúng tôi khi tham gia mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi mà lợi ích ở đây là kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học đã được áp dụng vào trang trại.

Ông Phạm Văn Thước, xã Thái Phúc (Thái Thụy) cho biết: Để chăn nuôi thành công như ngày hôm nay, năm 2022 tôi được tham gia mô hình nuôi gà thương phẩm. Tham gia mô hình, tôi được tập huấn và áp dụng kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh phòng bệnh, tư vấn lựa chọn con giống, địa chỉ cung cấp con giống... đã giúp tôi thay đổi thói quen chăn nuôi theo tập quán cũ nhỏ lẻ, biết áp dụng khoa học kỹ thuật để đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, khi tôi vào lứa gà là vào một loạt và bán ra cũng một loạt. Khi chăm sóc cũng là theo một quy trình bài bản. 

Còn đối với ông Bùi Văn Khang, xã Đông Mỹ (thành phố Thái Bình), những kiến thức chăn nuôi được tập huấn đã giúp ông duy trì mỗi lứa gà 40.000 con. 

Ông Khang chia sẻ: Chi cục Chăn nuôi và Thú y hàng năm đều có hướng dẫn chúng tôi chăn nuôi quy mô theo chuỗi để có kết quả kinh tế tốt hơn và chất lượng đầu ra bảo đảm. Gia đình đã áp dụng xây dựng chuồng có diện tích 800m2, với quy mô nuôi 8.000 con, theo hình thức chăn nuôi khép kín, với hệ thống làm mát và hệ thống máng ăn, uống tự động. Nền chuồng sử dụng đệm lót sinh học giúp giảm mùi hôi trong chăn nuôi và cũng là lớp đệm giữ ấm cho gà vào mùa đông. Mỗi lứa gà thương phẩm nuôi trong 4 tháng đạt trọng lượng từ 2 - 2,5kg/con. Với giá thành xuất bán ổn định, gia đình tôi thu lãi khoảng 600 triệu đồng/năm từ chăn nuôi gà thương phẩm. 

Thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững 

Chăn nuôi phát triển theo hướng an toàn sinh học vừa giúp bảo đảm kinh tế tăng trưởng ổn định, nâng cao đời sống người dân vừa gìn giữ môi trường và hệ sinh thái cho vật nuôi. 

Theo bà Nguyễn Thị Bến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, để các mô hình chăn nuôi thành công và nhân ra diện rộng, Chi cục đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật mới trong chăn nuôi, đồng thời chủ động liên kết với các đơn vị trong và ngoài tỉnh để xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên các loại con giống mới. Trong đó, 9 tháng đã triển khai 8 lớp tập huấn cho 380 học viên là các hộ dân chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn các huyện, thành phố về sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, kháng sinh hiệu quả và an toàn; tổ chức 15 lớp tập huấn cho 450 học viên là hệ thống thú y cơ sở nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về công tác chăn nuôi, thú y. Thông qua các mô hình chăn nuôi, người dân đã nắm bắt được kiến thức, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất thực tế. Nhờ đó, năng suất, chất lượng vật nuôi bước đầu được cải thiện, từng bước hướng tới chăn nuôi an toàn sinh học tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững. Với những hiệu quả bước đầu của các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học là tiền đề để người chăn nuôi thay đổi cách làm, chuyển dần từ cách chăn nuôi truyền thống, nhỏ lẻ sang phương thức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. 

Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: 9 tháng năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai thực hiện xây dựng mô hình khuyến nông chăn nuôi ngan thương phẩm an toàn sinh học tại huyện Tiền Hải và Thái Thụy; mô hình chăn nuôi tổ hợp lai gà lông màu thương phẩm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học tại huyện Kiến Xương và Vũ Thư; mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học tại huyện Hưng Hà và Vũ Thư. Từ những thành công của các dự án, mô hình khuyến nông chăn nuôi có thể thấy các mô hình đều mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội và môi trường. Do đó cần sự quan tâm của các địa phương để nhân rộng mô hình cho các hộ chăn nuôi, qua đó tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Từng bước tăng nhanh tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn của tỉnh. 

Hộ dân xã Dương Hồng Thủy (Thái Thụy) thực hiện phun khử trùng khu vực chăn nuôi. 

Mạnh Thắng 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày