Hiệu quả rau vụ đông
Thị trường tiêu thụ rau vụ đông đang ngày càng mở rộng, không chỉ cung cấp cho các chợ truyền thống mà còn đáp ứng nhu cầu của các siêu thị, nhà hàng và các công ty xuất khẩu. Người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến chất lượng, an toàn thực phẩm, vì vậy bà con nông dân cũng hướng đến việc canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng ít thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường các biện pháp sinh học để bảo đảm rau sạch, an toàn. Tận dụng nguồn đất đai màu mỡ, nông dân các địa phương trong tỉnh xác định không để đất nghỉ, gối vụ trồng các loại rau, củ, quả có giá trị kinh tế cao, tiêu thụ thuận lợi vào thời điểm cuối năm như cà chua, cải bắp, su hào, súp lơ xanh, rau gia vị... Tại những địa phương có truyền thống sản xuất rau màu thì màu xanh đã phủ kín những cánh đồng. Hiện toàn tỉnh đã trồng trên 17.100ha rau vụ đông, bao gồm các loại cây trồng như dưa, bí, cà chua, xà lách, rau cải, đậu đỗ và nhiều loại rau gia vị khác.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã có khoảng 2.150ha rau màu vụ đông được thu hoạch. Nhờ vào thời tiết thuận lợi và kỹ thuật trồng trọt hiện đại, năng suất và chất lượng rau của tỉnh luôn được bảo đảm, mang lại giá trị kinh tế cao.
Xã Quang Trung có diện tích đất nông nghiệp hơn 200ha được nhiều người biết đến là vùng chuyên canh rau màu hiệu quả của huyện Kiến Xương. Nhờ vào đặc thù đồng đất màu mỡ, kinh nghiệm thâm canh cao của người dân nên những năm gần đây, cánh đồng rau màu hơn 50ha tập trung ở 3 thôn Trà Đông, Thượng Phúc, Mỹ Nguyên với các loại rau như bí, sa lát, xà lách, su hào, rau gia vị... đã mang lại nguồn thu nhập cao dịp cuối năm cho bà con nông dân.
Đang nhanh tay tưới những luống rau xà lách, bà Nguyễn Thị Liên, thôn Thượng Phúc cho biết: Đối với vụ đông, tôi ưu tiên trồng các loại rau có chu kỳ sinh trưởng ngắn từ 40 - 45 ngày, được thị trường ưa chuộng. Bên cạnh đó, trước khi xuống giống phải cải tạo đất, chia ruộng thành luống nhỏ, đánh luống cao để dễ thoát nước; nếu phát hiện sâu bệnh, sử dụng chế phẩm sinh học để phòng, trừ. Với hơn 3 sào màu, tôi trồng các loại rau gia vị, sa lát, xà lách. Sau khi trừ chi phí 3 tháng vụ đông mang lại nguồn thu nhập khoảng 25 triệu đồng.
Ông Bùi Văn Liễn, Giám đốc HTX DVNN xã Quang Trung cho biết: Hàng năm, HTX kết hợp với các đoàn thể mở nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhất là quy trình sản xuất rau an toàn, sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu sinh học an toàn, hiệu quả cho nông dân. Diện tích trồng rau màu ở Quang Trung ngày một tăng, hộ trồng ít thì 1 - 2 sào, hộ trồng nhiều tới 7 - 8 sào, có những hộ lên đến hơn mẫu. Nhờ sự cần cù, nhanh nhạy với thị trường, các hộ dân nơi đây luôn trồng đan xen các loại rau để vừa tận dụng triệt để diện tích đất lại vừa có rau thu hoạch quanh năm.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, chị Nguyễn Thị Quyên, thôn Đông Hưng, xã Sơn Hà (Thái Thụy) chăm sóc 3 sào su hào, bắp cải. Theo kinh nghiệm của chị, trồng su hào có giá trị kinh tế cao hơn hẳn các loại rau màu khác, đầu tư không quá lớn, thời gian sinh trưởng chỉ 40 - 45 ngày đối với su hào, bắp cải từ 60 - 65 ngày. Trừ chi phí mỗi sào cho thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng. Cùng với su hào, bắp cải, năm nay chị Quyên còn trồng xen canh, gối vụ, đa dạng các loại rau màu khác như xà lách, rau gia vị với hơn 1 sào giúp gia đình có thu nhập ổn định.
Là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi để sản xuất rau màu theo hướng hàng hóa, những năm gần đây, sản xuất rau màu vụ đông ở xã Sơn Hà có bước chuyển biến rõ rệt.
Ông Đinh Bá Lượng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Bên cạnh việc duy trì và mở rộng diện tích các cây trồng truyền thống, xã chỉ đạo HTX DVNN tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng năng suất an toàn, chất lượng. Đáng ghi nhận, nhiều năm trở lại đây, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, người dân đã có ý thức áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc để rau màu phát triển tốt, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật và trồng rải vụ đối với rau nhằm giảm hiện tượng thừa - thiếu cục bộ. Hiện toàn xã trồng trên 70ha cây vụ đông, trong đó rau các loại chiếm 60%.
Rau vụ đông đã mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ nông dân trong tỉnh, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, để không xảy ra tình trạng giá cả bấp bênh, “được mùa mất giá”, ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật, giống, phân bón, cần phát triển chuỗi giá trị rau an toàn và tìm đầu mối bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Nông dân xã Quang Trung (Kiến Xương) trồng rau su hào vụ đông.
Minh Nguyệt
Tin cùng chuyên mục
- Thời gian đổ ải tập trung từ ngày 16/1 - 15/2/2025 10.12.2024 | 15:32 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh
- Nhân lên sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025
- Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng
- Các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh Thái Bình, Hưng Yên: Thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Thái Bình nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2024
- Công tác dân vận góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội
- Đưa nội hàm “chống lãng phí” vào công tác kiểm tra, giám sát của Đảng