Thứ 5, 26/12/2024, 23:40[GMT+7]

Tu bổ, nâng cấp công trình thủy lợi phục vụ sản xuất

Thứ 7, 30/11/2024 | 08:11:21
767 lượt xem
Để phát triển hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, những năm qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh thực hiện lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ công tác tưới, tiêu, phát triển sản xuất; ưu tiên nguồn vốn để triển khai xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi tại hầu hết những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, góp phần nâng cao sản lượng và giá trị sản xuất.

Kiên cố hóa kênh xả tiêu trạm bơm Trà Giang (Kiến Xương).

Khẩn trương làm thủy lợi đông xuân

Để sản xuất vụ xuân năm 2025 đạt năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch làm thủy lợi nội đồng vụ đông xuân 2024 - 2025. Theo đó, ngay từ đầu tháng 11/2024, các huyện, thành phố, các công ty khai thác công trình thủy lợi của tỉnh đã đồng loạt ra quân làm thủy lợi nội đồng. 

Ông Nguyễn Duy Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hiện các địa phương đang tranh thủ thời tiết hanh khô khẩn trương đắp áp trúc bờ vùng, bờ thửa kết hợp làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; vớt bèo bồng, giải tỏa các vật cản, đăng đó trên toàn hệ thống kênh, mương để khơi thông dòng chảy, chống ách tắc; tiến hành giải tỏa các điểm vi phạm hành lang công trình thủy lợi, lấn chiếm cản trở dòng chảy của các tuyến sông tiêu...

Huyện Tiền Hải cũng đang tập trung huy động máy móc, nhân lực tổ chức làm thủy lợi vụ đông xuân 2024 - 2025 theo chỉ tiêu, kế hoạch đã ban hành để tạo thuận lợi cho việc lấy nước đổ ải phục vụ sản xuất. 

Ông Lại Hồng Thăng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Tiền Hải đang triển khai 5 dự án nâng cấp, cải tạo, nạo vét công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và 2 vùng sản xuất bằng vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Do đây đều là công trình thủy lợi quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp trong vụ xuân sắp tới nên ngay từ đầu năm 2024 huyện đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung huy động nhân lực, máy móc triển khai thi công bảo đảm tiến độ đề ra.

Theo kế hoạch làm thủy lợi nội đồng vụ đông xuân 2024 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu đào đắp, nạo vét trên 2,5 triệu m3 kênh mương; giải phóng dòng chảy, thu vớt bèo bồng hơn 13,2 triệu m2; xây mới, cải tạo, sửa chữa hơn 600 trạm bơm; sửa chữa nhỏ hơn 120 cống dưới đê; xây mới, tu bổ, sửa chữa hơn 1.600 cống nội đồng; kiên cố hơn 28.000km kênh mương; tu bổ hơn 7.400 cống bi. 

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình cho biết: Với quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao, ngay từ đầu tháng 11/2024, tranh thủ thời tiết thuận lợi, Công ty đã chủ động phối hợp với các HTX nông nghiệp tổ chức huy động nhân lực, máy móc tập trung nạo vét cửa cống, bể hút trạm bơm, kênh mương, tu bổ, sửa chữa, bảo dưỡng máy bơm và các thiết bị phụ trợ... Đến thời điểm này, Công ty đã hoàn thành trên 70% khối lượng nạo vét, đào đắp theo kế hoạch; đang triển khai duy tu, bảo dưỡng máy bơm, thiết bị tại các trạm bơm, bảo đảm sẵn sàng vận hành an toàn, hiệu quả nhiệm vụ tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2024 - 2025.

Kiên cố hóa kênh mương nội đồng xã Nam Hưng (Tiền Hải).

Tập trung nguồn lực nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, bằng việc lồng ghép các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ, tỉnh đầu tư xây dựng mới, nâng cấp nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, tỉnh đầu tư xây dựng hàng chục công trình (xây dựng, sửa chữa đê, cống, nạo vét kênh...) phục vụ tưới, tiêu, phòng, chống hạn, mặn với nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, lồng ghép từ các nguồn vốn để hỗ trợ củng cố, nâng cấp, cải tạo hệ thống đê điều, thủy lợi, hạ tầng giao thông đa mục tiêu gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển du lịch. Hiện toàn tỉnh có 199 cống dưới đê; 1.498 trạm bơm điện (trong đó có 1.209 trạm bơm tưới, 6 trạm bơm tiêu và 283 trạm bơm tưới, tiêu kết hợp) với tổng công suất các trạm bơm 893m3/s; trên 2.500km kênh trục dẫn; 2.360 cống đập nội đồng và trên 6.200km kênh mương các cấp. Tại hầu hết những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ, kiên cố, bảo đảm tưới, tiêu cho sản xuất. Hiện tỉnh quản lý 32 tuyến đê bối, tổng chiều dài hơn 150km, bảo đảm an toàn cho gần 7.600ha đất sản xuất nông nghiệp và hơn 67.700 người dân.

Tuy nhiên, nguồn vốn cần để tu sửa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh rất lớn. Để thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng hệ thống công trình thủy lợi trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục bám sát hiện trạng công trình, các quy hoạch để rà soát, đánh giá, tham mưu kịp thời UBND tỉnh cân đối nguồn lực, tiếp tục đầu tư đồng bộ hệ thống công trình thủy lợi, qua đó góp phần bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái của địa phương.

Thi công kè chống sạt lở bờ kênh Dương Văn Bình (Thái Thụy). 

Nguyễn Thơi 



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày