Thứ 4, 25/12/2024, 21:16[GMT+7]

Nơi khởi nguồn của nhiều giống cây trồng

Thứ 4, 25/12/2024 | 08:42:33
293 lượt xem
Lấy khoa học công nghệ làm trụ cột phát triển, năm 2002, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed đã thành lập Phòng Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm mới, tiền thân của Viện Nghiên cứu cây trồng ngày nay với mục tiêu nghiên cứu, phát triển và cải thiện giống cây trồng, đặc biệt là giống lúa nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Trải qua hơn 20 năm hoạt động, Viện Nghiên cứu cây trồng của ThaiBinh Seed đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho nông dân.

Đến nay, Viện Nghiên cứu cây trồng đã có 33 giống cây trồng được cấp bằng bảo hộ, 28 giống được công nhận giống quốc gia.

Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết: ThaiBinh Seed là đơn vị đầu tiên thành lập viện nghiên cứu cây trồng trực thuộc doanh nghiệp trong ngành giống cây trồng Việt Nam. Đến nay, Viện Nghiên cứu cây trồng của Công ty với cơ sở vật chất được đầu tư bài bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới; chọn lọc và sản xuất giống siêu nguyên chủng, giống bố mẹ. Viện đã thực hiện tốt chiến lược phát triển của Công ty, đồng thời góp phần quan trọng đưa ThaiBinh Seed phát triển và có vị thế trong ngành giống cây trồng Việt Nam hiện nay. 

Với quy mô 152ha được đặt tại các vùng sinh thái khác nhau trên toàn tỉnh, 9 đơn vị trực thuộc, Viện đã nghiên cứu thành công nhiều giống lúa mới với đặc điểm vượt trội như khả năng chống chịu tốt, năng suất cao. Những giống lúa này đã được công nhận và áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương trên cả nước. Đặc biệt, đã có 33 giống cây trồng được cấp bằng bảo hộ, 28 giống được công nhận giống quốc gia, trong đó có những giống nổi bật như: TBR-1 được công nhận năm 2005 góp phần thay đổi giống lúa dài ngày và lúa lai ở vụ mùa tại miền Bắc như VN10, 13/2; BC15 đã được Cục Trồng trọt xếp thứ hai trong các giống lúa sản xuất ở miền Bắc và miền Trung năm 2017, giống phát triển mạnh mẽ giai đoạn 2009 - 2018, có những năm diện tích đã đạt 700.000ha sau đó giữ ổn định đến nay, góp phần làm lợi cho nông dân hàng chục tỷ đồng mỗi năm; TBR225 giống lúa ngắn ngày năng suất cao, chất lượng gạo ngon đang chiếm tỷ trọng lớn sản xuất trong cả nước; TBR97 sản phẩm hợp tác với Viện Cây lương thực có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với biến đổi khí hậu, được cả nước phát triển sản xuất; giống lúa lai Thái Xuyên 111 (sản phẩm hợp tác) là giống lúa có năng suất cao, chất lượng cao và có tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu lúa lai hiện nay; các giống ngô phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng như ngô nếp TBM18, ngô TBM18, ngô sinh khối cho chăn nuôi, ngô chống sâu keo... 

Viện Nghiên cứu cây trồng của ThaiBinh Seed đã nghiên cứu thành công nhiều giống lúa mới với đặc điểm vượt trội như khả năng chống chịu tốt, năng suất cao.

Với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra nhiều giống cây trồng mới có tính chất vượt trội, phục vụ nhà nông và góp phần thay đổi bộ giống của đất nước, Viện đã áp dụng các công nghệ mới như công nghệ sinh học, công nghệ gen. Các nghiên cứu này không chỉ dừng lại ở chọn tạo giống mà còn mở rộng ứng dụng công nghệ trong sản xuất và bảo quản cây trồng. Đặc biệt, từ năm 2019 - 2021, ThaiBinh Seed đã xây dựng và thực hiện thành công dự án “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính” do Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV tổ chức và giành giải nhất. Từ năm 2007 đến nay, Viện đã chủ trì 50 đề tài, dự án nghiên cứu quốc gia, cấp bộ, tỉnh và doanh nghiệp với kinh phí 140 tỷ đồng, trong đó nhiều đề tài, dự án mang lại giá trị kinh tế và ý nghĩa thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Viện cũng đã thực hiện nhiều chương trình chuyển giao công nghệ cho hàng triệu nông dân, bao gồm các khóa đào tạo về kỹ thuật trồng trọt và quản lý cây trồng, góp phần nâng cao nhận thức và tay nghề của nông dân, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất. 

Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết thêm: Thời gian tới, Viện Nghiên cứu cây trồng sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển các giống cây trồng có khả năng chống chịu tốt hơn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu cây trồng phục vụ cho chế biến, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Tăng cường ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu rủi ro cho người nông dân. Mở rộng hợp tác với các viện, các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu khác để khai thác nguồn lực về công nghệ, tài chính, nhân lực, tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi cho nghiên cứu và phát triển.

Ngân Huyền


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày