Thứ 5, 06/02/2025, 01:03[GMT+7]

Hưng Hà: Chăm sóc đàn vật nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp tết

Chủ nhật, 29/12/2024 | 21:09:50
807 lượt xem
Thời điểm này, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Hưng Hà đang tích cực chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi phục vụ nhu cầu của người dân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, huyện Hưng Hà dự kiến xuất bán trên 720 tấn cá các loại.

Bắt đầu từ tháng 9, gia đình bà Nguyễn Thị Biện, thôn Việt Thắng, xã Hồng An đã vào đàn lợn thịt để cung ứng cho thị trường cuối năm, nâng tổng đàn lợn của gia đình đạt trên 200 con lợn thịt. Bên cạnh đó, bà còn nuôi thêm gần 600 con gà thịt. Bà cho biết: Dự kiến dịp tết Nguyên đán sắp tới tôi xuất bán khoảng 50 con lợn thịt với trọng lượng 1,2 tạ/con; 250 con gà thịt có trọng lượng 3kg/con. Hiện giá lợn và gà năm nay đang ở mức cao nên chúng tôi rất phấn khởi. Từ mô hình này, mỗi năm tôi thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng. Để bảo vệ đàn vật nuôi, hàng ngày tôi đều theo dõi tình hình dịch bệnh và cung cấp đủ nước, thức ăn đủ chất dinh dưỡng, tiêm phòng đầy đủ để nâng cao sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, tôi cũng gia cố chuồng trại, che bạt xung quanh chuồng để tránh mưa, gió ảnh hưởng đến đàn vật nuôi. 

Hiện nay, xã Hồng An có 150 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với hơn 6.100 con lợn, gần 75.000 con gia cầm, thủy cầm. Đồng thời, duy trì 42,5ha chăn nuôi thủy sản ở đầm, ao, hồ, 18 lồng cá trên sông Hồng. 

Ông Nguyễn Thành Chung, Phó Giám đốc HTX DVNN xã cho biết: Do ảnh hưởng của bão, lũ đã làm giảm một phần số lượng đàn gia súc, gia cầm, thủy cầm của địa phương. Để nhanh chóng khôi phục đàn vật nuôi phục vụ thị trường tết Nguyên đán sắp tới, chúng tôi tăng cường tuyên truyền đến các hộ thực hiện chăn nuôi khẩn trương tái đàn bù vào những thiệt hại do bão, lũ gây ra. Đồng thời, hướng dẫn nông dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chú trọng việc chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; tổ chức tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi. 

Dọc theo triền đê sông Hồng, chúng tôi tìm đến bè nuôi cá lồng của anh Trần Đức Thành, xã Độc Lập. Anh Thành nuôi cá lồng nhiều nhất xã với khoảng 10 vạn con, chủ yếu là cá trắm, chép giòn, cá diêu hồng, cá lăng... Bằng hình thức nuôi gối vụ theo kiểu “đánh tỉa, thả bù” nên lúc nào anh Thành cũng có cá để phục vụ bà con. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của bão, lũ nên từ tháng 10 anh Thành mới xuống nuôi hơn 2 vạn cá lăng giống, đồng thời duy trì chăm sóc, bảo vệ hơn 2.000 đầu cá lăng và 600 đầu cá chép giòn. 

Anh chia sẻ: Nghề nuôi cá lồng thường có sản phẩm bán quanh năm nhưng dịp tết Nguyên đán được xem là mùa thu hoạch chính của người dân. Vì vậy, những ngày này tôi tập trung chăm sóc, vỗ béo cá, dự kiến xuất bán hơn 6 tấn cá lăng và 1 tấn cá chép giòn cho thị trường Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương. Hiện nay giá cá lăng từ 70.000 - 80.000 đồng/kg; cá chép giòn từ 120.000 - 140.000 đồng/kg. Với mức giá này, chúng tôi tiếp tục đầu tư mở rộng lồng cá để thả cá lăng và cá chép giòn trong thời gian tới. 

Huyện Hưng Hà hiện có 176 trang trại, trên 2.000 gia trại. Theo thống kê đến tháng 12/2024, toàn huyện có tổng đàn lợn đạt trên 104.800 con, đàn trâu, bò đạt gần 15.500 con, đàn gia cầm đạt trên 2.400.000 con; có 8 điểm nuôi cá với 276 lồng, tập trung ở các xã: Hồng An, Điệp Nông, Độc Lập, thị trấn Hưng Nhân. Tết được xem là thời điểm vàng bởi nhu cầu thị trường về gia súc, gia cầm rất cao. Vì thế, để có đủ nguồn hàng cung cấp cho tết, các hộ chăn nuôi ở Hưng Hà đã tăng đàn, đồng thời tích cực chăm sóc, phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Dự kiến sản lượng cung cấp ra thị trường dịp tết đạt 2.420 tấn thịt lợn hơi, hơn 10 tấn thịt trâu, 720 tấn thịt bò, 927 tấn thịt gia cầm các loại, 721 tấn thủy sản... 

 Bà Nguyễn Thị Biện, thôn Việt Thắng, xã Hồng An dự kiến xuất bán hàng trăm con gà thịt dịp tết. 

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Hà cho biết: Giá sản phẩm chăn nuôi ổn định cộng với dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Hiện nay, thời tiết chuyển rét ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi, vì vậy người chăn nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tăng cường cập nhật thông tin về tình hình thị trường các sản phẩm chăn nuôi để chủ động trong việc tăng, giảm số lượng, bảo đảm chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Chúng tôi cử cán bộ giám sát địa bàn, đôn đốc, triển khai tốt công tác phòng, chống dịch; xử lý kịp thời gia súc, gia cầm ốm chết, không để dịch lây lan ra diện rộng; khuyến cáo người dân che chắn chuồng trại, dùng các loại vải bạt, nilon... làm rèm che kín, tránh mưa hắt, gió lùa. Vào những ngày nhiệt độ dưới 12 độ C cần nhốt gia súc, gia cầm trong chuồng trại và cho ăn uống đầy đủ, giữ ấm chuồng trại. 

Trong thời điểm nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao, việc chuẩn bị chu đáo về sản lượng và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường là cơ hội tạo thêm thu nhập cho người chăn nuôi cũng như bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường dịp tết. 


Thanh Thủy 


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày