Thứ 4, 16/07/2025, 13:21[GMT+7]

Thời tiết mùa mưa bão 2013 và xu thế vụ đông xuân tới

Thứ 6, 25/10/2013 | 09:37:53
1,342 lượt xem
Chế độ khí hậu mùa mưa bão năm 2013 được dự báo từ tháng 4 là ở dạng trung tính, hệ quả của nó là mùa mưa bão sẽ có nhiều bão, bão mạnh và mưa nhiều. Thực tế kiểm nghiệm từ tháng 5 đến tháng 9 là sát với thực tế xảy ra. Đã có 11 cơn bão và 5 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên biển Đông, trong đó có 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.

Nông dân xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) chăm sóc rau màu vụ đông trên đất chuyên màu. Ảnh: Ngọc Linh

Thái Bình chịu ảnh hưởng trực tiếp 4 cơn là bão số 2, số 3, số 5 và số 6. Các cơn bão ảnh hưởng đến Thái Bình gió không quá mạnh nhưng cũng gây một số thiệt hại về nông nghiệp, thủy sản, sạt một số đê, kè. Một điều đáng lưu ý là những năm gần đây hầu như năm nào tỉnh cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, có năm lên đến 4 cơn, có năm bão cực mạnh, điều mà cách đây khoảng chục năm về trước ít gặp.

Bão năm nay hình thành rất sớm, tháng 1 đã có bão số 1, tháng 2 xuất hiện ATNĐ, các cơn bão khác xuất hiện từ tháng 6 đến tháng 9. Từ bây giờ đến cuối năm  vẫn còn có khả năng xuất hiện bão ảnh hưởng đến nước ta. Năm nay tỉnh ta chỉ có tháng 6 là mưa ít hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ tháng 5 đến tháng 9 mưa nhiều hơn TBNN. Lượng mưa trong một tháng nhiều nhưng không tập trung vào 1 hay 2 đợt như một số năm trước nên úng ngập cũng không nghiêm trọng. Nắng nóng năm nay không gay gắt, kéo dài. Đỉnh lũ trên sông Hồng thấp hơn báo động số 1 là 0,7 m.

Phòng tránh bão một cách chủ động và có hiệu quả là gồm ba công đoạn, một công đoạn trục trặc cũng không có kết quả tốt. Đầu tiên là cơ quan khí tượng ra bản tin dự báo về bão có độ tin cậy cao. Thứ hai là bản tin đó phải chuyển kịp thời đến các cấp chính quyền và các cơ quan truyền thông. Thứ ba là các cấp chính quyền chỉ đạo cơ  quan truyền  thông bằng mọi cách đưa các thông tin về bão cho người dân biết đồng thời huy động, chỉ huy các cơ quan chức năng tham gia cùng nhân dân chống bão.

Người dân sau khi tiếp nhận các thông tin về bão phải tự phòng tránh cho mình và chấp hành các chỉ đạo từ chính quyền dưới dạng các công điện của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh. Công an, bộ đội, lãnh đạo chính quyền chỉ có mặt ở những nơi xung yếu nhất. Nhân dân có thể tiếp nhận tin dự báo bão từ nhiều nguồn khác nhau như: hệ thống loa truyền thanh xã, huyện, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Các xã, phường truy cập vào Cổng thông tin điện tử của tỉnh để lấy thông tin mới nhất về bão do Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh đăng tải để cung cấp cho hệ thống phát thanh địa phương.

Có nhiều cơn bão phức tạp, liên tục thay đổi hướng, tốc độ di chuyển, cường độ bão  nên các nhà quản lý và nhân dân phải theo dõi liên tục các bản tin dự báo. Khi có bản tin về bão nhân dân  không nên quá chú trọng xem tâm bão có vào tỉnh không mà nên nghe kỹ vùng nguy hiểm của bão ảnh hưởng đến các tỉnh nào. Bão số 8 năm 2012 gió mạnh cấp 10 trở lên trải dài từ Thanh Hóa đến Hải Phòng, trong đó Thái Bình mạnh nhất, hay như bão số 8 và bão số 11 năm nay đi vào Đà Nẵng nhưng mưa  lớn, lụt nặng và chết người ở cả  Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Ngành Khí tượng thủy văn  cung cấp cho xã hội  4 loại bản tin dự báo ứng với 4 thời hạn khác nhau: dự báo hạn ngắn (trước 1 đến 3 ngày), dự báo hạn vừa (trước 10 ngày đến một tháng) dự báo hạn dài (trước 3 đến 6 tháng) dự báo thời tiết thủy văn nguy hiểm (bão, lũ, áp thấp nhiệt đới, nắng nóng, rét đậm...). Mỗi loại dự báo  này có tiêu chí đánh giá và giao chỉ tiêu chất lượng riêng. Nói chung cả ở Trung ương và các tỉnh đều thường xuyên đạt và vượt chỉ tiêu được giao.

Dự báo bão và mưa là khó hơn cả và được quan tâm hơn cả vì ảnh hưởng của nó đến đời sống rất lớn. Một trận bão có thể làm chết hàng trăm người, thiệt hại vật chất hàng nghìn tỷ đồng mà việc khắc phục không phải là một vài tháng. Nếu mưa khoảng 100 mm trong một ngày ở tỉnh ta không xảy ra vào lúc lúa chín thì không đáng ngại, nhưng ở Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh thì gây ngập nặng.

Dự báo bão khó ở mấy lý do: Bão hình thành ở biển, khi vào biển Đông nó chịu tác động của gió mùa tây nam, gió mùa đông bắc, có khi lại có vài cơn bão cách nó khoảng gần 1.000 km tác động vào. Mặt khác khoa học chưa nghiên cứu thấu đáo về cơ chế hình thành và di chuyển của bão. Dự báo vị trí đổ bộ của bão, thời gian đổ bộ, cấp độ gió và lượng mưa ở mức độ tin cậy chỉ trước 24 giờ. Khi dự báo cho 48 giờ, 72 giờ  tiếp theo mức độ tin cậy thấp hơn.

So với khoảng ba mươi năm trước đây, ngành Khí tượng thủy văn đã tiến bộ rất nhiều nhưng so với thế giới vẫn lạc hậu. Nhà nước đã rất chú trọng đến ngành Khí tượng thủy văn. Các cơn báo bão đổ bộ vào đất liền đều được báo trước và có đủ thời gian để  tổ chức công tác phòng tránh. Tuy nhiên, có lần dự báo sai làm cho công việc của nhân dân bị động và có thiệt hại, rất mong được nhân dân  thông cảm và chia sẻ.

Phòng tránh bão, lũ ngoài dự báo trước còn có biện pháp công trình. Xây dựng  các công trình  đều  phải tính đến cấp gió, chế độ thủy triều, mực nước cao nhất, thấp nhất, đặc điểm địa hình. Đây là biện pháp an toàn nhất, lâu dài nhất.

Diễn biến thời tiết thủy văn vụ đông xuân tới có thể khả năng như sau: vụ đông xuân tới là vụ đông xuân ấm, rét đậm, rét hại ít hơn TBNN, tập trung vào tháng 1 và tháng 2. Rét đến muộn và kết thúc sớm, hầu hết các tháng có nhiệt độ trung bình tháng cao hơn TBNN. Lượng mưa cả vụ thấp hơn TBNN. Lượng dòng chảy dồi dào, Thái Bình có 2 cửa sông lớn, có thể lợi dụng thủy triều và các đợt xả nước để lấy nước tưới cho lúa và hoa màu. Độ mặn lớn nhất tại 2 cửa sông lớn vào khoảng 22 - 250/00.

Trần Văn Nghênh

(Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Thái Bình)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày