Thứ 5, 03/04/2025, 14:42[GMT+7]

Giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp kỳ vọng đạt trên 4%

Thứ 4, 02/04/2025 | 10:37:01
343 lượt xem
Ngành Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng 4% trong năm 2025, đồng thời hướng tới kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) đạt 65 tỷ USD, thậm chí chạm mốc 70 tỷ USD.

Ảnh minh họa.

Quý I/2025: Nền tảng cho tăng trưởng

Quý I/2025 đã ghi nhận những kết quả khả quan, tạo động lực cho ngành NLTS. Theo số liệu, kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024. Các mặt hàng chủ lực như cà phê, thủy sản và lâm sản đều ghi nhận tăng trưởng giá trị, trong đó cà phê tăng 49,5%, thủy sản tăng 18,1%, và lâm sản tăng 11,2%.

Tuy nhiên, một số mặt hàng như rau quả giảm 11,3%, đòi hỏi các giải pháp khắc phục kịp thời. Cán cân thương mại ngành NLTS cũng đạt thặng dư 4,4 tỷ USD, tăng 13,1%, cho thấy tiềm năng lớn để đạt mục tiêu xuất khẩu 65 tỷ USD cả năm.

Theo nhìn nhận của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các thị trường quốc tế đang mở rộng cơ hội cho nông sản Việt Nam. Singapore đã mở cửa thị trường cho trứng và thịt gia cầm Việt Nam, trong khi Brazil giảm yêu cầu kỹ thuật đối với cá tra nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt. Hợp tác với Hoa Kỳ cũng được đẩy mạnh, với việc tháo gỡ rào cản kỹ thuật để nông sản Việt - Mỹ rộng đường hợp tác, đặc biệt trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao.

Tại cuộc họp ngày 1/4/2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã chủ trì đánh giá Kế hoạch hành động, đưa ra các giải pháp chiến lược nhằm đảm bảo ngành "về đích" thành công. Với những tín hiệu tích cực từ quý I/2025 và sự điều chỉnh kịp thời, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ để đạt được các mục tiêu đề ra.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng 4% cho ngành nông nghiệp và môi trường trong năm 2025, cao hơn mức 3,5% ban đầu. Cụ thể, giá trị gia tăng của khu vực NLTS được kỳ vọng đạt 4% trở lên, với các lĩnh vực chính như sau: nông nghiệp tăng 3,85% (trồng trọt 2,4-2,9%, chăn nuôi 5,7-5,98%), thủy sản tăng 4,35%, và lâm nghiệp tăng 5,47%. Song song với đó, kim ngạch xuất khẩu NLTS được đặt mục tiêu đạt 65 tỷ USD, với tham vọng chạm mốc 70 tỷ USD.

Để đạt được các mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai nhiều giải pháp chiến lược. Vụ Kế hoạch - Tài chính đã xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động năm 2025, lấy ý kiến từ các đơn vị liên quan để đảm bảo tính khả thi. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị hoàn thiện và ban hành kế hoạch chi tiết trước ngày 5/4/2025, đồng thời bám sát các quy hoạch, chương trình và đề án chiến lược của Chính phủ.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định rằng, dù chỉ còn 3 quý để đạt mục tiêu tăng trưởng 4%, nhưng với sự quyết tâm và nỗ lực của các đơn vị, ngành NLTS hoàn toàn có thể đạt được các chỉ tiêu đề ra. Ông yêu cầu Vụ Kế hoạch - Tài chính và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, điều chỉnh kế hoạch, xác định rõ trách nhiệm và thời hạn hoàn thành. Với những tín hiệu tích cực từ quý I/2025, cùng các giải pháp chiến lược như mở rộng thị trường, tối ưu hóa sản xuất, ứng dụng KHCN và cải cách hành chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang đặt nền móng vững chắc để ngành NLTS không chỉ đạt mục tiêu tăng trưởng 4% mà còn hướng tới kim ngạch xuất khẩu 65-70 tỷ USD, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Cụ thể hóa các giải pháp quản lý và sản xuất

Ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, nhấn mạnh rằng tháo gỡ rào cản kỹ thuật là ưu tiên hàng đầu. Cục sẽ tổ chức hội thảo phổ biến tiêu chuẩn Halal để hỗ trợ doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) tiếp cận thị trường Trung Đông – khu vực có tiềm năng lớn, đặc biệt với mặt hàng cá tra. Đồng thời, Cục phối hợp với Báo Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Diễn đàn Kết nối nông sản 970 cho ngành rau, củ, quả, nhằm tìm giải pháp khắc phục tình trạng giảm kim ngạch xuất khẩu.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn cho bết đơn vị này đang triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu tại 11 tỉnh, tập trung vào các cây trồng chủ lực. Đề án không chỉ mở rộng quy mô sản xuất mà còn đầu tư hạ tầng, tổ chức lại sản xuất và thúc đẩy liên kết giữa HTX và doanh nghiệp. Ông Thịnh cho biết: "Nhờ tiếp cận tổng thể và các chương trình tập huấn nâng cao tay nghề, chi phí nguyên liệu có thể giảm 15-20%, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam". Cục cũng đã hoàn thiện sổ tay hướng dẫn xây dựng vùng nguyên liệu và đề xuất chính sách đầu tư đất đai để hỗ trợ doanh nghiệp và HTX ổn định sản xuất.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh rằng tái cơ cấu ngành không chỉ tập trung vào nâng cao năng suất mà còn phải tổ chức lại sản xuất hiệu quả. Ông lưu ý: "Diện tích đất đai không thể tăng mãi, vì vậy chúng ta cần nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm". Các giải pháp bao gồm cải tiến công nghệ chế biến, đảm bảo an toàn thực phẩm và xây dựng thương hiệu NLTS uy tín, chất lượng cao.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu cải cách hành chính đồng bộ, giảm bớt các thủ tục phức tạp để rút ngắn thời gian triển khai các dự án và sản phẩm mới. Ông lấy ví dụ về ngành giống cây trồng, nơi mất tới cả chục năm để phát triển một giống mới, và nhấn mạnh cần đẩy nhanh tiến độ ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào thực tiễn. Các đơn vị được yêu cầu đề cao yếu tố hội nhập quốc tế trong chiến lược KHCN, đồng thời bổ sung các giải pháp cải thiện công tác chế biến và an toàn thực phẩm.

Chuyển đổi số cũng là một trọng tâm trong định hướng của Bộ. Ông nhấn mạnh: "Việc thiếu thông tin chính xác về dịch bệnh, giá cả và sản lượng đã dẫn đến nhiều hiểu nhầm trong xã hội. Chúng ta cần nâng cao công tác truyền thông, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp".

Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đặt trọng tâm vào bảo vệ môi trường. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu các đơn vị triển khai các giải pháp đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả để giải quyết các vấn đề môi trường, từ quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp, đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Các chương trình như Đề án một triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, sẽ được đẩy mạnh để vừa đảm bảo sản lượng vừa bảo vệ môi trường.

Theo: baochinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày