Thứ 5, 08/05/2025, 12:47[GMT+7]

Bình Định: Phát triển nông nghiệp sạch, xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ

Thứ 3, 06/05/2025 | 09:33:54
458 lượt xem
Thời gian qua, xã Bình Định (Kiến Xương) đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng vùng sản xuất tập trung với mục tiêu gắn sản xuất với tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ mang dấu ấn riêng của địa phương.

Cánh đồng gạo hữu cơ tại xã Bình Định.

Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Bình Định có diện tích đất nông nghiệp khá lớn (530ha), do đó đến nay địa phương đã quy hoạch 7 vùng sản xuất tập trung với tổng diện tích 352,5ha, trong đó 250ha chuyên sản xuất lúa giống với lượng tiêu thụ qua hợp đồng đạt từ 1.500 - 1.700 tấn/năm. Đặc biệt, xã đã phát triển sản phẩm gạo theo hướng hữu cơ để tạo thương hiệu đặc thù cho địa phương. Để làm được việc này, xã mạnh dạn áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất, cấy, thu hoạch đến sơ chế, chế biến. Kết quả tỷ lệ cơ giới hóa đạt cao như làm đất 100%, cấy 75%, thu hoạch 100%. Đồng thời, các tiến bộ khoa học kỹ thuật như quy trình thâm canh cải tiến, sản xuất lúa bền vững giảm phát thải khí nhà kính, quản lý dịch hại tổng hợp, sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng được áp dụng rộng rãi. Cùng với đó, HTX cũng liên kết bền vững với các doanh nghiệp có thương hiệu, tiêu biểu là Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân. Sản phẩm được tiêu thụ qua hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp, thanh toán nhanh chóng trong vòng 15 ngày sau thu mua. 

Điểm nhấn nổi bật trong kế hoạch của xã là phát triển vùng sản xuất lúa hữu cơ. Sau nhiều năm nỗ lực, xã đã hình thành vùng sản xuất lúa hữu cơ rộng 14,2ha với 54 hộ tham gia. Để làm được mô hình này, HTX đã tổ chức tập huấn cho các thành viên tham gia vùng sản xuất cấy cùng một giống lúa, thực hiện bón phân hữu cơ và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình sản xuất. Sau 2 năm thực hiện, đến nay sản phẩm đã được kiểm nghiệm và chứng thực là sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo hướng hữu cơ và đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. HTX cũng đã hoàn thiện quy trình đóng gói sản phẩm đa dạng trọng lượng từ 1 - 5kg và đang hướng tới mở rộng tiêu thụ sản phẩm qua sàn thương mại điện tử. Ông Đỗ Trọng Điệt, thôn Hòa Bình chia sẻ: Trước đây sản xuất manh mún, chúng tôi phải tự lo đầu ra, rất vất vả, tới khi làm lúa hữu cơ, được hỗ trợ kỹ thuật, có nơi bao tiêu, công lao động giảm, giá bán lại cao gấp đôi. Vì thế, tôi vẫn duy trì cấy một mẫu lúa hữu cơ, mỗi vụ bán được khoảng 2 tấn thóc tươi cho HTX, thu về hàng chục triệu đồng. Theo ông Hoàng Vĩnh Ninh, Phó Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Bình Định, sản xuất lúa hữu cơ mang lại giá trị gia tăng rõ rệt. Nếu như lúa thường chỉ bán với giá 7.000 - 8.000 đồng/kg thóc khô, thì lúa hữu cơ được thu mua với giá 13.000 - 14.000 đồng/ kg. Sau sơ chế, xay xát và đóng gói, gạo thành phẩm HTX bán ra thị trường từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, gần gấp đôi so với gạo thông thường. 

HTX SXKD DVNN xã Bình Định tổ chức thu mua, tiêu thụ thóc khô cho người dân. 

Ông Bùi Ngọc Trìu, Chủ tịch UBND xã Bình Định khẳng định: Đây là phương thức sản xuất lúa mới, do đó Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị từ khâu quy hoạch vùng sản xuất, lựa chọn giống lúa, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đến việc thành lập các tổ liên kết để phá bỏ bờ ngăn, bờ thửa, sản xuất giảm phát thải khí nhà kính. Từ năm 2008, xã đã giao cho HTX SXKD DVNN ký hợp đồng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, góp phần ổn định đầu ra và gia tăng giá trị nông sản cho nông dân. Từ đó đến nay, trong quá trình sản xuất, HTX đã cơ giới hóa đồng bộ từ gieo mạ khay, cấy máy, làm đất, thu hoạch đến tổ chức thu mua thóc tươi, thóc khô và tiêu thụ sản phẩm. Hiện HTX tiếp tục tổ chức quy vùng sản xuất lớn, phá bỏ bờ ngăn, thửa nhỏ, tổ chức gieo cấy cùng giống, cùng thời vụ và thu hoạch đồng loạt, hình thành vùng sản xuất lúa hữu cơ tập trung, xây dựng thành công thương hiệu “Gạo hữu cơ Bình Định”. 

Không chỉ dừng ở tổ chức sản xuất theo quy trình khép kín, xã Bình Định còn chủ động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ đặc thù riêng cho địa phương. Dự kiến sau khi được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, xã sẽ đẩy mạnh quảng bá sản phẩm qua hội chợ, sàn thương mại điện tử, hướng tới mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Với hướng đi bài bản, đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ, xã Bình Định đang từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả. 

Sản phẩm gạo hữu cơ Bình Định được đóng gói bán ra thị trường. 

Thu Thủy - Nguyễn Triệu 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày