Thứ 3, 08/07/2025, 08:20[GMT+7]

Vững tin vào vụ đông hàng hóa

Thứ 5, 14/11/2013 | 09:02:55
1,052 lượt xem
Vụ đông năm 2013 là vụ đông thứ hai liên tiếp nông dân phải ứng phó, hứng chịu hậu quả do bão gây ra, song với hiệu quả kinh tế của cây vụ đông đem lại và niềm tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành, nên bà con nông dân vẫn ngày đêm bám đồng sản xuất.

Nông dân xã Hùng Dũng (Hưng Hà) chăm sóc diện tích bí xanh sau bão

Thực tế cho thấy, vụ đông năm 2012 sau khi toàn tỉnh mất trắng trên 10.000 ha (do ảnh hưởng của bão số 8), nhưng với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt từ tỉnh đến các địa phương nên cây vụ đông vẫn được phục hồi, tổng diện tích đạt 29.647 ha.

Do sau bão rau khá khan hiếm nên khi gieo trồng lại nông dân bán được giá, nhất là khoai tây giá tăng 2,5 lần so với năm 2011. Mặc dù diện tích vụ đông năm 2012 giảm so với vụ trước, nhưng giá trị kinh tế lại tăng cao, bình quân đạt 75,89 triệu đồng/ha; tổng giá trị sản xuất đạt 2.249.943 triệu đồng, tăng 346.242 triệu đồng so với vụ đông năm 2011.

Vụ đông năm 2013 được triển khai, thực hiện khá sớm, các loại cây ưa ấm đều được gieo trồng đúng lịch thời vụ và mở rộng tối đa trên diện tích đất hai lúa. Chính vì vậy, đến trung tuần tháng 10, toàn tỉnh đã gieo trồng được gần 35.000 ha, tất cả các loại cây sau gieo trồng đều sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, thêm lần nữa nông dân lại phải hứng chịu sự tàn phá của bão.

Sáng ngày 11/11, sau khi bão đã đi qua, chúng tôi có mặt trên nhiều xứ đồng ở các địa phương trong tỉnh, nhìn những cánh đồng màu vụ đông nửa mừng, nửa lo. Mừng do bão đã chuyển hướng không đổ bộ trực tiếp vào tỉnh nhà và lượng mưa thấp nên cây vụ đông không bị tàn phá nặng nề như vụ đông trước; lo vì đa phần cây vụ đông đang trong giai đoạn ra hoa, kết trái, nhiều diện tích đã đến độ thu hoạch bị ảnh hưởng ít nhiều.

Ngô của gia đình bà Dương Thị Thư, xã Vũ Phúc (Thành phố Thái Bình) đã được thu hoạch nên không bị ảnh hưởng nhiều sau bão số 14.

Thể hiện rõ nhất là cây ngô, toàn tỉnh đã gieo trồng được trên 6.700 ha, do ảnh hưởng của bão nên cơ bản ngô ở các địa phương đều bị nghiêng ngả. Địa phương nào trồng sớm, ngô đã vào mẩy thì không bị ảnh hưởng nhiều, những nơi ngô đang trong giai đoạn xoáy nõn, trỗ cờ phun râu chắc chắn sẽ bị giảm năng suất. Bà Dương Thị Thư, thôn Phúc Thượng, xã Vũ Phúc (Thành phố Thái Bình) cho biết: Gia đình bà trồng gần 4 sào ngô đang trong giai đoạn vào mẩy, sắp cho thu hoạch, bão số 14 đã làm nghiêng ngả nhưng không ảnh hưởng nhiều tới năng suất, chất lượng; ngô có thể bán non do đó giá trị thu nhập không giảm nhiều.

Hay như hộ ông Vũ Văn Thản, xã Tân Hoà (Vũ Thư), trồng 2 sào khoai tây được 2 ngày thì gặp bão. Ông Thản cho hay, khoai tây mới trồng nên chưa có thân, đồng thời mưa ít nên không bị ảnh hưởng nhiều; nếu thời gian tới mưa nhiều mới lo củ giống bị thối. Hưng Hà là một trong những huyện điển hình về gieo trồng cây vụ đông, bão số 14 vừa qua đã gây hại 1.780 ha, trong đó diện tích bị giảm năng suất 70% có 298,5 ha ngô, 229,3 ha rau màu và 7,2 ha khoai tây; còn lại giảm năng suất khoảng 30%.

Ông Lưu Xuân Tiển, Chủ tịch UBND xã Hùng Dũng cho biết: Thiệt hại lớn nhất là ngô, với 120 mẫu, nguyên nhân do ngô đang trong thời kỳ trỗ cờ phun râu. Tuy nhiên, nhiều cây trồng khác vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, không bị dập nát nhiều, như bí, đậu tương, dưa các loại. Bà Nguyễn Thị Dậu, thôn Trung Đẳng, xã Hùng Dũng cho biết: Gia đình bà trồng 1 mẫu cây vụ đông, trong đó 8 sào đậu tương và 2 sào bí; bão số 14 vừa qua không ảnh hưởng nhiều, bí cơ bản không bị dập, vẫn giữ được hoa, quả, đậu tương không bị đổ và ngập ...

Ngay sau bão, trên khắp các xứ đồng ở các địa phương trong tỉnh, các hộ nông dân đã có mặt ở đồng từ rất sớm để khơi thông nước, dựng lại ngô, vắt lại dây bí… Điều này cho thấy, người nông dân không hề chán nản, vẫn nặng lòng đặt niềm tin ở vụ sản xuất hàng hóa lớn nhất năm. 

Cũng như các địa phương khác trên địa bàn huyện, nông dân xã Song An (Vũ Thư) khẩn trương khắc phục hậu quả, tập trung ra đồng khôi phục lại những diện tích cây vụ đông bị ảnh hưởng, loại bỏ những cây dập nát, tiến hành chăm sóc kịp thời, tạo điều kiện để cây nhanh hồi phục, phát triển. Có mặt tại cánh đồng thôn Quý Sơn, chúng tôi chứng kiến toàn bộ diện tích cây dưa chuột đang trong thời kỳ cho quả bị đổ dập. Chị Nguyễn Thị Linh tranh thủ thu những quả dưa còn non để đem đi bán, giảm phần nào thiệt hại. Được biết, năm 2012 bão số 8 gây thiệt hại cho gia đình chị 7 sào cây vụ đông mất trắng.

Vụ đông năm nay gia đình chị trồng 6 sào, bão số 14 lại gây thiệt hại đối với 2 sào dưa chuột làm giảm năng suất đến 70%. Bà Trương Thị Nghiêm, một người dân thôn Gián Nghị cho biết: “Vụ đông năm nay, gia đình tôi trồng gần 5 sào gồm ngô, khoai tây. Cây trồng đang sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn một vụ sản xuất thắng lợi thì gặp bão làm cho toàn bộ diện tích ngô hỏng nặng. Sau bão, chúng tôi dựng những cây ngô bị đổ ngả và thụ phấn cho những cây còn cờ.

Đối với cây khoai tây, do chân đất tương đối cao nên không bị ảnh hưởng nhiều, gia đình tôi cũng tập trung nhân lực khơi thông dòng chảy, tạo rãnh thoát nước. Tích cực chăm sóc cho cây vụ đông phát triển trở lại”. Ông Trương Nhất Chiến, Chủ nhiệm HTX DVNN cho biết: Song An là một trong số xã có diện tích trồng cây vụ đông lớn nhất huyện Vũ Thư. Vụ đông 2013, nông dân Song An gieo trồng hơn 190 ha; tuy nhiên bão số 14 đã làm 22 ha ngô bị đổ, 43 ha rau các loại bị táp lá... Đặc biệt 10 ha dưa chuột bị ảnh hưởng đang giai đoạn ra quả non, khả năng giảm năng suất đến 70%. Ngay khi bão đi qua, xã đã tập trung kiểm tra, nắm tình hình để có những khuyến cáo phù hợp.

Với xã Chương Dương (Đông Hưng), trong tổng diện tích 139 ha cây vụ đông đã trồng, sau bão có khoảng 16 ha bí xanh, 7 ha khoai tây bị dập nát, 20 ha ngô nghiêng ngả, gãy dập, 5 ha khoai lang, đậu tương và 20 ha dưa bị ngập. Vụ đông này là năm đầu tiên xã đưa mô hình cây dưa bao tử vào trồng và liên kết với công ty thu mua sản phẩm cho bà con. Người dân ai nấy đều phấn khởi bởi sắp có thành quả trong tay. Để trồng được 20 ha dưa đó, ngoài cơ chế hỗ trợ 100% tiền giống của huyện, 135 hộ gieo trồng còn được công ty thu mua hỗ trợ tiền phân bón, HTX hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật.

Tuy nhiên, đến nay toàn bộ diện tích này đã bị thiệt hại và mất hoàn toàn lứa đầu. Bác Lê Xuân Hòa, Chi hội Cựu chiến binh thôn Cao Mỗ Namon> cho biết: “Ngay khi xã triển khai gieo trồng cây dưa xuất khẩu, 13 hội viên trong thôn đã lên kế hoạch mượn ruộng để làm. Với giá như hợp đồng với công ty thu mua là 4.000 đồng/kg dưa loại 2 và 3.000 đồng/kg dưa loại 3, thời gian thu hoạch kéo dài từ 40 - 50 ngày bình quân mỗi sào cũng thu lãi từ 3 - 4 triệu đồng. Thế nhưng bão số 14 ập đến đã làm toàn bộ diện tích dưa đang độ ra quả bị ngập nước, nhiều dây bị dập nát nên đã ảnh hưởng lớn đến năng suất. Dự tính sẽ bị giảm tới 50% năng suất”.     

Bà Phạm Thị Kim Hoàn, Trưởng phòng Trồng trọt - Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để khắc phục những diện tích cây vụ đông bị ảnh hưởng do bão số 14 gây ra, các địa phương cần thực hiện khẩn trương các biện pháp do ngành chuyên môn hướng dẫn. Trước hết, khơi thông dòng chảy, xẻ rãnh thoát nước mặt ruộng để tiêu nước, nhất là diện tích khoai tây mới trồng không được để nước đọng trên mặt ruộng.

Dựng lại những cây đổ ngả, cắt tỉa các lá, cành bị dập nát; vun hoặc chèn thêm đất vào gốc, sau 2 - 3 ngày cần tưới, phun bổ sung cho cây các loại phân qua lá, chất hỗ trợ sinh trưởng; sau 7 - 8 ngày tiếp tục bón bổ sung phân NPK cao cấp, kết hợp vun xới làm thông thoáng gốc; phun phòng bệnh thán thư, mốc sương cho các loại cây mẫn cảm như ớt, dưa, bí...

Nguyên Bình- Mạnh Thắng - Thu Thủy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày