Thứ 5, 01/08/2024, 19:19[GMT+7]

Xuất khẩu gạo những tháng cuối năm: Cần làm tốt công tác dự báo

Thứ 4, 22/09/2010 | 09:15:16
2,094 lượt xem
Thị trường gạo năm 2010 có nhiều diễn biến phức tạp, nếu như thời điểm đầu năm 2010, thị trường xuất khẩu tương đối trầm lắng thì hiện tại nhu cầu đối với gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế đang tăng nhanh, giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã ở mặt bằng chung các nước xuất khẩu gạo lớn.

Giá gạo đang có xu hướng tăng

Hiệp Hội lương thực Việt Nam cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay Việt Nam xuất khẩu được 301.163 tấn, trị giá 110,978 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu gạo từ ngày 01/01 đến 17/09/2010 của Việt Nam đạt khoảng 5.078.594 tấn, đạt trị giá 2,152 tỷ USD. Theo ước tính trong tháng 9 này cũng sẽ có khoảng 700.000-800.000 tấn gạo được xuất khẩu. Cho nên, cho dù chưa thể chạm tới ngưỡng 7 triệu tấn, nhưng có thể năm 2010 chúng ta sẽ vượt xa kỷ lục trên 6 triệu tấn trong năm 2009.

Cũng theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu đã liên tục tăng trong tháng 8 vừa qua, còn khối lượng tung ra thị trường thế giới có lẽ cũng đã đạt kỷ lục chưa từng có, nhờ vậy, giá lúa gạo hiện đang được đẩy lên nhanh chóng.

Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu trong tháng 8 đã ba lần tăng và đưa giá gạo 5% tấm lên 450 đô la Mỹ/tấn, tăng 12,5% so với trước đó. Tại thị trường trong nước, giá lúa gạo ổn định. Các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch vụ Hè Thu cơ bản đã xong. Hiện giá lúa thường dao động 4.900 – 5.000 đ/kg, lúa dài khoảng 5.300 đ/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.000 – 7.100 đ/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.900 – 6.950 đ/kg tùy chất lượng và địa phương.

Giá gạo tăng mạnh, hiện tại giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã ở chung mặt bằng giá với gạo các nước xuất khẩu lớn như Thái Lan. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia cho rằng tình hình cung - cầu lương thực thế giới từ nay đến cuối năm và đầu năm 2011 còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Điển hình tại một số nơi hiện đang xuất hiện yếu tố đầu cơ. Giá lúa trong nước tăng lên không có nghĩa thiếu lúa hàng hóa mà do tác động tâm lý, giữ lúa chờ giá lên.

Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo cần phải theo dõi sát thông tin sản xuất, diễn biến cung - cầu lúa gạo trong và ngoài nước, tăng cường công tác dự báo, đẩy mạnh công tác phối hợp để kịp thời ứng phó với các biến động thị trường khi cần thiết.

Cho đến nay, công tác chỉ đạo sản xuất và điều hành xuất khẩu gạo được thực hiện tốt. Đặc biệt là từ sau khi Quyết định số 993/QĐ-TTg về việc mua tạm trữ tối đa 1 triệu tấn gạo hàng hóa vụ hè thu được Thủ tướng ban hành. Chủ trương này đã góp phần tiêu thụ cũng như làm tăng giá mua lúa gạo hàng hóa theo hướng có lợi cho người trồng lúa. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng nỗ lực đàm phán để ký kết các hợp đồng với số lượng lớn.

Đối với các thị trường nhập khẩu, Việt Nam không những duy trì được các thị trường truyền thống mà còn khai thông được một số thị trường mới và tăng cường giao dịch thương mại. Hiện tại nhu cầu đối với gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế rất lớn. Gạo Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đối tác truyền thống như: Malaysia, Indonesia, Cuba, Iraq và sau nhiều năm gián đoạn, đã có mặt với số lượng đáng kể tại thị trường Bangladesh. Gạo thơm và gạo 5% tấm của Việt Nam khẳng định được chỗ đứng tại châu Phi - thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, phía trước vẫn còn không ít khó khăn, vì thế việc chỉ đạo sản xuất đúng tiến độ để đảm bảo nguồn cung lúa, gạo cho tiêu thụ nội địa, xuất khẩu và chủ động đảm bảo an ninh lương thực là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thêm vào đó cần giữ giá lúa tốt theo hướng có lợi cho người trồng lúa, giúp tạo động lực mở rộng sản xuất lúa gạo vào cuối năm 2010 và đầu năm 2011. Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội lương thực và các doanh nghiệp xuất khẩu đều phải theo dõi sát thông tin sản xuất, diễn biến cung-cầu lúa gạo trong và ngoài nước để kịp thời có những biện pháp đối phó với diễn biến của thị trường này.

ĐCSVN

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày