Thứ 3, 01/07/2025, 12:03[GMT+7]

Giải pháp bền vững cho ngành lúa gạo Thái Bình

Thứ 2, 30/06/2025 | 09:25:39
264 lượt xem
Đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa gạo đang là hướng đi tất yếu và hiệu quả tại Thái Bình, góp phần nâng cao giá trị nông sản, bảo đảm đầu ra ổn định, từng bước đưa hạt gạo quê lúa vươn ra thị trường quốc tế.

Ông Vũ Ngọc Hà, đại điền thị trấn Kiến Xương tích tụ 15ha, mang lại nguồn thu nhập từ 400 -500 triệu đồng/năm.

Hiện đại hóa vùng sản xuất lúa hàng hóa

Với gần 150.000ha gieo cấy lúa mỗi năm, Thái Bình là tỉnh có diện tích lúa lớn thứ hai khu vực đồng bằng sông Hồng. Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường khẳng định: Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm là xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp hiện đại. Với cây lúa, Thái Bình đang từng bước hình thành chuỗi giá trị khép kín từ giống, sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Sự vào cuộc của doanh nghiệp giúp giảm áp lực đầu ra cho nông dân, còn người dân thì chủ động tích tụ ruộng đất, đầu tư kỹ thuật để sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đây là nền tảng để tỉnh phát triển ngành hàng lúa gạo chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Thời gian qua, nhờ triển khai các chính sách tổ chức lại sản xuất, toàn tỉnh đã xây dựng được gần 10.400ha lúa liên kết với doanh nghiệp, trong đó trên 5.600ha được tích tụ, tập trung sản xuất theo hướng chuyên canh, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa, tự động hóa và công nghệ số. Việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thông qua hợp đồng rõ ràng giúp giảm rủi ro thị trường, ổn định thu nhập, hướng tới sản xuất bền vững.

Xác định rõ vai trò của liên kết sản xuất trong phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian qua, huyện Hưng Hà đã chủ động quy hoạch vùng sản xuất tập trung, phối hợp với doanh nghiệp xây dựng các mô hình liên kết sản xuất lúa hàng hóa theo hướng chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu. Vụ xuân năm 2025, toàn huyện có trên 45% diện tích gieo cấy là giống lúa chất lượng cao, trong đó nổi bật là mô hình sản xuất lúa Nhật liên kết với doanh nghiệp tại nhiều xã như Hòa Bình, Hồng Lĩnh, Thống Nhất, Quang Trung, với diện tích hơn 300ha... Đây là năm thứ 3 huyện phối hợp với doanh nghiệp sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản - một thị trường khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Riêng xã Hòa Bình đã triển khai liên kết sản xuất 70ha lúa Nhật theo tiêu chuẩn phục vụ thị trường Nhật Bản. Ông Nguyễn Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình chia sẻ: So với trước đây, nông dân sản xuất lúa Nhật theo chuỗi liên kết được hỗ trợ từ khâu giống, kỹ thuật, đến tiêu thụ sản phẩm. Thóc thu hoạch xong được doanh nghiệp đến tận ruộng thu mua với giá cao hơn thị trường 15 - 20%. Nhờ vậy, bà con rất phấn khởi, yên tâm sản xuất. Ông Phạm Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà cho biết: Liên kết sản xuất là giải pháp căn cơ để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây lúa. Chính vì vậy, huyện đang tiếp tục nhân rộng mô hình liên kết, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và nông dân hợp tác. Mục tiêu của huyện là xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao gắn với doanh nghiệp, hướng đến xuất khẩu, nâng cao thu nhập và phát triển nông nghiệp bền vững. Không chỉ tại Hưng Hà, nhiều địa phương như Kiến Xương, Quỳnh Phụ, Thái Thụy cũng đang triển khai hiệu quả mô hình liên kết với các công ty chế biến lúa gạo, từng bước hình thành vùng nguyên liệu tập trung phục vụ xuất khẩu. Các HTX nông nghiệp kiểu mới đóng vai trò then chốt trong việc kết nối doanh nghiệp - nông dân - thị trường, giúp đồng bộ quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Nhà máy chế biến gạo của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed.

Từ sản xuất nhỏ lẻ đến tư duy đại điền

Một trong những điểm sáng nổi bật trong phát triển vùng lúa hàng hóa của Thái Bình là phong trào tích tụ, tập trung ruộng đất và phát triển sản xuất “đại điền”. Đây không chỉ là biểu hiện của chuyển dịch tư duy sản xuất, mà còn là cách thức để đón đầu thị trường, ứng dụng hiệu quả cơ giới hóa và công nghệ số. Ông Vũ Ngọc Hà, hộ đại điền tiêu biểu ở thị trấn Kiến Xương đã tích tụ 15ha đất, đầu tư máy cày, máy cấy, máy gặt hiện đại để sản xuất các giống lúa hàng hóa chất lượng cao. Thóc thu hoạch được doanh nghiệp thu mua ngay tại ruộng theo hợp đồng liên kết, giúp giảm chi phí, rút ngắn thời gian, tối ưu hóa lợi nhuận. Mỗi năm, mang lại nguồn thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng cho gia đình. Tại xã Vũ Quý (Kiến Xương), ông Đỗ Văn Dân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đại điền Thái Bình được xem là người “truyền lửa” cho phong trào này. Không chỉ tích tụ trên 20ha sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, ông còn liên kết với nông dân tại 7 tỉnh, tổ chức cung ứng giống lúa, vật tư, thu mua thóc, tạo ra chuỗi giá trị hoàn chỉnh với trên 120ha. Mỗi năm ông Dân thu về trên 2 tỷ đồng, đồng thời giúp hàng trăm hộ dân có đầu ra ổn định. Ông Dân chia sẻ: Muốn làm lớn phải có tư duy lớn. Tích tụ đất, đầu tư máy móc hiện đại, liên kết cùng doanh nghiệp đó là con đường tất yếu. Nếu cứ manh mún, nhỏ lẻ thì mãi quanh quẩn trong nỗi lo được mùa rớt giá. Hiện nay, Câu lạc bộ đại điền có trên 600 thành viên, phần lớn là các hộ sản xuất quy mô từ 4 - 30ha, không chỉ sản xuất giỏi mà còn có vai trò hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, liên kết bao tiêu trong và ngoài tỉnh. Cách làm này đang tạo tiền đề hình thành lực lượng nông dân chuyên nghiệp - những người sản xuất theo quy mô, có tư duy thị trường, chủ động chuyển đổi theo nhu cầu tiêu dùng.

Chắp cánh cho hạt gạo quê lúa vươn xa

Thái Bình xác định rõ liên kết sản xuất là trục xuyên suốt trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã mở rộng vùng nguyên liệu, xây dựng mã số vùng trồng, ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng và quảng bá thương hiệu gạo Thái Bình ra thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, định hướng sản xuất gạo hữu cơ, gạo đặc sản, gạo thơm chất lượng cao đang được đẩy mạnh, phù hợp với xu thế tiêu dùng xanh và yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, các chương trình đào tạo nông dân, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng hệ thống máy móc cơ giới đồng bộ cũng đang được triển khai rộng rãi. Những cánh đồng lớn, những tổ hợp máy móc hiện đại, những hợp đồng liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân là minh chứng sống động cho sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy và cách làm nông nghiệp tại Thái Bình.

Với những bước đi vững chắc, hạt gạo Thái Bình đang từng bước chinh phục những thị trường khó tính. Những cánh đồng mẫu lớn không còn bị chia cắt bởi bờ thửa; những hợp tác xã năng động, chuyên nghiệp hóa vai trò trung gian; những hộ “đại điền” bản lĩnh và tiên phong... chính là hình ảnh mới của ngành lúa gạo Thái Bình trong hành trình hội nhập.

Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày