Thứ 3, 06/08/2024, 03:14[GMT+7]

Nỗ lực phục hồi và phát triển rừng ven biển

Thứ 2, 02/12/2013 | 08:34:09
1,148 lượt xem
Ði dọc các tuyến đê ven biển thuộc huyện Tiền Hải và Thái Thụy ta bắt gặp những dải rừng bần, trang xanh mướt đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ hệ thống đê biển, tài sản và tính mạng cho nhân dân. Mọi dấu vết hoang tàn cách đây hơn một năm khi bão số 8 đổ bộ trực tiếp vào Thái Bình đã không còn, những cánh rừng cũ đã lấy lại màu xanh, đồng thời phát triển thêm gần 100 ha rừng trồng mới.

Rừng bần, trang ở Thụy Trường (Thái Thụy) có nơi rộng hơn 3,5 km hướng ra biển.

Thực trạng rừng ven biển

Thái Bình là tỉnh ven biển, có diện tích đất bãi triều rộng lớn. Trải qua nhiều năm tháng đã tạo được vùng đất tự nhiên ven biển rộng 33.310 ha, chia làm hai nhóm đất chính, gồm đất cát và bãi bồi phù sa ven biển. Ðối với nhóm đất cát có 559 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Tiền Hải, thành phần cơ giới nhẹ, rời rạc nghèo mùn và dinh dưỡng. Diện tích còn lại là đất bãi bồi, đây là nhóm đất bị ảnh hưởng trực tiếp của chế độ nhật triều và gió bão, một phần diện tích này có khả năng trồng  được rừng ngập mặn và nuôi ngao.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Diện tích đất ở hai huyện ven biển có thể trồng được rừng là trên 9.900 ha; từ năm 1990 đến nay, Thái Bình có khá nhiều dự án lâm nghiệp được đầu tư, như Chương trình 372, Dự án 5 triệu ha rừng, Dự án PAM 5325… Vì vậy, diện tích rừng hàng năm trên địa bàn tỉnh bình quân trồng được từ 300 - 400 ha, nâng diện tích rừng của tỉnh lên 7.000 ha, góp phần không nhỏ nâng cao khả năng phòng hộ ven biển.

Tuy nhiên, cuối năm 2012 bão số 8 đổ bộ vào tỉnh với sức gió cấp 12, giật cấp 14 đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với hệ thống rừng phòng hộ ven biển; cuốn trôi và phá hủy trên 1.500 ha rừng các loại. Cùng với bão, nhiều diện tích rừng non đã bị sinh vật hà gây hại, do đó diện tích rừng đã giảm đáng kể. Tính đến hết năm 2012, toàn tỉnh chỉ còn 5.688,15 ha rừng, trong đó rừng đặc dụng là 1.450,16 ha, rừng phòng hộ là 4.237,99 ha. Như vậy, còn 4.240,85 ha đất ven biển chưa có rừng đã làm suy giảm đáng kể khả năng phòng hộ chắn sóng và gió.

Sự cần thiết phải bảo vệ và phát triển rừng

Là tỉnh ven biển thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, nhất là sóng biển, triều cường khi có bão, do đó rừng phòng hộ được coi như những tấm lá chắn bảo vệ đê, tài sản và tính mạng cho nhân dân rất hữu hiệu. Thực tế đã minh chứng, nhiều đoạn đê chưa có rừng phòng hộ đã bị bão số 8 năm 2012 làm sạt lở; tổng có hơn 300 m đê biển số 6 thuộc huyện Tiền Hải bị sạt lở, trong đó 80 m đê biển thuộc địa bàn xã Ðông Long bị sạt lở nghiêm trọng. Bên cạnh đó, rừng còn là nơi trú ngụ, sinh sống của nhiều loài động, thực vật. Theo kết quả điều tra của ngành Nông nghiệp cho thấy, tổng có 137 loài động vật, gồm 16 bộ, 44 họ; trong đó có nhiều loài có trong sách đỏ thế giới, như cò mỏ thìa, bồ nông chân xám, cò quăm màu đen…

Ngoài ra còn có 52 loài thực vật, thuộc 26 họ, 48 chi, trong đó có 19 loài dược liệu. Ðặc biệt những dải rừng bần, trang cho nhiều hoa, thời gian ra hoa kéo dài là môi trường lý tưởng để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Tuy nhiên, do diện tích rừng bị giảm nên nhiều loài động, thực vật đang có nguy cơ mất hẳn, như một số loài chim di cư. Ngoài ra, tỉnh mới cứng hóa xong hơn 30 km đê biển trực diện với biển, với tổng vốn đầu tư trên 1 nghìn tỷ đồng, do đó việc trồng và phát triển rừng ngập mặn ven biển có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo vệ đê trước thiên tai.

Chung tay phủ kín đất rừng còn trống

Ðể tạo ra những dải rừng chắn sóng, gió, bảo vệ bờ biển, các công trình, cơ sở sản xuất nông, công nghiệp, lập lại cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường và giảm thiểu ô nhiễm nước ven bờ biển, đồng thời góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, các cấp, ngành và nhân dân cần chung tay giữ vững diện tích rừng hiện có và phủ kín hơn 4.000 ha còn trống. Hiện nay, biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng khốc liệt, gây ra những thảm họa khôn lường đối với toàn thế giới, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia đã và đang phải gánh chịu hậu quả đó.

Chính vì vậy, việc bảo vệ và phát triển rừng đóng vai trò hết sức quan trọng để chống lại quá trình biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai xảy ra. Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Hiện nay ngành Nông nghiệp đã xây dựng Dự án quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012 - 2020 để trình tỉnh xét duyệt.

Theo kế hoạch sẽ bảo vệ 5.688,15 ha rừng hiện có và trồng mới 1.188,79 ha, trồng bổ sung 790 ha, trồng cây phân tán 200 ha, chuyển hóa rừng giống 20 ha. Ngay trong tháng 9 năm 2013, 8 xã ven biển của huyện Tiền Hải và Thái Thụy đã trồng mới được 90 ha rừng, với tổng kinh phí đầu tư trên 1,3 tỷ đồng. Ông Lê Xuân Luân, Chủ nhiệm HTX Tam Tri, xã Thụy Trường (Thái Thụy) cho biết: Hơn 4,5 km đê biển số 8 thuộc địa bàn xã đã được phủ kín rừng bần, trang, có chỗ rừng rộng hơn 3,5 km hướng ra phía biển tạo thành lá chắn vững chắc để chống chọi với gió bão; tổng diện tích rừng toàn xã hiện có 1.150 ha, trong đó có 15 ha trồng mới. Ðể bảo vệ và phát triển rừng, Thụy Trường đã thành lập 1 đội quản lý gồm 9 người và 1 HTX phụ trách trồng, chăm sóc rừng ngập mặn ven biển; phấn đấu đến năm 2020 có từ 1.500 ha đến 2.000 ha rừng.

Việc bảo vệ và phục hồi rừng ven biển không chỉ bảo vệ đê, tài sản, tính mạng của nhân dân mà còn góp phần phát triển kinh tế thông qua sản xuất lâm - ngư kết hợp. Cụ thể, như việc nuôi trồng thủy sản quảng canh, hoặc quảng canh cải tiến trong rừng ngập mặn, với các loài hải sản tự nhiên như tôm, cua, ngao…; đồng thời nuôi ong lấy mật, khoảng 100 ha rừng ngập mặn có thể nuôi từ 20 - 30 đàn ong.

Nguyên Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày