Chủ nhật, 25/05/2025, 15:47[GMT+7]

Hiệu quả hoạt động của HTX Thủy sản Hồng Tiến

Thứ 2, 16/12/2013 | 08:38:09
1,624 lượt xem
Mặc dù mới thành lập, song nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể, Hợp tác xã Thủy sản Hồng Tiến (Kiến Xương) đã làm tốt các khâu dịch vụ, tổ chức các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm đáp ứng nhu cầu sản xuất cho bà con xã viên. Nhờ đó, sản lượng và chất lượng sản phẩm của các xã viên được nâng lên, góp phần phát triển kinh tế địa phương, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.

Ao cá rộng hơn 1.000 m2 của gia đình anh Ðỗ Văn Nghĩa cho thu nhập cao.

Hồng Tiến được biết đến là một xã nghèo của huyện Kiến Xương với hơn 1.500 hộ dân, 6.000 nhân khẩu. Xã có hơn 300 ha đất canh tác thì có tới 90 ha đất nhiễm mặn, cấy lúa kém hiệu quả. Hàng năm, lúa đến vụ thu hoạch thì nước mặn dâng lên khiến cả cánh đồng lụi dần, hạt lúa lép. Ông  Ðỗ Ðức Cảnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hồng Tiến là xã cách xa trung tâm, giao thương buôn bán gặp nhiều khó khăn, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào cây lúa và đánh bắt thủy sản. 

Năm 2005, nhờ chủ trương của tỉnh, huyện, Hồng Tiến thực hiện chuyển đổi hơn 90 ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và bước đầu đạt kết quả cao gấp 3 - 4 lần so với cấy lúa. Ðời sống người dân ngày càng được nâng cao, đến nay, hơn 80 hộ dân vùng chuyển đổi đều có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, nhiều hộ có thu nhập từ  200 - 400 triệu đồng/ năm. Từ chỗ là xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 9%, đến năm 2012  giảm xuống còn 6,7%,  xã đang phấn đấu đến cuối năm nay giảm xuống dưới 3%, đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.

 Cùng đồng chí Chủ nhiệm HTX Thủy sản Hồng Tiến, chúng tôi về thôn Nam Tiến, ghé thăm gia trại của gia đình anh Ðào Văn Ðại rộng 1,7 ha, trong đó: anh đào 2 ao lớn rộng hơn 6 sào và 1 ao nhỏ hơn 2 sào nuôi cá truyền thống. Với kinh nghiệm của bản thân cùng kiến thức học được từ các lớp tập huấn, anh mạnh dạn vay vốn, đầu tư chăn nuôi 40 con lợn thịt, 500 con vịt và 150 con gà. Trên diện tích đất còn lại, anh trồng cây ăn quả, cây cảnh, hoa màu, dùng làm thực phẩm hàng ngày và tăng nguồn thu nhập.

Sau 9 năm miệt mài cải tạo, gần đây mỗi năm gia đình anh xuất bán 5 - 7 tấn cá, hơn 100 con lợn thịt, hàng nghìn con vịt, gà và trứng thương phẩm, hoa quả và rau màu cho thu nhập 200 - 300 triệu đồng. Cũng như gia đình anh Ðại, gia trại của gia đình anh Ðỗ Văn Nghĩa có diện tích hơn 2 ha. Anh Nghĩa vay vốn đào 2 ao thả các loại cá truyền thống, kết hợp xây chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, vịt. Những năm đầu cải tạo thu hoạch chưa cao, 2 năm nay, mỗi năm gia đình anh xuất bán trên 5  tấn cá thương phẩm như cá trắm cỏ, trắm đen, mè, chép, trôi… gần 100 con lợn và 700 con gà, vịt các loại cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Theo ông Cảnh, để có được kết quả đó phải kể đến vai trò của HTX Thủy sản Hồng Tiến. Năm 2005, vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản được hình thành, tuy nhiên, chủ yếu các hộ gia đình hoạt động độc lập, tự nuôi trồng và tiêu thụ sản phẩm.  Ðến năm 2010, HTX Thủy sản ra đời, ban đầu gặp nhiều khó khăn về vốn và kinh nghiệm quản lý nhưng  Ban quản trị HTX luôn hoạt động với tinh thần và trách nhiệm cao, bằng nhiều việc làm thiết thực đã mang lại hiệu quả cho xã viên như: liên kết cung cấp các loại thức ăn có chất lượng và giá cả phù hợp với từng loại vật nuôi; thường xuyên mở các lớp tập huấn, trao đổi kỹ thuật về nuôi trồng; hợp tác, liên kết với các công ty, doanh nghiệp cung cấp con giống và thu mua sản phẩm.

Ngoài ra, HTX còn liên kết với Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Trường Ðại học Nông nghiệp đưa con giống, cây giống mới vào nuôi trồng thử nghiệm như: cá rô đầu vuông, tôm càng xanh… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2012, giá trị thủy sản toàn xã đạt hơn 11 tỷ đồng, góp phần trong việc tăng tỷ trọng chăn nuôi.

Ông Trần Văn Kiểm, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy sản Hồng Tiến chia sẻ: Không chỉ phát triển chăn nuôi cá, gà, vịt mà người dân nơi đây còn đa dạng hóa vật nuôi như gia đình anh Phạm Văn Thuật chăn nuôi nhím, anh Ðào Văn Ðại nuôi ba ba, Ngô Ðức Trân nuôi thỏ, anh Phạm Văn Ðông nuôi cá vược… Nhiều gia đình khai thác, đánh bắt nguồn thủy sản tự nhiên: cua, cáy, tôm rảo, cá vược, rươi… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như: Trần Văn Vững, Phạm Văn Hoành, Bùi Văn Tuyến, Hoàng Văn Hiển, Ngô Văn Luyện… Tuy nhiên, điều kiện sống và phát triển sản xuất của vùng chuyển đổi còn gặp rất nhiều khó khăn: Nhiều hộ cách xa trung tâm xã tới 6km, về mùa mưa đường sá lầy lội giao thông đi lại rất vất vả ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt; vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, hệ thống đường điện chưa bảo đảm.

Bên cạnh đó, đây là vùng nhiễm mặn, cá trong hồ chưa được  thay nước thường xuyên nên dễ bị ô nhiễm, bệnh dịch, chậm lớn. Ðến nay, hệ thống trạm bơm, máy bơm, đường sá, điện… vẫn chưa hoàn thiện để bảo đảm giao thương, cấp, thoát nước phục vụ sản xuất.  Bà con xã viên trong HTX rất mong muốn nhận được sự quan tâm và đầu tư hơn nữa trong việc hỗ trợ người dân nguồn kinh phí xây dựng  giao thông, thủy lợi để họ yên tâm sản xuất, cải tạo đất, phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Bích Liễu

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày