Thứ 4, 07/08/2024, 04:00[GMT+7]

"Tam nông" từng bước khởi sắc

Thứ 6, 27/12/2013 | 09:10:44
755 lượt xem
Kết thúc năm 2013, cũng vừa tròn năm năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/T.Ư, Hội nghị lần thứ bảy BCH T.Ư khóa X về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn". Nhìn lại chặng đường đã qua, thành công có nhiều, nhưng thách thức cũng không ít, đòi hỏi các cấp, các ngành trong những năm tiếp theo phải có những giải pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết 26 đề ra.

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững sẽ khuyến khích nông dân phát huy vai trò chủ thể trong quá trình phát triển.

Nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng

 

Năm 2013, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa với năng suất và chất lượng ngày càng cao. Tính chung trong giai đoạn năm năm (2009-2013), GDP nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 2,9%/năm, trong đó nông nghiệp tăng 2,5%, lâm nghiệp tăng 5% và thủy sản tăng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 115 tỷ USD, tăng bình quân 15,2%/năm.

 

Ðặc biệt trong giai đoạn này quỹ đất lúa được quản lý chặt chẽ hơn nên việc chuyển đổi mục đích sử dụng đã giảm xuống còn 2.760 ha so với hơn 76 nghìn ha giai đoạn 2005 - 2008. Trong khi đó, trình độ thâm canh của hầu hết các loại cây trồng lại được nâng cao, do đó năng suất cây trồng liên tục tăng lên. So với năm 2008, sản lượng lúa năm 2013 ước đạt 43,9 triệu tấn, tăng hơn 13,7%; sản lượng cao-su đạt 937 nghìn tấn, tăng hơn 41%; cà-phê đạt 1,3 triệu tấn, tăng 26%; chè đạt 931 nghìn tấn, tăng 24,4%; hồ tiêu 123,5 nghìn tấn, tăng 25,6%. Ðộ che phủ rừng tăng từ 38,7% năm 2008 lên gần 41% năm 2013. Xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng gấp hai lần, từ 2,82 tỷ USD năm 2008 lên 5,5 tỷ USD năm 2013.

 

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi theo phương thức bán công nghiệp, công nghiệp tiếp tục phát triển, đã xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở chăn nuôi công nghiệp áp dụng công nghệ cao, nhờ đó so với năm 2008, sản lượng thịt hơi các loại năm 2013 đạt 4,3 triệu tấn, tăng 22%, sữa đạt 420 triệu lít, tăng 60%, trứng hơn 7,7 tỷ quả, tăng 56%. Khai thác thủy sản cũng tập trung phát triển theo hướng đẩy mạnh đánh bắt xa bờ, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, hạn chế tận diệt khai thác ven bờ. Sản lượng thủy sản năm 2013 ước đạt hơn 5,9 triệu tấn, tăng 28,3% so với năm 2008. Xuất khẩu thủy sản cũng tăng 44%, từ 4,52 tỷ USD năm 2008 lên 6,5 tỷ USD năm 2013.

 

Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/T.Ư, cơ cấu kinh tế nông thôn có bước chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng của công nghiệp, dịch vụ. Ðến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm 61% cơ cấu kinh tế nông thôn. Cả nước hiện có 872 cụm công nghiệp, hơn 4.575 làng nghề và làng có nghề, thu hút gần hai triệu lao động. Riêng các làng nghề hằng năm xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD, trong đó có nhiều mặt hàng có mức tăng trưởng khá như gốm sứ tăng 8,1%, đồ gỗ tăng 17,7%...

 

Nông thôn ngày càng đổi mới

 

Trên cơ sở kinh nghiệm rút ra từ kết quả thực hiện Chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) ở 11 xã do Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo, năm 2010, Chính phủ đã triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và ban hành Bộ tiêu chí về xây dựng NTM. Ðến nay đã có 93,1% tổng số xã hoàn thành quy hoạch, 79,2% xã lập đề án. Tính đến tháng 9-2013, bình quân một xã đã đạt 7,87 tiêu chí/xã, trong đó có 67 xã được công nhận đạt chuẩn 19 tiêu chí xây dựng NTM, 463 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 2.400 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí...

 

Ðiều dễ nhận thấy là phong trào xây dựng NTM đã góp phần làm thay đổi kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn, từng bước hoàn thiện, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển. Trong năm năm qua, cùng với nguồn vốn cho NTM, Nhà nước còn quan tâm tập trung đầu tư từ nhiều nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia khác cho thủy lợi, nhờ đó tổng năng lực tưới của các hệ thống thủy lợi tăng 70 nghìn ha so với năm 2008, bảo đảm tưới tiêu cho gần 6,92 triệu ha trồng lúa, 1,5 triệu ha rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày,... Hệ thống điện, đường, trường, trạm cũng được đầu tư nâng cấp và làm mới với gần 75 nghìn km đường các loại, nâng tổng số xã có đường ô-tô về đến trung tâm xã lên 98,3% trên cả nước.

 

Ðáng chú ý là hệ thống điện nông thôn được nâng cấp mở rộng, tỷ lệ xã có điện đạt 98,6% (tăng 2,3% so với năm 2008). Hệ thống giáo dục cũng đang từng bước xây dựng theo chuẩn và hướng tới đẩy mạnh xã hội hóa. Quy mô, mạng lưới trường, lớp học tiếp tục tăng lên, trong năm năm có gần 200 trường THPT được xây mới, xây bổ sung 25.794 phòng học mầm non, gần 40 nghìn phòng học cho bậc tiểu học và gần 22 nghìn phòng học cho bậc THCS. Ðặc biệt, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú ngày càng được hoàn thiện, đã đáp ứng được 7-12% tổng số học sinh dân tộc thiểu số vào học.

 

Cũng trong năm năm qua, hệ thống các trạm y tế trên cả nước cũng được tăng cường cả về số lượng và bổ sung nhân viên y tế. Ðã có gần 600 bệnh viện/trung tâm y tế tuyến huyện và phòng khám đa khoa được đầu tư trang thiết bị hiện đại. Ðến nay tất cả các chuyên khoa sâu tại bệnh viện huyện đã có bác sĩ có trình độ sau đại học đảm nhận. Hằng năm thực hiện khám, chữa bệnh cho 60 triệu lượt người. Về hệ thống y tế cơ sở, đến nay 99,51% số xã có trạm y tế (trong đó 45% số trạm y tế cấp xã đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động đạt 86%). Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch tăng thêm 12% (đạt 82%).

 

Vệ sinh môi trường nông thôn ngày càng được cải thiện, với 59% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. 80% số trường học, nhà trẻ có nước sạch và công trình vệ sinh, gần 82% số trạm y tế xã có nước sạch và công trình vệ sinh... Trong những năm qua, các địa phương đã chú trọng xây dựng và nâng cấp hệ thống nhà văn hóa, khu thể thao xã và thôn, bản. Ðến năm 2012, cả nước có 45% số xã có trung tâm văn hóa - thể thao, 63% số thôn có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, chưa kể có đến 48,65% số thôn được công nhận là làng văn hóa với 36.141 sân vận động và sân bóng do cấp xã quản lý.

 

Ðời sống người dân nông thôn ổn định

 

Sản xuất nông nghiệp phát triển, thu nhập của đại bộ phận cư dân nông thôn từng bước được cải thiện, kể cả hộ dân ở vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần giữ vững ổn định xã hội.

 

Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2013 ước đạt khoảng 19,97 triệu đồng/năm, gấp 2,18 lần so với mức 9,2 triệu đồng năm 2008. Cơ cấu thu nhập của các hộ nông thôn đã có sự thay đổi, trong đó tỷ lệ thu nhập từ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đã giảm từ mức 39,4% năm 2008 xuống còn 31,7% vào năm 2013. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 13,3%. Trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 62 huyện nghèo đã giảm bình quân hơn 7%/năm, từ 58,33% năm 2010 xuống còn 43,89%.

 

Một trong những thành công của công tác xóa nghèo là tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn. Trong năm năm, cả nước đã giải quyết việc làm cho gần năm triệu lao động nông thôn, trong đó chủ yếu là tạo việc làm trong nước (96%) và xuất khẩu lao động. Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 51,5% cuối năm 2009 xuống còn 47,1% vào năm 2013. Ðặc biệt triển khai thực hiện Ðề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cả nước đã có hơn 1,4 triệu lao động được học nghề, trong đó 78,9% số người lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ với năng suất, thu nhập cao hơn so với trước khi được đào tạo; 44% có việc làm nông nghiệp; 54% số lao động được đào tạo là nữ, 44% số hộ người lao động được đào tạo đã thoát nghèo.

 

Ngoài ra công tác bảo đảm an sinh xã hội cũng được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Hằng năm, Nhà nước trợ cấp đột xuất hàng nghìn tỷ đồng, hàng chục nghìn tấn lương thực chủ yếu để khắc phục hậu quả thiên tai. Ðã có hơn 2,5 triệu đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, 10,3 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, hơn 59,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế. Bảo hiểm nông nghiệp, tuy mới triển khai thí điểm tại 20 tỉnh, thành phố, đã có 370 nghìn hộ nông dân tham gia, với tổng giá trị tài sản được bảo hiểm là 6.400 tỷ đồng, và đã chi trả hơn 511,1 tỷ đồng,... góp phần ổn định đời sống người dân nông thôn.

 

Phát huy vai trò "chủ thể" của nông dân

 

Nhìn lại quá trình năm năm triển khai Nghị quyết 26-NQ/T.Ư về "tam nông", bên cạnh những thành công, cũng còn nhiều hạn chế, cần khắc phục, đó là tốc độ tăng trưởng của nông, lâm, ngư nghiệp có xu hướng chậm lại. Nông nghiệp chủ yếu vẫn phát triển theo chiều rộng. Chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm còn thấp, an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là vấn đề bức xúc trong xã hội. Thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn tuy đã khá hơn nhưng vẫn còn thấp; khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng miền tiếp tục cách xa, trong đó nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, xóa nghèo kém bền vững; lao động nông thôn quá nhiều, chậm được đào tạo; tỷ lệ thiếu việc làm cao, năng suất lao động thấp, xuất hiện tình trạng bỏ ruộng, trả ruộng. Nông dân chưa phát huy vai trò "chủ thể" trong quá trình phát triển.

 

Ðể tiếp tục thực hiện Nghị quyết 26-NQ/T.Ư trong những năm tới, trước mắt là mục tiêu đến năm 2015 duy trì và nâng cao tốc độ tăng trưởng nông, lâm, ngư nghiệp khoảng 3%, có khoảng 10% số xã đạt các tiêu chí xây dựng NTM, giảm nhanh hộ nghèo, đẩy mạnh bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu,... Các cấp ủy, chính quyền cần tăng cường vai trò lãnh đạo nhằm tiếp tục tạo sự chuyển biến nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Coi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ chiến lược lâu dài để có sự tập trung hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo.

 

Ðẩy mạnh quá trình CNH-HÐH trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ðổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác kiểu mới, đi đôi với đổi mới các doanh nghiệp nông nghiệp, nông, lâm trường quốc doanh; thực hiện chính sách khuyến khích mạnh mẽ phát triển các doanh nghiệp tư nhân, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, cùng các đối tác kinh tế khác, từng bước hình thành các chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản. Có chính sách hỗ trợ đột phá để nông dân có động lực nhiệt tình tham gia các hình thức kinh tế hợp tác kiểu mới phù hợp cho từng lĩnh vực sản xuất và vùng miền, mở rộng cánh đồng mẫu lớn cho sản xuất lúa gạo và các loại cây, con khác.

 

Ðẩy mạnh xây dựng chương trình NTM gắn với tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là vùng có nhiều khó khăn. Thực hiện các giải pháp đồng bộ đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và phát triển văn hóa ở các vùng nông thôn. Tiến tới thực hiện mục tiêu xa hơn của Nghị quyết 26-NQ/T.Ư là tăng trưởng nông, lâm, ngư nghiệp khoảng 3,5%, số xã đạt chuẩn NTM là 35% và tỷ lệ lao động nông nghiệp đạt 40% vào năm 2020.

 

Nguồn nhandan.com

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày