Thứ 5, 16/01/2025, 02:49[GMT+7]

Hiệu quả gieo vãi, gieo sạ lúa xuân ở Hòa Bình

Thứ 2, 24/02/2014 | 15:48:01
3,026 lượt xem
Những năm gần đây, việc thực hiện các biện pháp thâm canh tăng năng suất lúa được xã Hòa Bình (Vũ Thư) chỉ đạo triển khai khá đồng bộ từ khâu giống đến các biện pháp canh tác. Việc chuyển từ gieo mạ cấy sang gieo vãi, sạ hàng là bước đột phá trong việc sản xuất nông nghiệp, mang lại cho Hòa Bình hướng sản xuất mới với nhiều hiệu quả vượt trội.

Chủ nhiệm HTX DVNN Đoàn Văn Hà kiểm tra sự phát triển của lúa gieo sạ

Vụ xuân 2014, Hòa Bình  thực hiện gieo cấy trên 260 ha với cơ cấu giống lúa năng suất cao chiếm 45 - 50%, lúa chất lượng cao 50 - 55% diện tích; phấn đấu đạt năng suất 71 tạ/ha. Cơ sở để Hòa Bình đặt ra mục tiêu là vụ xuân 2014 xã đã đưa 100% diện tích gieo cấy theo phương thức gieo vãi, sạ hàng.

Trao đổi với chúng tôi về tính đột phá trong phương thức thâm canh vụ xuân từ việc gieo vãi, sạ hàng, ông Đoàn Văn Hà - Chủ nhiệm HTX DVNN xã Hòa Bình cho biết: Những năm đầu khi áp dụng hình thức mới trong gieo cấy lúa xuân bằng phương thức gieo sạ hàng cải tiến, tư tưởng của một số xã viên chưa thực sự yên tâm, còn hoài nghi lo sợ năng suất lúa gieo vãi, gieo sạ không được bằng lúa cấy. Thêm vào đó, hệ thống giao thông, thủy lợi chưa đồng bộ, phần lớn các kênh mương chưa được cứng hóa nên rất khó khăn trong việc điều tiết nước trong từng giai đoạn. Tuy giai đoạn đầu gặp nhiều thách thức nhưng cán bộ các thôn đều năng động, nhanh nhạy tiếp thu kiến thức KHKT, tận tụy trong việc điều hành sản xuất.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, xã chỉ đạo Trung tâm Học tập cộng đồng tăng cường tổ chức các lớp chuyển giao KHKT, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa gieo vãi, gieo sạ tới bà con nông dân. Cán bộ HTX xuống từng thôn để giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của các hộ nông dân. Từ vài chục héc-ta ban đầu, đến vụ xuân 2012, diện tích lúa gieo thẳng toàn xã đạt gần 90%, và vụ xuân năm nay diện tích gieo vãi, sạ hàng đã đạt 100%.

Qua thực tế nhiều năm nông dân xã thực hiện phương thức gieo vãi, sạ hàng mang lại nhiều lợi thế so với cấy lúa. Đó là lượng giống giảm 30 - 45%; ngày công lao động giảm vì không mất công gieo mạ, vận chuyển mạ, công cấy; bảo đảm về thời vụ, giảm chi phí đầu vào khoảng 45% tiền thuê cấy/1 sào. Để có được kết quả như ngày hôm nay, Hòa Bình đã từng bước quy vùng sản xuất tập trung, chủ động việc tưới tiêu nước; áp dụng các biện pháp kỹ thuật, đặc biệt là khâu chọn giống, khâu ngâm ủ giống, làm đất, sử dụng phân bón và điều tiết nước hợp lý; triển khai đánh bắt chuột đồng bộ từ trong làng ra ngoài đồng; tập trung cao sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể...

Đến thời điểm này, Hòa Bình đã dồn điền đổi thửa xong. Trước đây, bình quân mỗi hộ có 6 - 7 thửa ruộng, manh mún, nhỏ lẻ, khó áp dụng cơ giới hóa, việc điều tiết nước cho các vùng gieo sạ rất khó khăn. Phương án dồn điền đổi thửa của các thôn được xây dựng cụ thể, chi tiết, có sự tham gia đóng góp ý kiến dân chủ, công khai của nhân dân. Nhờ đó, việc dồn điền đổi thửa đã đạt được kết quả khả quan, hình thành những thửa ruộng lớn, rất thuận lợi cho việc quy vùng để điều tiết nước hợp lý phục vụ cho gieo vãi, sạ hàng tập trung.

Bài học rút ra từ việc 100% diện tích lúa xuân được thực hiện bằng gieo vãi, sạ hàng là: quy hoạch vùng tốt, hệ thống thủy lợi phải bảo đảm chủ động điều tiết nước, chuyển giao quy trình kỹ thuật đến tận các hộ dân, đánh bắt chuột trước khi gieo sạ 4 - 5 ngày, tổ chức gieo vãi tập trung, phun thuốc diệt cỏ sau khi gieo. Đến nay, HTX cung ứng được 92 công cụ sạ hàng, trên 80 tấn phân NPK, 100% diện tích gieo sạ được phun thuốc trừ cỏ, sửa chữa, nâng cấp 5 trạm bơm để thực hiện điều tiết nước và chi 32 triệu đồng cho đánh bắt chuột. Cũng theo ông Hà, điều quan trọng hơn là phương thức gieo vãi, sạ hàng đã đáp ứng được tính cấp bách về thời vụ, giải quyết tình trạng thiếu lao động nông thôn do đi làm ăn xa.

Trao đổi với bác Nguyễn Thị Liên, thôn Thống Nhất, bác cho biết, người dân Hòa Bình rất phấn khởi và ủng hộ việc áp dụng phương thức gieo vãi, sạ hàng, vì nông dân không mất nhiều thời gian, tốn ít công lao động. Gia đình bác Liên có 5 khẩu thì chỉ có 2 lao động chính trong sản xuất nông nghiệp, nếu thực hiện cấy mạ đối với 6 sào ruộng tính ra phải cần 3 - 5 ngày, nhưng từ khi chuyển sang phương thức gieo sạ chỉ cần có 2 ngày. Anh Hoàng, thôn Nẽ Châu cho biết, gia đình anh có 5 sào ruộng, nếu theo tập quán cấy mạ phải thuê cấy mấy trăm ngàn, nhưng chuyển sang hình thức gieo sạ chi phí đã giảm xuống 1/3 so với cấy mạ.

Như vậy, phương thức gieo vãi, sạ hàng đã trở thành tập quán canh tác của nông dân Hòa Bình. Trong thời gian tới, xã Hòa Bình tiếp tục triển khai cứng hóa kênh mương, các cống đầu khâu, nâng cấp các trạm bơm, quy vùng sản xuất, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, bảo đảm các khâu trong sản xuất được đồng bộ, đáp ứng tốt cho việc gieo vãi, sạ hàng của nông dân.

Mạnh Thắng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày