Thứ 3, 30/07/2024, 11:18[GMT+7]

Xây dựng cánh đồng mẫu ở Hưng Hà Phấn đấu đổi mới cả “bình” và “rượu”

Thứ 5, 27/02/2014 | 08:11:48
856 lượt xem
Ðể phát huy những tiềm năng, nền tảng sẵn có về phát triển sản xuất trồng trọt, sớm xây dựng thành công nhiều mô hình cánh đồng mẫu, Hưng Hà hiện đang nỗ lực chỉ đạo các địa phương triển khai, tổ chức thực hiện theo tiêu chí của cánh đồng mẫu.

Mô hình sản xuất ngô ngọt của xã Hùng Dũng liên kết với Công ty xuất khẩu rau quả Hải Dương ở vụ đông năm 2013.

Mặc dù Hưng Hà là huyện không có mô hình cánh đồng mẫu cấp huyện trong những ngày đầu tỉnh triển khai (năm 2012), nhưng vụ đông năm 2013 đã đăng ký trên 10 mô hình, trở thành một trong những địa phương có số lượng mô hình và quy mô lớn nhất tỉnh. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế thì những mô hình đã đăng ký cơ bản vẫn tổ chức sản xuất theo hình thức cũ, do đó chưa tạo được sự đột biến mà yêu cầu của cánh đồng mẫu đặt ra. Ðể phát huy những tiềm năng, nền tảng sẵn có về phát triển sản xuất trồng trọt, sớm xây dựng thành công nhiều mô hình cánh đồng mẫu, Hưng Hà hiện đang nỗ lực chỉ đạo các địa phương triển khai, tổ chức thực hiện theo tiêu chí của cánh đồng mẫu.

Mô hình hướng đến cánh đồng mẫu

Nói đến sản xuất trồng trọt ở Hưng Hà phải khẳng định nơi đây có nhiều tiềm năng và thế mạnh, điều này được minh chứng bằng kết quả sản xuất của các vụ trong năm. Vụ đông, vụ hè luôn đứng đầu tỉnh về diện tích, năng suất hai vụ lúa nằm trong tốp cao của tỉnh. Trên thực tế, nhiều địa phương đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, luân canh được nhiều vụ trong năm, giá trị kinh tế đạt 200 - 300 triệu đồng/ha/năm. Ðiển hình như vùng trồng rau màu ở Hồng An, Ðiệp Nông, Chi Lăng, diện tích từ vài chục đến hàng trăm ha/vùng, cho giá trị kinh tế từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm. Ông Nguyễn Ngọc Lân, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Hồng An cho biết: Toàn xã hiện có 415 ha đất canh tác, trong đó có 117 ha sản xuất 4 vụ/năm, gồm hai vụ lúa, vụ hè và vụ đông, giá trị kinh tế đạt gần 120 triệu đồng/ha/năm.

Ngoài diện tích đất gieo cấy lúa, trồng màu, Hồng An đang tập trung phát triển cây ăn quả trên vùng đất bãi, với diện tích 140 ha, trong đó trồng chuối 110 ha, còn lại nhãn và thanh long, giá trị bình quân đạt 350 triệu đồng/ha. Hiện nay, Hồng An đã quy hoạch vùng đất bãi trồng cây ăn quả và thực hiện theo tiêu chí cánh đồng mẫu quy định. Hay như ở xã Tây Ðô đã tổ chức sản xuất 4 vụ/năm, gồm 2 vụ lúa và 1 vụ màu hè, 1 vụ đông cho giá trị đạt trên 180 triệu đồng/ha/năm.

Thực tế cho thấy, ngoài 2 vụ lúa, hàng năm các hộ dân ở đây đã tổ chức sản xuất vụ hè đạt 200 ha, chiếm 50% diện tích đất canh tác, giá trị thu nhập đạt từ 30 - 35 triệu đồng/ha. Các hộ dân ở Tây Ðô chủ yếu trồng các loại cây thị trường cần, có giá trị kinh tế cao và bảo đảm hài hòa việc gắn kết mùa vụ như: dưa hấu, dưa lê, dưa gang. Ðối với vụ đông, Tây Ðô gieo trồng khoảng 300 ha, chiếm gần 80% diện tích đất canh tác, trong đó nhiều loại cây trồng được quy hoạch thành vùng, như bí đao 50 ha, dưa các loại 50 ha, ngô 30 ha...

Những hạn chế cần khắc phục

Xây dựng cánh đồng mẫu là hướng tới một vùng sản xuất tập trung có định hướng theo quy hoạch chung về xây dựng nông thôn mới, tạo chuỗi khép kín từ đầu vào, đầu ra cho sản phẩm, do đó những cánh đồng trên vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu của cánh đồng mẫu đặt ra. Nếu xét về thu nhập thì những cánh đồng ở Hồng An, Tây Ðô, Ðiệp Nông, Tân Lễ, Tiến Ðức... đều đạt được mục tiêu về giá trị thu nhập theo tiêu chí của cánh đồng mẫu. Tuy nhiên, hình thức sản xuất vẫn theo phương thức cũ, mạnh ai người ấy làm, nên chưa tạo được sự ổn định về lâu dài, thu nhập của người nông dân còn bấp bênh.

Qua sản xuất ở mấy vụ gần đây nhất cho thấy, một số vùng hầu như chưa có giống chủ lực, hiệu quả kinh tế không vượt trội so với cây trồng khác, trong một vùng còn tồn tại nhiều loại giống, cây trồng khác nhau. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, có nơi có tới vài chục hộ canh tác/ha; sức lao động cũng khác nhau, do đó không tạo được sự đồng nhất về kỹ thuật, phương thức sản xuất trong vùng. Ngay cả mô hình cánh đồng mẫu ở Hồng Minh làm điểm của tỉnh cũng còn nhiều hạn chế, tổng diện tích là 75,6 ha, nhưng có tới 1.102 hộ tham gia, giá trị đạt trên 183 triệu đồng/ha/năm (tiêu chí của cánh đồng mẫu đối với sản xuất chuyên màu là 220 triệu đồng/ha).

Bên cạnh đó, Hưng Hà có rất ít cánh đồng thu hút sự vào cuộc của doanh nghiệp, có doanh nghiệp liên kết sản xuất nhưng cũng chỉ ở quy mô nhỏ, như lúa Nhật ở Ðộc Lập, ngô ngọt ở Hùng Dũng, sản xuất lạc giống ở Ðiệp Nông. Ngay cả ở những cánh đồng có sự liên kết cũng không khép kín trong tất cả các khâu sản xuất hàng hóa, mới chỉ ứng trước giống, tập huấn kỹ thuật, thu mua sản phẩm, chưa ứng phân bón, thuốc trừ sâu, chỉ đạo thực hiện quy trình sản xuất để tiết kiệm chi phí, nâng cao giá trị thu nhập. Việc hướng dẫn nông dân ghi chép nhật ký đồng ruộng để theo dõi và hạch toán chi tiết quá trình sản xuất rất khó thực hiện, do nông dân ít quan tâm, ngại làm.

Giải pháp tổ chức sản xuất theo tiêu chí cánh đồng mẫu

Ðể mới cả “bình” và “rượu”, các mô hình cánh đồng mẫu trở thành điểm làm mẫu cho các địa phương khác học tập, làm theo, Hưng Hà đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, với nhiều giải pháp được triển khai xuống các xã, thị trấn và thôn, làng. Trước hết, Hưng Hà tổ chức khảo sát hiện trạng để xác định vị trí các cánh đồng mẫu ở mỗi xã, thị trấn.

Trên cơ sở quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng đã được phê duyệt để lập kế hoạch, thực hiện quy hoạch cánh đồng mẫu. Tổ chức thảo luận dân chủ, tạo tính đồng thuận cao giữa chính quyền, HTX, doanh nghiệp, các hộ nông dân về cơ cấu giống, thời vụ, phương thức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cách thức điều hành và trách nhiệm của mỗi bên trong quá trình thực hiện cánh đồng mẫu. Vận động các doanh nghiệp liên kết tham gia xây dựng cánh đồng mẫu, ứng trước vật tư, tập huấn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm... cho từng mô hình điểm. Tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân tham gia trên cánh đồng mẫu, để từ đó làm đúng các quy trình kỹ thuật canh tác và các yêu cầu quản lý sản xuất theo hợp đồng đã ký kết... Ngay trong vụ xuân 2014, Hưng Hà đã có 9 xã đăng ký tham gia xây dựng mô hình cánh đồng mẫu, trong đó 7 mô hình về sản xuất lúa và 2 mô hình sản xuất chuyên cây màu.

Tuy nhiên, việc thực hiện tại các cánh đồng mẫu gieo cấy lúa ở vụ xuân này có bảo đảm theo các tiêu chí  cánh đồng mẫu đặt ra hay không, điều này chỉ minh chứng được cho đến khi thu hoạch. Song một điều đáng ghi nhận là Hưng Hà đã và đang chỉ đạo rất quyết liệt các địa phương thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu theo các giải pháp mà huyện đã đề ra.

Nguyên Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày