Thứ 6, 11/10/2024, 19:22[GMT+7]

Chủ động các phương án hộ đê trong mùa lũ, bão năm 2014

Thứ 6, 02/05/2014 | 09:38:44
2,703 lượt xem
Hiện nay, hệ thống đê, kè, cống trong tỉnh còn nhiều điểm xung yếu và diễn biến phức tạp. Vì vậy, các cấp, ngành, nhất là các địa phương có đê cần tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến của công trình để có phương án hộ đê cho từng tuyến, đoạn đê cụ thể.

Trạm bơm Minh Tân - một trong những công trình thủy lợi quan trọng trong hệ thống thủy lợi Bắc Thái Bình. Ảnh: Minh Đức

Thái Bình là tỉnh nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, được bao bọc bởi hệ thống đê sông, đê biển khép kín với tổng chiều dài 584,6 km, trong đó có 356,3km đê tương đương cấp III trở lên, 228,3km đê bối, đê bao và đê vùng. Các tuyến đê có 101 kè hộ bờ, với trên 100km kè lát mái và 60 kè mỏ; dưới đê có 219 cống lớn nhỏ phục vụ công tác tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, hệ thống đê, kè, cống trong tỉnh còn nhiều điểm xung yếu và diễn biến phức tạp. Vì vậy, các cấp, ngành, nhất là các địa phương có đê cần tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến của công trình để có phương án hộ đê cho từng tuyến, đoạn đê cụ thể.

Để chuẩn bị cho công tác phòng chống lụt bão (PCLB) năm 2014, vừa qua các huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  đã thành lập các đoàn đi kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê, kè, cống trước mùa lũ bão. Đối với đê đã kiểm tra cụ thể từng đoạn gồm cao trình, mặt cắt ngang, nền, thân, hành lang bảo vệ đê và cây chắn sóng. Kiểm tra từng kè và khu vực bờ, bãi sông, biển đang có diễn biến sạt lở, để từ đó đánh giá chi tiết nguyên nhân hư hỏng.

Đối với hệ thống cống đã kiểm tra từng bộ phận của công trình như thân, mang, sân trước, sân sau, tường cánh cống và thiết bị đóng, mở, dàn van, cánh van, phai cống. Những cống đang có biểu hiện hư hỏng, cống có hai tầng cửa được kéo cánh van lên kiểm tra cụ thể từng bộ phận để có biện pháp sửa chữa. Về vi phạm Luật Đê điều, kiểm tra khu vực hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ lòng sông, phạm vi bảo vệ kè, cống, việc chứa chất vật tư, vật liệu lên mái đê, cơ đê, bãi đỉnh kè...

Qua kiểm tra cho thấy, đê Hồng Hà I từ K133 - K135, K136 - K140 và K143 - K145 hàng năm xuất hiện nhiều mạch đùn, sủi ở chân đê phía đồng, trong đó có những mạch sủi nước đục phải xử lý rất phức tạp, thân đê đã được xử lý khoan phụt bằng công nghệ mới nhưng vẫn còn một số tổ mối chưa phát hiện được, do đó cần xử lý kịp thời. Ngoài ra, tuyến đê Hồng Hà I có một số kè đã bị sạt lở mất đá, hoặc trong lũ, bão thường có diễn biến phức tạp như kè Lão Khê nối tiếp với cống Lão Khê dài 350m mái dốc, bị sạt lở, xô tụt cục bộ nhiều chỗ. Hay như hệ thống kè mỏ Hà Xá nằm ở khu vực phân lưu của sông Hồng vào sông Luộc, dòng chảy phức tạp, hiện nay mỏ 6 phía hạ lưu sạt lở chạy dài về phía kè Tân Hà...

Xét về tổng thể thì đê Hồng Hà I chất lượng tương đối khá, nhưng lại là đê đầu nguồn và có một số đoạn nền, thân đê xấu nên khi lũ cao, kéo dài cần chú trọng những đoạn có nhiều mạch sủi, thẩm lậu mái, đồng thời các kè nằm sát đê đang có diễn biến xấu như đê, kè Lão Khê, đê Hà Xá, đê Nhật Tảo, đê Hồng An. Đối với đê Hồng Hà II có những đoạn đắp bằng đất xấu, mái đê dốc, chân đê có nhiều đầm, ao sâu nên khi có lũ báo động số 2 trở lên kéo dài thường xuất hiện nhiều vòi nước, thẩm lậu ở mái đê phía đồng như đoạn K157,5 - K158,6, K163 - K169, K171 - K172,8, K181 - K183, K189,6 - K192; trong những đoạn đê này còn nhiều tổ mối và các ẩn họa khác.

Hệ thống kè thuộc hệ thống đê Hồng Hà II còn nhiều kè đang có hiện tượng xói lở, như kè Hồng Lý, Ngô Xá, Vũ Bình... Điển hình như kè Duy Nhất, Vũ Đoài, Vũ Vân (Vũ Thư) nằm ở tuyến ngoài trực diện với lũ, bão đê bảo vệ bối bãi và dân cư ngoài bãi, nhưng mái kè ở một số đoạn bị sạt lở cục bộ chưa được đầu tư kinh phí để tu sửa.

Đối với cống dưới đê sông Hồng Hà II thuộc huyện Kiến Xương được xây dựng từ lâu, hiện nay ngắn so với mặt cắt đê, đồng thời bị hư hỏng nặng nhưng chưa được tu bổ, sửa chữa như cống Dương Liễu, Tân Ấp, Khả Phú... khả năng an toàn trong lũ rất kém. Ngoài ra còn một số cống dưới đê bao, đê bối bảo vệ dân sinh sống ngoài bãi bị hư hỏng như cống Tây Thành có hiện tượng mạch sủi ở kênh hạ lưu.

Trên đê Tả Trà Lý có những vị trí xung yếu nhiều mạch sủi, thẩm lậu như đê Hậu Thượng, Hậu Trung, Đại Đồng, đê kè Hoa Nam... Đồng thời trên tuyến đê Tả Trà Lý còn có 19 kè lát mái đều ở sát đê, có chỗ mái kè là mái đê rất nguy hiểm, một số kè xây dựng từ lâu bị hư hỏng không được tu bổ, sửa chữa thường xuyên nên nhiều kè hiện đang bị sạt lở, xô tụt mái cục bộ.

Đối với hệ thống đê biển hiện còn một số điểm xung yếu cần bảo vệ  như đê biển số 5 khi có bão vào thời kỳ triều cường bảo vệ cống xung yếu dưới đê gồm cống Khổng, Nam Cường; đê biển số 6 bảo vệ cống Muỗi cũ, cống Tám Cửa; đê biển số 7 bảo vệ chống tràn tại đoạn đê Mỹ Lộc; đê biển số 8, khi có bão vào phải có biện pháp sơ tán nhân dân ngoài đê khu vực Thị trấn Diêm Điền... Với thực trạng trên thì hệ thống đê trong tỉnh hiện còn nhiều điểm xung yếu và nhiều công trình kè, cống diễn biến khá phức tạp.

Đối với hệ thống đê sông nếu được kiểm tra, tổ chức xử lý, cứu hộ đê tốt mới bảo đảm chống được với lũ thiết kế trong trường hợp không có lũ, bão trùng hợp. Đê biển, những đoạn đã được củng cố, nâng cấp chỉ chống được với bão cấp 9, cấp 10 với tần suất 5%... Vì vậy, các ngành, địa phương, đơn vị cần có kế hoạch sửa chữa, lập phương án bảo vệ công trình đang có diễn biến hư hỏng; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện để khi cần xử lý được ngay đầu giờ, phấn đấu bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trong mùa lũ, bão.

Nguyên Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày