Thứ 6, 02/08/2024, 15:16[GMT+7]

Khát vọng trên đồng ruộng

Thứ 4, 07/05/2014 | 09:21:47
2,095 lượt xem
Năm 1966, Thái Bình trở thành tỉnh đầu tiên ở miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha. Từ mốc son chói lọi này, khát vọng của người dân Thái Bình trên đồng ruộng càng thêm cháy bỏng, luôn phấn đấu để nâng cao năng suất, giá trị cây trồng trên đơn vị diện tích đất canh tác. Đến nay, năng suất lúa luôn đạt trên 13 tấn/ha/năm; cây màu vụ xuân, hè và vụ đông không ngừng được mở rộng diện tích trên đất hai vụ lúa; hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa đạt từ 200 - 400 triệu đồng/ha/năm.

Nông dân xã Văn Lang (Hưng Hà) gieo trồng cây vụ đông lên xanh khi lúa còn trên đồng, góp phần không nhỏ tăng thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác.

Về thăm lại mảnh đất Hồng An (Hưng Hà) nơi trực tiếp hứng chịu đê Đìa bị vỡ năm 1945 mới cảm nhận được sự khát vọng làm giàu của người nông dân ngay trên những mảnh ruộng bị bỏ hoang xưa kia. Ông Nguyễn Đình Lân, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng An cho biết: Theo sử sách ghi và những bậc cao niên kể lại, đoạn đê làng Đìa bị vỡ sáng ngày 21/8/1945 dài hơn 800m, cửa khẩu đúng vào xóm Đoài làng Đìa, nước xoáy mạnh, khoét sâu thành một hồ lớn, cuốn trôi nhiều nhà cửa, cây trồng. Do bị lụt sâu kéo dài và ruộng đồng bị nước khoét xô nên không bằng phẳng rất khó canh tác, nhiều diện tích phải bỏ hoang.

Để khôi phục sản xuất, ngay sau khi hoàn thành hàn khẩu đê, nước rút dần, những làng có ruộng cao nông dân đã cấy lại được một ít. Những khẩu hiệu “Tấc đất tấc vàng”, “Không để một tấc đất bỏ hoang” được nông dân các địa phương nói chung, nông dân Hồng An nói riêng hưởng ứng rất cao. Vì vậy, toàn bộ diện tích cấy lúa và trồng màu ở các địa phương đã nhanh chóng được phủ kín một màu xanh.

Tháng 6/1946 lúa chiêm và hoa màu được thu hoạch, năng suất đều tăng cao, nạn đói được đẩy lùi, góp phần không nhỏ trong việc đóng góp lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến. Trong thời kỳ đổi mới, nông dân Hồng An tiếp tục ghi thêm những dấu ấn trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, là xã đầu tiên trong huyện đạt cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm, đến nay bình quân đạt 119 triệu đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Đình Lân cho biết thêm, nông dân Hồng An không chỉ bám ruộng để bảo đảm cuộc sống mà còn làm giàu ngay trên thửa ruộng của mình. Hiện nay, Hồng An đã hình thành được 4 vùng sản xuất cho giá trị kinh tế cao như vùng đất bãi rộng 140 ha chuyên trồng cây ăn quả, bình quân thu nhập đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm; vùng cánh đồng lúa chất lượng rộng 52 ha, với công thức luân canh 2 vụ lúa, 1 vụ đông thu nhập đạt 150 triệu đồng/ha/năm; vùng chuyên màu rộng 29 ha, gieo trồng 4 - 5 vụ/năm, thu nhập đạt 250 triệu đồng/ha/năm...

Không riêng gì Hồng An, các địa phương trong tỉnh đã tích cực tham gia sản xuất, không chỉ bảo đảm lương thực, thực phẩm tại chỗ mà còn đóng góp cho tiền tuyến “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở thời kỳ ác liệt, những người con trai tráng của Thái Bình lần lượt lên đường tòng quân bảo vệ Tổ quốc, việc đồng áng, nuôi dạy con cái, xây dựng hậu phương vững chắc do những người phụ nữ đảm nhận.

Năm 1966, những bàn tay phụ nữ lần từng quả bom xuyên, tay nâng những dảnh mộc tuyền cấy theo đã làm lên đồng lúa đạt 5 tấn/ha đầu tiên ở miền Bắc, vinh dự được Bác Hồ về thăm động viên Đảng bộ và nhân dân Thái Bình lần thứ năm. Bác nhắc nhở Thái Bình được mùa khá nhưng chớ chủ quan, phải cố gắng hơn nữa, phải làm cho năng suất cao hơn nữa... Từ đó đến nay, lời dạy của Bác luôn là mục tiêu phấn đấu và cũng là khát vọng trên đồng ruộng của mảnh đất “Chị Hai 5 tấn”.

Để năng suất lúa đạt cao hơn nữa như lời Bác dặn, trong những năm qua Thái Bình luôn là tỉnh đi tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác, giống, phân bón, bảo vệ thực vật, phương thức gieo cấy; các cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh đã kịp thời khuyến khích nông dân đầu tư  thêm kinh phí, bám ruộng đồng sản xuất cho hiệu quả cao.

Năm 1974, năng suất lúa của tỉnh mới đạt 7 tấn/ha/năm, đến nay đã đạt trên 13 tấn/ha/năm, gần như đã kịch trần về năng suất. Từ một tỉnh thiếu lương thực, đến nay đã cân đối đủ nhu cầu lương thực tiêu dùng trong tỉnh và còn dành ra hàng trăm nghìn tấn lương thực làm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu chế biến và xuất khẩu.

Để khai thác tốt tiềm năng đất đai, giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho nông dân, ngoài những thành tựu về thâm canh lúa, Thái Bình còn phát triển mạnh cây màu vụ xuân, hè và vụ đông. Năm 2013, diện tích cây màu xuân đạt trên 12.500 ha, sản lượng đạt 156.947 tấn; diện tích rau màu vụ hè và hè thu đạt 15.633 ha, sản lượng đạt 229.614 tấn; vụ đông vừa qua đạt trên 36.000 ha, sản lượng đạt trên 600.000 tấn.

Kết quả trên đã phần nào khẳng định quê hương 5 tấn đang chuyển biến tích cực trên lĩnh vực trồng trọt, không chỉ nâng cao năng suất cây trồng mà còn thực hiện công thức luân canh có hiệu quả, góp phần không nhỏ nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác. Song, đây cũng chỉ là kết quả bước đầu của một mục tiêu lớn mà tỉnh đặt ra trong Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới có nền sản xuất phát triển; Quyết định số 1753/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu. Như vậy, thêm một lần nữa khát vọng trên đồng ruộng Thái Bình tiếp tục được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặt ra cho các cấp, ngành và bà con nông dân với mục tiêu lớn hơn, dài hơi hơn. Đây cũng là xu hướng tất yếu, lâu dài để chuyển nhanh nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.

Theo tiêu chí của cánh đồng mẫu đặt ra, giá trị bình quân phải đạt 120 triệu đồng/ha/năm trở lên đối với cánh đồng sản xuất lúa, 220 triệu đồng/ha/năm trở lên đối với cánh đồng sản xuất rau màu; cao hơn ít nhất 10% so với giá trị thu hoạch bình quân/ha/năm của cánh đồng ngoài mô hình trong khu vực cùng điều kiện.

Bước đầu, các mô hình cánh đồng mẫu của tỉnh đã cho hiệu quả kinh tế khá cao như: cánh đồng sản xuất hai vụ lúa hàng hóa, một vụ màu rộng 50,27 ha ở Trọng Quan (Đông Hưng) giá trị đạt 214,9 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt 114,3 triệu đồng; cánh đồng rau màu rộng 50,6 ha ở Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) sản xuất 3 - 5 vụ/năm, giá trị đạt 450 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận trên 320 triệu đồng; mô hình cánh đồng mẫu rau màu ở Thụy An rộng 114 ha, sản xuất 3 - 4 vụ/năm, giá trị đạt 260,1 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận trên 147 triệu đồng... Những chuyển biến về chất lượng sản phẩm, giá trị thu nhập trên mô hình cánh đồng mẫu đã được khẳng định, là cơ sở để các địa phương nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh. Đồng ruộng Thái Bình được người nông dân tiếp tục phát huy để tấc đất thành tấc vàng thực sự.

Trong những ngày tháng 4, hàng triệu triệu con tim cả nước nói chung và người dân Thái Bình nói riêng đang hướng về những ngày lễ kỷ niệm lớn của dân tộc. Hòa chung nhịp đập đó, người nông dân Thái Bình đang ra sức thi đua thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững; tăng cường xây dựng cơ sở vật chất cho nông nghiệp, bảo đảm phát triển toàn diện, góp phần xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại.

Nguyên Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày