Thứ 3, 03/09/2024, 03:21[GMT+7]

Phát triển kinh tế trang trại ở Vũ Thư Tăng mạnh cả lượng và chất

Thứ 6, 15/10/2010 | 09:13:39
2,018 lượt xem
Theo kết quả khảo sát của Sở NN & PTNT, Vũ Thư là một trong những huyện có số lượng trang trại lớn, đồng thời dẫn đầu về bình quân vốn đầu tư và hiệu quả sản xuất kinh doanh của mỗi trang trại hàng năm. Đây là minh chứng thực tế nhất cho việc tích cực thực hiện Nghị quyết 12 của BCH Đảng bộ tỉnh cũng như Nghị quyết 28 của BCH Đảng bộ huyện về đẩy mạnh phát triển chăn nuôi giai đoạn 2004 - 2010.

Thư là một trong những huyện có số lượng trang trại lớn, đồng thời dẫn đầu về bình quân vốn đầu tư và hiệu quả sản xuất kinh doanh của mỗi trang trại hàng năm.

Nếu như năm 2004, toàn huyện mới chỉ có 64 trang trại, thì tính đến hết tháng 6/2008, số lượng trang trại đã tăng lên 130. Đặc biệt, từ năm 2006, mặc dù không có cơ chế hỗ trợ, song số lượng trang trại trên địa bàn huyện vẫn tăng đột biến: tăng thêm 40 trang trại - mức tăng lớn nhất trong giai đoạn 2004 - 2008.

Những xã có số lượng trang trại lớn như: Vũ Tiến 27 trang trại, Bách Thuận 21 trang trại, Vũ Đoài 15 trang trại... Đa số các trang trại sản xuất theo mô hình tổng hợp: chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây ăn quả, cây cảnh và cây dược liệu. Phương thức chăn nuôi từng bước cũng được chuyển đổi một cách rõ rệt: hầu hết các trang trại đều áp dụng phương thức công nghiệp có hệ thống xử lý phân, nước thải bảo đảm hợp vệ sinh, tránh gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Đến nay, tổng số vốn sản xuất kinh doanh của các trang trại đã lên tới trên 40 tỷ đồng, bình quân vốn cho mỗi trang trại là hơn 300 triệu đồng, cao hơn gấp gần 2,5 lần so với bình quân chung toàn tỉnh.  Điển hình như cụm trang trại xã Tân Hòa vốn bình quân mỗi trang trại 957 triệu đồng, xã Dũng Nghĩa trên 1 tỷ đồng, xã Tân Hòa hơn 616 triệu đồng... Từ nguồn vốn đầu tư này, nhiều trang trại đã nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất, vừa tăng mạnh khối lượng và giá trị sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, vừa giải quyết thêm việc làm cho lao động nông thôn với mức thu nhập khá. Có thể kể đến trang trại của anh Phạm Bá Vang xã Tân Bình.

Là một trong những trang trại chăn nuôi gia cầm, thủy cầm lớn nhất tỉnh, với 5.000 gà đẻ, 3.000 gà thịt, 1.000 ngan Pháp R71, 3.000 giống ngan bố mẹ, 6 vạn cá chuối lóc bông, 8 vạn cá trê, 9 vạn cá tra…, mỗi năm anh Vang thu hơn 1,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 20 lao động thường xuyên với mức thu nhập 800.000 - 1 triệu đồng/người/tháng.

Không dừng lại ở đó, anh Vang còn đang đầu tư hoàn thiện thêm 5 dãy chuồng trại theo tiêu chuẩn tự động hóa với diện tích 500 - 700 m2/chuồng để nâng tổng đàn gà mỗi năm lên 1,5 vạn con thương phẩm, 1 vạn con đẻ siêu trứng, 50 vạn con giống... Hay như trang trại chăn nuôi bò lớn nhất tỉnh của anh Vũ Xuân Hòa ở xã Hồng Phong, ngoài 300 - 500 con bò; còn có hàng vạn  gà, vịt, ngan; hàng ngàn cây cảnh và cây ăn quả quý hiếm; cho doanh thu gần 1 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động với mức thu nhập trên 1 triệu đồng/người/tháng.

Điều đáng quý hơn là hàng năm anh Hòa đều phối hợp với Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề huyện đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho hàng trăm cán bộ, nhân dân các địa phương về học tập, trao đổi kinh nghiệm áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Cùng với các chủ trang trại như anh Vang, anh Hòa, nhiều chủ trang trại khác cũng mạnh dạn đưa nhiều đối tượng giống mới vào chăn nuôi như: mô hình nuôi nhím của ông Trần Xuân Quỳnh xã Vũ Vân; mô hình nuôi cá rô phi đơn tính, cá Trường giang của ông Phạm Văn Quynh xã Xuân Hòa; các mô hình nuôi gia cầm siêu thịt, siêu trứng; mô hình  chuyên nuôi trồng thủy sản giá trị kinh tế cao của ông Đặng Xuân Kham xã Xuân Hòa, Nguyễn Văn Kiêm xã Vũ Đoài, Nguyễn Văn Kim xã Song An và nhiều trang trại ở vùng chuyển đổi của xã Bách Thuận...

Vì thế chất lượng đàn gia súc, gia cầm của các trang trại nói riêng cũng như của toàn huyện nói chung ngày càng được nâng cao. Đàn lợn nái ngoại được nuôi từ các trang trại hàng năm cung cấp trên 10.000 lợn choai ngoại xuất chuồng. Số lượng bò lai Sind với gần 700 con, chiếm tỷ lệ trên 60% tổng đàn bò...

Hơn 4 năm đưa nghị quyết vào cuộc sống, 130 chủ trang trại của Vũ Thư đã trở thành lực lượng nòng cốt tiên phong dẫn đầu, góp phần quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực chăn nuôi nói riêng, mặt trận sản xuất nông nghiệp nói chung. Điều quan trọng hơn là từng bước khẳng định vị trí không thể thiếu của loại hình kinh tế tự chủ hộ nông dân, khẳng định hiệu quả thực tế của hình thức sản xuất hàng hóa tập trung trong nông nghiệp, nông thôn.

Với tổng diện tích đất sử dụng là 160.56 ha từ những mảnh ruộng hoang hóa, chua phèn, nhiễm mặn, cấy lúa kém hiệu quả..., các trang trại trên địa bàn huyện đã tạo ra tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ mỗi năm là gần 24 tỷ đồng; giải quyết việc làm thường xuyên với thu nhập khá cho khoảng 362 lao động. Đáng mừng là vậy, song còn không ít khó khăn, vướng mắc mà các chủ trang trại hiện tại cũng như những nông dân có nhu cầu xây dựng trang trại của Vũ Thư đang phải đối mặt. Phó Chủ tịch UBND huyện Đinh Vĩnh Thụy cho biết:

Hiện nay, rất nhiều hộ nông dân có nhu cầu được xây dựng trang trại, song thủ tục thẩm định dự án và ra quyết định phê duyệt dự án, thủ tục thẩm định giá đất và ra quyết định cho thuê đất chuyển đổi chưa có hướng dẫn cụ thể; thêm vào đó là việc dồn điền đổi thửa giữa các hộ nông dân với nhau gặp nhiều khó khăn, nên ảnh hưởng đến tốc độ phát triển trang trại. Đối với các chủ trang trại hiện tại, nguồn vốn còn hạn chế, hầu hết mới chỉ đủ đầu tư phần XDCB, còn vốn đầu tư cho sản xuất phải đi vay; nhưng điều kiện và thủ tục cho vay lại không đơn giản, không dễ có ngay được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn...

Mặt khác, bài toán cho thị trường tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa có lời giải thỏa đáng, hầu hết các chủ trang trại đều phải năng động, linh hoạt tự tìm kiếm thị trường mà chưa có một tổ chức tiêu thụ sản phẩm chung. Bên cạnh đó, những hạn chế về trình độ tay nghề của lao động, hạn chế kiến thức về quản lý, về kỹ thuật sản xuất, về phòng chống và xử lý dịch bệnh, xử lý chất thải của chủ trang trại cũng là những thách thức không nhỏ.

Bởi vậy, theo ông Thụy, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại cần có hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục, quy trình lập dự án xây dựng trang trại; quy trình, thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch vùng chăn nuôi tạp trung và cho thuê đất xây dựng trang trại chăn nuôi đối với các xã và các hộ gia đình. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng như: giao thông, thủy lợi, điện cho các vùng chăn nuôi của các xã, thị trấn; kịp thời hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn các biện pháp phòng dịch cho các trang trại trong trường hợp xảy ra dịch bệnh.

Thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức quản lý, áp dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất; tổ chức giao lưu trao đổi kinh nghiệm, liên doanh liên kết hợp tác. Đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ, tạo điều kiện cho các chủ trang trại đủ điều kiện vay vốn; trong trường hợp các trang trại chưa có giấy CNQSDĐ đề nghị các tổ chức chính trị, các ban ngành, đoàn thể tích cực đứng ra tín chấp cho các trang trại vay vốn...

Hồng Thái

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày