Thứ 2, 06/05/2024, 06:37[GMT+7]

An ấp - Quỳnh Phụ - Thái Bình Đưa vụ đông thành vụ sản xuất hàng hoá lớn nhất năm

Thứ 6, 29/10/2010 | 08:40:13
1,977 lượt xem
Do đặc thù của một xã mà sản xuất CN- TTCN và TM- DV chưa thực sự phát triển, nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo nên bên cạnh hai vụ lúa, cấp uỷ Đảng và chính quyền nơi đây chủ trương đẩy mạnh phát triển vụ đông, kết hợp mở rộng về diện tích với chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị thu nhập, phấn đấu đưa vụ đông thành vụ sản xuất thứ ba và là vụ sản xuất hàng hoá lớn nhất năm.

Nông dân xã An Ấp(Quỳnh Phụ) chăm sóc cây màu vụ đông. Ảnh Ngọc Linh

An ấp (Quỳnh Phụ) là xã nội đồng với 360 ha đất canh tác. Toàn xã có 1.550 hộ, 5.600 nhân khẩu phân bố tại 5 thôn. Để từng bước đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất thứ ba ăn chắc trong năm, Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về sản xuất vụ mùa gắn với vụ đông nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng về sản xuất cây vụ đông.

Hàng năm đều thành lập ban chỉ đạo sản xuất vụ đông do đồng chí Bí thư Đảng bộ xã trực tiếp làm trưởng ban. Huy động các đoàn thể chính trị- xã hội cùng vào cuộc, vừa làm tốt chức năng tuyên truyền, vận động vừa lấy các hội viên làm nòng cốt trong quá trình thực hiện. Xây dựng đề án sản xuất với chủ trương, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện đất đai, lao động và kinh nghiệm thâm canh của từng thôn, từng xứ đồng.

Do phần lớn diện tích cây vụ đông ở An Ấp đều là nhóm cây ưa ấm nên để mở rộng về diện tích thì yếu tố tiên quyết là phải quy hoạch được vùng sản xuất. Đối với trà lúa mùa sớm và cực sớm cần bố trí gieo cấy hoàn toàn bằng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn từ 90- 105 ngày. Riêng trà cực sớm cần điều chỉnh cấy sớm hơn so với lịch thời vụ bảo đảm hoàn thành gieo cấy trước ngày 20/ 6 dương lịch và thu hoạch trước ngày 20/ 9 dương lịch.

Ngoài ra, hàng năm xã đều có cơ chế khuyến khích phát triển cây vụ đông; chỉ đạo HTX DVNN chủ trì làm tốt các khâu cung ứng giống, vật tư phục vụ sản xuất, chuyển giao KH- KT... Đồng thời gắn việc hoàn thành chỉ tiêu gieo trồng cây vụ đông với việc bình xét thi đua cuối năm của các thôn, các đoàn thể; có cơ chế động viên, khen thưởng kịp thời các hộ gia đình và thôn hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao...

Nhờ các giải pháp nêu trên mà diện tích cây vụ đông ở An Ấp tăng trưởng đều qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2005, toàn xã mới trồng được 125 ha thì đến năm 2007 đã tăng lên 145 ha và từ năm 2009 đến nay diện tích cây vụ đông của xã luôn đạt 175 ha trở lên, chiếm 55% tổng diện tích đất canh tác của toàn xã.

Cùng với việc chỉ đạo mở rộng về diện tích, thời gian qua, An Ấp còn chủ trương khuyến khích đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấy cây trồng trong sản xuất vụ đồng nhằm tăng giá trị sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động. Xu hướng chung là lựa chọn những cây có lợi nhuận cao, thị trường tiêu thụ rộng và ổn định, phù hợp với kinh nghiệm thâm canh của các hộ dân.

Qua thực tiễn sản xuất vụ đông những năm gần đây, nông dân xã An Ấp đã chọn lựa được cho mình 5 loại cây trồng chủ lực, trong đó vị trí dẫn đầu được xác định là cây ớt. Đây vừa là cây màu truyền thống của địa phương, vừa là cây chiếm ưu thế về diện tích, đồng thời là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất so với các cây màu khác. Vụ đông năm 2009, An Ấp gieo trồng được 90 ha ớt, chiếm 51% diện tích cây vụ đông của toàn xã. So với các cây trồng khác thì ớt là cây đòi hỏi tương đối khắt khe về thời vụ, nhưng đổi lại chúng sinh trưởng phát triển khá mạnh, thích ứng tốt với mọi dạng thời tiết và có thể trồng trên nhiều chân đất khác nhau, kể cả chân đất ướt.

Hiện tại cả 5 thôn ở An ấp đều tham gia trồng ớt, trong đó 3 thôn trồng ớt Hàn Quốc, 2 thôn trồng ớt kim truyền thống. Đa số các hộ dân trong xã đều trồng ớt, nhiều hộ trồng từ 3- 4 sào, cá biệt có hộ trồng tới 7- 8 sào ớt/ vụ. Mặc dù diện tích lớn nhưng việc tiêu thụ ớt khá thuận lợi, đến vụ thu hoạch tư thương đến tận ruộng để mua. Giá bán tuy có lên xuống nhưng vẫn bảo đảm có lợi cho người sản xuất, trung bình mỗi sào ớt cho thu nhập từ 2,5- 4 triệu đồng/ vụ, cá biệt như năm 2008 mỗi sào ớt cho thu nhập từ 7- 8 triệu đồng/ vụ. Ngoài cây ớt, An Ấp còn phát triển một số cây rau màu khác như khoai tây, cà chua, rau các loại...

   Với chủ trương đúng đắn là gắn mở rộng về diện tích với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây màu, An ấp đã vươn lên trở thành xã có phong trào phát triển cây vụ đông mạnh ở Quỳnh Phụ. Sản xuất vụ đông không chỉ trở thành vụ thứ 3 trong năm mà còn là vụ sản xuất hàng hoá lớn nhất năm với thu nhập trung bình cao gấp từ 2- 3 lần so với cây lúa trên cùng một diện tích canh tác.   

                                             

Vũ Mạnh

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày