Thứ 2, 29/07/2024, 23:22[GMT+7]

Việt Thuận Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học

Thứ 4, 31/12/2014 | 08:58:21
688 lượt xem
Chăn nuôi tại xã Việt Thuận (Vũ Thư) phát triển mạnh từ năm 2005. Khu chăn nuôi tập trung được xã quy hoạch từ năm 2004 với 5ha ở thôn Việt Cường, giáp sông Kiến Giang và 10ha ở thôn Thái Hạc, khu vực bãi sông Hồng. Ðến nay đã có 12 hộ tham gia chăn nuôi tại vùng chuyển đổi, cho năng suất, hiệu quả cao. Chăn nuôi chiếm 60% giá trị sản xuất nông nghiệp, là một trong những đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của toàn xã.

Khu chăn nuôi lợn của bà Lê Thị Tới, thôn Trung Hòa, xã Việt Thuận (Vũ Thư).

 

Trong số 3.500 hộ dân sinh sống trên địa bàn xã có đến 2.000 hộ tham gia sản xuất chăn nuôi. Hiện nay, toàn xã có 7 trang trại, 56 gia trại với tổng đàn gia súc 8.800 con, gia cầm 54.300 con và đàn thủy cầm 14.300 con. Ông Phạm Xuân Thủy, Chủ nhiệm HTX DVNN Vũ Việt, xã Việt Thuận cho biết: Ðể thúc đẩy chăn nuôi phát triển, giúp người dân yên tâm lao động, UBND tỉnh hỗ trợ 100% vắc-xin phòng dịch tả, dịch lở mồm long móng và bệnh thương hàn; chính quyền xã tạo điều kiện quy hoạch diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang xây dựng trang trại, gia trại để người dân mở rộng quy mô sản xuất. HTX DVNN phối hợp với các đoàn thể như hội nông dân, hội phụ nữ hàng năm mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ thú y viên và mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân; khuyến khích, động viên bà con vay vốn, tăng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh khu vực chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, bảo đảm sức khỏe đàn vật nuôi. Ðồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các chủ trương, quy định về phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Công tác tiêm phòng và phun hóa chất tiêu độc, khử trùng luôn được quan tâm, chỉ đạo thực hiện sát sao, nghiêm túc; ý thức chấp hành của người dân tốt, tỷ lệ hộ tham gia tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đạt trên 90%. Những khi giao mùa, nhất là dịp cuối năm, xã tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về các biện pháp phòng dịch để người dân nắm bắt, chủ động áp dụng đối với đàn vật nuôi của gia đình. Bởi vậy, nhiều năm qua, đàn gia súc, gia cầm và thủy cầm ở Việt Thuận luôn phát triển khỏe mạnh, không xảy ra dịch bệnh, cho nguồn thực phẩm đạt chất lượng. Xã đã tham gia Dự án LIFSAP từ năm 2012, xây dựng khu kinh doanh thực phẩm an toàn trong chợ Mét, hiện có 40 hộ tham gia buôn bán thực phẩm sạch tại chợ, vệ sinh an toàn thực phẩm cơ bản được bảo đảm.

 

Gia đình chị Phạm Thị Lơ (thôn Việt Hùng) nuôi hơn 100 con lợn thịt, xung quanh chuồng nuôi luôn được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát. Chị Lơ chia sẻ: Trong chăn nuôi, tiêm phòng đầy đủ, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng là một trong những cách giúp đàn vật nuôi chống chọi tốt nhất với dịch bệnh. Những tháng cuối năm, trời rét đậm, sức đề kháng của vật nuôi giảm cần che chắn kín chuồng nuôi bằng bạt, tránh gió đông. Như vậy, giáp tết mới có thể cung cấp ra thị trường nguồn thực phẩm tươi ngon, bảo đảm chất lượng. Cùng với chăn nuôi lợn, chị Lơ còn nuôi hơn 100 con gà chân lùn và thả nuôi các loại cá truyền thống. Tổng thu nhập từ mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình chị Lơ đạt trên 1 tỷ đồng/năm, sau khi trừ mọi chi phí còn lãi từ 200 - 250 triệu đồng. Cũng như gia đình chị Lơ, gia đình bà Lê Thị Tới ở thôn Trung Hòa nuôi 5 con lợn nái và 60 con lợn thịt. Bà Tới cũng che chắn rất kỹ khu vực chuồng nuôi nhằm tránh rét, giữ ấm cho vật nuôi. Ngoài ra, bà Tới còn nuôi thêm 60 con gà và nhiều giống cá truyền thống. Gia đình bà còn làm thêm nhiều nghề như xay xát gạo, đầu tư máy cày, máy gặt phục vụ bà con. Doanh thu từ chăn nuôi của gia đình bà Tới đạt khoảng 100 - 150 triệu đồng/năm, lợi nhuận đạt khoảng 30 - 35 triệu đồng.

 

Khi được hỏi về những khó khăn của Việt Thuận trong chăn nuôi, ông Phạm Xuân Thủy, Chủ nhiệm HTX DVNN Vũ Việt cho biết: Chăn nuôi của xã hiện nay còn rất nhiều khó khăn, người dân còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm, nhiều gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ theo hình thức tận dụng diện tích đất trống gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó nguồn vốn hạn hẹp, người dân muốn mở rộng quy mô nhưng không có kinh phí đầu tư. Một số hộ chưa xử lý tốt chất thải chăn nuôi, dễ phát sinh mầm bệnh. Thị trường tiêu thụ còn bấp bênh, chưa ổn định. Ðể chăn nuôi phát triển bền vững, người dân Việt Thuận mong muốn các cơ quan chức năng có cơ chế hỗ trợ nông dân đưa các gia trại vào vùng chăn nuôi tập trung, không sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Về phía xã, tới đây sẽ tăng cường thêm các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn ưu đãi, tăng gia lao động, sản xuất. Cũng theo ông Thủy, năm 2015 Việt Thuận tiếp tục phát triển chăn nuôi đa dạng theo hướng bền vững, định hướng người dân tham gia VietGAP, chăn nuôi an toàn sinh học, tích cực nắm bắt và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ nhiều kênh thông tin khác nhau để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, cải thiện đời sống gia đình.

  Phạm Huế

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày