Chủ nhật, 30/06/2024, 19:52[GMT+7]

Niềm vui sau những mùa rươi

Thứ 3, 13/01/2015 | 09:01:17
2,930 lượt xem
Câu ca truyền miệng “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm” nói đến thời điểm rươi xuất hiện nhiều nhất trong năm và cũng là lúc thu hoạch rươi được mùa nhất.

Đầm bãi khai thác rươi của gia đình bà Vũ Thị Nga (thôn Nam Tiến) được xây dựng hệ thống kênh mương, cửa cống để chủ động tháo nước sông ra, vào bãi rươi.

 

Từ xa xưa, người dân Hồng Tiến (Kiến Xương) đã “gắn bó” với con rươi; mỗi khi có rươi, nhà nhà, người người lại đổ ra ruộng, ra bãi ven sông để vớt. Năm 1987, xã đã quy hoạch vùng khai thác rươi, trên bờ trồng chuối, dưới bãi có gia đình trồng cói, có gia đình cấy lúa vụ mùa, kết hợp thu hoạch rươi và cáy. Đến thời điểm này có 41 hộ tham gia sản xuất tại vùng khai thác rươi, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Vùng rươi tại Hồng Tiến có đặc thù giao thủy giữa nước mặn và nước ngọt, là điều kiện thuận lợi cho rươi sinh sản, phát triển. Cũng nhờ đó mà lượng rươi nhiều, to hơn, có màu hồng, đỏ, chất lượng thơm ngon, nhiều bột.

 

Men theo con đường nội đồng mới được cứng hóa, bà Vũ Thị Nga (thôn Nam Tiến) dẫn chúng tôi đến bãi rươi ngoài đê trải dài ngút tầm mắt. Bà Nga chia sẻ: Cách đây 2 tháng, tại nơi này hoạt động khai thác, thu hoạch rươi diễn ra tấp nập. Tôi và ba anh chị em khác trong gia đình đấu thầu chung hơn 3 mẫu đầm bãi, đầu tư đắp bờ bao, hệ thống kênh mương, cửa cống để chủ động tháo nước sông ra, vào vừa để rửa bãi vừa lấy rươi. Cói được trồng nhiều nhằm để đất tơi xốp và thường những nơi có cói là những nơi rươi nhiều hơn. Khi thủy triều rút, chúng tôi chắn xăm, chắn lưới, chuẩn bị tất cả những vật dụng cần thiết để thu hoạch rươi. Thương lái ở một số nơi đến tận nơi thu mua, bán cho các nhà hàng và tiêu thụ ở các chợ tại Hải Phòng. Vụ rươi vừa qua, chúng tôi thu được gần 2 tạ, bán 350.000 đồng/kg, mỗi nhà lãi gần 15 triệu đồng. Cũng tại thôn Nam Tiến, ông Lê Văn Viện cùng bốn anh em trong gia đình đấu thầu chung gần 2ha đầm bãi. Ông Viện cho biết: Tôi theo sát con rươi  20 năm nay nhưng cũng không biết chúng ăn gì, sinh sản như thế nào, kinh nghiệm cũng chỉ biết cải tạo đất bãi, trồng nhiều cói, tạo điều kiện sống trong môi trường tự nhiên cho rươi; giữ nước và điều chỉnh nước hợp lý để đất ẩm vừa tầm, đóng phai phụ ngăn nước thấp hơn mặt ruộng 15cm, đất có mềm rươi mới to. Đồng thời, nguyên tắc bất di bất dịch để rươi sinh trưởng tốt là không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất độc hại. Trước khi khai thác rươi, đào đất lên xem là ước lượng được năng suất bởi cứ một lỗ cho một rươi, lỗ càng nhiều thì năng suất rươi càng cao, có những năm rươi nhiều ông thu được hơn 7 tạ. Vụ rươi vừa qua, ông Viện thu được gần 4 tạ, bán 400.000 đồng/kg, lãi gần 150 triệu đồng. Ngoài rươi, một năm ông còn thu hơn 100 triệu đồng tiền cói và 40 triệu đồng từ nguồn cáy tự nhiên sống trong đầm.

 

Sau 2 tháng, dư âm của vụ rươi thắng lợi vẫn còn vẹn nguyên. Không chỉ gia đình bà Nga, ông Viện có thu nhập cao từ rươi mà còn rất nhiều hộ trong xã giàu lên nhanh chóng từ những mùa rươi. Điển hình như gia đình ông Ngô Đức Trân và ông Trần Văn Vững (thôn Đông Tiến) thu được 5 tạ rươi, lãi gần 200 triệu đồng; gia đình ông Hoàng Văn Hiển (thôn Nam Tiến) thu 3 tạ rươi, lãi hơn 100 triệu đồng. Mùa rươi rất ngắn nhưng lợi nhuận kinh tế mang lại rất cao bởi đây là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, thị trường tiêu thụ ngày càng rộng. Ông Đỗ Đức Cảnh, Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến cho biết: Rươi tập trung và xuất hiện nhiều nhất vào tháng 9, tháng 10 âm lịch hàng năm. Bình quân mỗi năm Hồng Tiến thu được từ 6 - 7 tấn rươi, với giá bán dao động từ 350.000 - 400.000 đồng/kg người dân thu lãi hơn 2 tỷ đồng/năm, cao điểm lên đến hơn 3 tỷ đồng/năm. Giá trị cao là thế nhưng để mở rộng, phát triển vùng bãi nuôi rươi lại là vấn đề khó khăn của địa phương. Do không nắm được đặc tính sinh sản, không sản xuất được rươi giống, cũng không biết thức ăn của chúng là gì nên chưa nuôi và chăm sóc được. Có những bãi năm nay rươi xuất hiện nhiều nhưng năm sau rất ít mà vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Để con rươi thực sự trở thành một nguồn lợi kinh tế có giá trị bền vững, chủ thầu và những người thu hoạch, khai thác rất cần sự vào cuộc của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cấp, các ngành và những cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trong việc định hướng, giúp đỡ về kiến thức, kinh nghiệm cũng như cách thức đầu tư, khai thác phù hợp, mang lại hiệu quả cao.

 

Phạm Huế

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày