Thứ 2, 06/05/2024, 09:14[GMT+7]

Bình Định Mở rộng, phát triển cây đậu tương trên đất hai lúa

Thứ 4, 17/11/2010 | 14:56:14
3,670 lượt xem
Với đặc thù là một xã thuần nông, Bình Định (Kiến Xương) có 2.830 hộ, 9.640 nhân khẩu thì có trên 70% dân số làm nông nghiệp; toàn xã có 565 ha đất hai lúa, chủ yếu là đất thịt nặng.

Cán bộ HTX DVNN xã Bình Định kiểm tra sự phát triển cây đậu tương trồng trên đất hai lúa. Ảnh: Thành Tâm

Làm thế nào để sản xuất vụ đông phát triển luôn là trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo địa phương. Xuất phát từ tình hình thực tế địa phương, Bình Định đã lựa chọn giải pháp mở rộng, phát triển cây đậu tương trên đất hai lúa.

 

Trên cơ sở đề án của tỉnh và huyện, Ban chỉ đạo sản xuất xã đã xây dựng đề án liên thông 3 vụ trong năm; từ đó có hướng triển khai sớm và đồng bộ các biện pháp.

 

Ban chấp hành Đảng bộ xã còn ra Nghị quyết chuyên đề xác định nhiệm vụ lãnh đạo sản xuất vụ đông là nhiệm vụ trọng tâm; chỉ đạo các chi bộ thôn tổ chức họp chuyên đề với các nội dung: quy vùng sản xuất, bàn về cơ cấu giống lúa, thời vụ gieo cấy; giao trách nhiệm, chỉ tiêu cho từng đảng viên. Liên tục nhiều năm, Bình Định còn tìm hiểu mô hình và tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm của các địa phương trong và ngoài tỉnh cho cán bộ từ xã đến thôn và một số tổ chức đoàn thể.

 

Trên cơ sở kinh nghiệm đã được học tập và xây dựng mô hình điểm, Bình Định đã tổ chức hội thảo đầu bờ cho nhân dân trong toàn xã tham quan học tập; từ đó nhân ra diện rộng. Công tác tuyên truyền, vận động cũng được Bình Định triển khai sâu rộng tới tất cả các ngành, các đoàn thể; trong đó lấy Hội Nông dân, Hội Phụ nữ làm nòng cốt.

 

Năm 2009, bên cạnh các cơ chế hỗ trợ của tỉnh và huyện, Bình Định còn có nhiều chính sách khuyến khích nhân dân mở rộng sản xuất: tổ chức 9 buổi tập huấn đến tận xã viên; hỗ trợ tờ rơi tuyên truyền KHKT chăm sóc và trồng cây vụ đông; hỗ trợ 100% kinh phí bơm tát nước cho hộ gia đình xã viên và hỗ trợ 100% kinh phí sấy khô đậu tương.

 

Một trong những lợi thế nữa góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất; đó là Bình Định là một trong ba địa phương của cả nước được hưởng đầu tư từ dự án Jaica của Nhật Bản. Từ dự án trên, năm 2007-2008, địa phương đã được đầu tư nhà máy sấy có công suất 11-12 tấn/mẻ với 15h/mẻ. Bên cạnh đó, HTX còn ký hợp đồng với một đơn vị ở Hà Nội (Hà Tây cũ) tiêu thụ trên 13 tấn đậu tương cho xã viên.

 

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành cùng sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của tỉnh, huyện, vụ đông năm 2009, Bình Định đã thu được nhiều kết quả đáng phấn khởi. 8/8 thôn đã tham gia gieo trồng cây đậu tương. Tổng diện tích cây đậu tương 175 ha, chiếm 76% tổng diện tích cây vụ đông toàn xã; năng suất bình quân đạt 45 kg/sào; tổng sản lượng đạt 219 tấn với tổng giá trị 1,9 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, 1 sào cho thu lãi 287.000 đồng.

 

Qua phong trào mở rộng diện tích cây đậu tương trên đất hai lúa đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình như: Bùi Thị Luyện (thôn Hòa Bình, trồng 1,5 mẫu); Đinh Công Mấn (thôn Hòa Bình, trồng 1,8 mẫu); Bùi Xuân Vũ (thôn Công Bình, trồng 2,2 mẫu); Trần Văn Triều (thôn Công Bình, trồng 2,1 mẫu).

 

Vụ đông năm 2010, Bình Định phấn đấu gieo trồng cây đậu tương gốc rạ chiếm 40% tổng diện tích đất hai lúa. Ngay từ đầu vụ, Bình Định đã thành lập Ban chỉ đạo xuống cùng cơ sở thôn xây dựng kế hoạch trồng cây đậu tương. Bên cạnh đó, Bình Định còn tổ chức gieo trồng trên 300 ha trà lúa mùa sớm chuẩn bị gieo trồng cây vụ đông ưa ấm.

 

Ông Trần Xuân Bộc – Phó Chủ nhiệm HTX dịch vụ  nông nghiệp Bình Định cho biết: Đối với địa phương, vụ đông năm 2010 được xác định là tương đối khó khăn để mở rộng diện tích gieo trồng cây đậu tương trên đất hai lúa.

 

Bình Định là một trong những địa phương của huyện Kiến Xương thực hiện xây dựng mô hình nông thôn mới, vừa mới hoàn thành xong dồn điền đổi thửa. Cùng với đó, do ảnh hưởng của thời tiết nên chủ trương cấy lúa xuân sớm không được hoàn thành, thời gian sinh trưởng của trà sớm kéo dài hơn so với bình thường từ 5-7 ngày đã làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng cây vụ đông ưa ấm.

 

Đến thời điểm này, tổng diện tích gieo trồng cây đậu tương toàn xã đạt 110 ha, dự kiến cuối tháng 12 sẽ cho thu hoạch, cây đậu tương đã kết thúc chăm bón đợt 2, đã được 4-5 lá. Trong thời gian tới, Bình Định tập trung chỉ đạo kết thúc chăm bón đợt 2, phun thuốc phòng trừ sâu đục thân và sâu ăn lá, bảo đảm giữ ổn định cho cây sinh trưởng và phát triển tốt; đối với các vùng cao ghềnh, chỉ đạo trạm bơm tiếp tục tưới dưỡng.

 

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, Bình Định vừa thực hiện thành công dồn điền đổi thửa trong khi toàn xã mới chỉ cứng hóa được 4/15 km kênh mương cấp 1; do vậy, việc tưới tiêu còn gặp nhiều khó khăn. Với truyền thống và kinh nghiệm đã tích lũy được, để bảo đảm thúc đẩy phát triển sản xuất, Bình Định cần sự quan tâm của các cấp, các ngành tăng cường đầu tư hỗ trợ kinh phí giá giống giúp nông dân yên tâm mở rộng sản xuất; đồng thời, tăng cường cứng hóa kênh mương giúp cho công tác thủy lợi được thuận lợi hơn.

  Minh Hương

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày