Thứ 7, 24/05/2025, 01:09[GMT+7]

Triển vọng nuôi cá lồng trên sông ở Quỳnh Hoàng

Thứ 3, 03/03/2015 | 11:08:29
1,190 lượt xem
Nhiều năm qua, mô hình nuôi cá lồng trên sông tại xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ) được địa phương đặc biệt quan tâm. Nhiều hộ dân tham gia xây dựng mô hình nuôi cá lồng đều có thu nhập ổn định, kinh tế phát triển, đời sống ngày một đi lên.

Mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Nghiêm Xuân Di (thôn An Lộng 3) dự kiến khi thu hoạch sẽ thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng.

 

Ông Tạ Tiến Khang, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hoàng cho biết: Quỳnh Hoàng có sông Luộc chảy qua, lượng phù sa ít, nước không chảy mạnh, tàu thuyền ít đi lại rất thuận lợi để phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông. Nắm được lợi thế đó, địa phương đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn và tập huấn cho người dân về mô hình này, chủ yếu nuôi các giống cá lăng, cá diêu hồng và cá trắm. Đến nay, xã có 11 lồng cá, tập trung ở hai thôn An Lộng 2, An Lộng 3 thuộc gia đình ông Nghiêm Xuân Kiến và ông Nghiêm Xuân Di. Những hộ gia đình này đều được Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh hỗ trợ về kỹ thuật. Địa phương còn phối hợp với cơ quan chức năng, tạo mọi điều kiện về địa điểm và trật tự, an toàn trên sông, giúp người dân yên tâm lao động, sản xuất. Vốn đầu tư bình quân cho một lồng cá vào khoảng 30 - 40 triệu đồng, lồng cá được làm bằng chất liệu lưới dù, khung thép, típ nước và có từ 6 - 7 phuy nhựa/lồng để nâng đỡ các lồng cá nổi trên mặt nước. Thức ăn chủ yếu là cám công nghiệp (cám viên nổi), cá biển nhỏ, cây chuối, cây ngô và cỏ. 

 

Cùng cán bộ xã Quỳnh Hoàng, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá lồng của gia đình ông Nghiêm Xuân Kiến, thôn An Lộng 2. Rót chén trà nóng mời khách, ông Kiến chia sẻ: Gia đình ông có 6 lồng cá, trong đó 2 lồng cá trắm cỏ, 2 lồng cá diêu hồng và 2 lồng cá lăng. Năm đầu tiên nuôi, vì chưa có kinh nghiệm thực tế nên đàn cá trắm của gia đình ông bị bệnh, trong mang cá có nhiều con côn trùng vào ăn, làm lở loét, thối rữa, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Được chính quyền xã và Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật, mô hình cá lồng của gia đình ông dần khắc phục những thiệt hại và đi vào phát triển ổn định. Năm được mùa và được giá nhất, gia đình ông thu hoạch được hơn 30 tấn cá, trừ tất cả chi phí cho thu lãi gần 500 triệu đồng. Đến thăm mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Nghiêm Xuân Di, thôn An Lộng 3, anh cho biết: Gia đình anh bắt đầu tham gia nuôi cá lồng từ tháng 10/2014, với 5 lồng cá, trong đó 4 lồng nuôi cá trắm cỏ và 1 lồng thả cá giống. Mỗi lồng anh thả từ 450 - 500 con giống, đến nay, cá trắm đã đạt trọng lượng khoảng 2kg/con. Ước tính đến khi thu họach anh Di thu lãi khoảng 300 - 400 triệu đồng.

 

Quỳnh Hoàng có nhiều triển vọng để nhân rộng mô hình cá lồng trên sông Luộc, điều kiện thiên nhiên thuận lợi, cùng với sự đồng thuận của người dân là nền móng vững chắc để phát triển mạnh mẽ mô hình này. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình cá lồng trên sông tại Quỳnh Hoàng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp, chi phí lớn. Người dân chưa nắm được các kiến thức khoa học kỹ thuật trong nuôi các giống cá lồng, tâm lý còn khá e dè, dẫn đến nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, thời tiết biến động, bất thuận, mùa mưa bão kéo dài, ô nhiễm môi trường nước, làm phát sinh dịch bệnh, tiềm ẩn rủi ro cho người nuôi cá lồng.

 

Bởi vậy, muốn mô hình cá lồng được người dân tham gia nhiều hơn nữa, địa phương, các tổ chức tín dụng cần tạo điều kiện về nguồn vốn ưu đãi để người dân có thể đầu tư làm lồng, mua con giống… Cùng với đó, thường xuyên mở các lớp tập huấn về thủy sản để bà con nắm bắt kịp thời những kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, phát triển nuôi trồng. Đồng thời, rất cần sự vào cuộc của các ban, ngành liên quan, quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện để người dân nơi đây tiếp cận sâu hơn với mô hình này, từ đó bắt tay vào thực hiện để nâng cao cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp.  

 

Phạm Huế

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày