Thứ 3, 08/07/2025, 19:17[GMT+7]

Đông Cơ Phát triển chăn nuôi trang trại

Thứ 2, 09/03/2015 | 10:44:12
1,170 lượt xem
Những năm gần đây, chăn nuôi tại xã Đông Cơ (Tiền Hải) ngày một phát triển, nhiều trang trại được người dân mạnh dạn đầu tư, xây dựng, hoạt động dần đi vào ổn định. Hàng năm, chăn nuôi chiếm trên 40% so với tổng giá trị sản xuất nông nghiệp và hơn 20% tổng giá trị sản xuất chung trong toàn xã.

Khu chăn nuôi lợn ba máu của gia đình anh Đỗ Văn Nghiêm cho thu lãi từ 100 - 150 triệu đồng/năm.

 

Ông Vũ Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cơ cho biết: Nhằm khuyến khích người dân mở rộng quy mô chăn nuôi, ngay sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa, vào cuối năm 2011, địa phương đã tạo điều kiện về quỹ đất, đất 5%, để quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, tạo cơ hội cho người dân phát triển kinh tế. Tổng diện tích khu chăn nuôi tập trung trong toàn xã là 40ha với sự tham gia của 19 hộ gia đình, đến nay có 10 hộ đã đi vào sản xuất, diện tích mỗi trang trại trung bình khoảng 1ha. Chính quyền địa phương đang lập phương án đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng và các dịch vụ tại vùng chuyển đổi. Cùng với đó, thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, triển khai các biện pháp phòng bệnh, chăm sóc cho đàn gia súc, gia cầm, giúp người dân áp dụng vào việc phát triển chăn nuôi của gia đình. Đội ngũ cán bộ thú y của xã luôn tích cực học tập, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và sát sao trong quản lý đối tượng vật nuôi. Đồng thời, địa phương tạo mọi điều kiện giúp đỡ người dân vay vốn tín dụng ưu đãi từ ngân hàng để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua vật tư, con giống.

Cùng cán bộ xã Đông Cơ, chúng tôi đến thăm gia đình anh Đỗ Văn Nghiêm, thôn Lương Điền, một trong những hộ gia đình điển hình trong phong trào phát triển chăn nuôi. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, to đẹp và đầy đủ tiện nghi, anh Nghiêm chia sẻ: Gia đình anh chăn nuôi đã nhiều năm nay nhưng từ khi chuyển đổi, quy hoạch vùng đất hoang hóa, chua trũng, cấy lúa kém hiệu quả để thành lập khu chăn nuôi tập trung, gia đình mới có điều kiện mở rộng quy mô và tăng đàn vật nuôi. Cũng nhờ đó, sản xuất dần đi vào ổn định, cuộc sống và kinh tế gia đình khấm khá hơn. Khu chuồng nuôi lợn rộng 200m2 được chia ô hợp lý, rất thoáng mát, sạch sẽ. Tại đây, anh đang nuôi gần 100 con lợn ba máu (giống Hà Namon>), có tỷ lệ nạc cao, chất lượng thịt thơm ngon. Một năm anh xuất bán 3 lứa lợn, thu nhập từ đàn lợn khoảng 700 - 750 triệu đồng/năm. Trừ chi phí thu lãi khoảng 100 - 150 triệu đồng/năm. Cách đó không xa là 100m2 dành để nuôi vịt đẻ, ngan và gà thịt, cho thu nhập hơn 60 triệu đồng/năm. Với 700m2, anh đào ao, thả cá truyền thống, một năm kéo một lứa cho thu lãi gần 20 triệu đồng. Ngoài chăn nuôi, 3 sào còn lại, gia đình anh Nghiêm tăng gia, trồng nhiều loại rau màu sạch, với nhiều giống cây khác nhau, vừa để phục vụ sinh hoạt cho gia đình, vừa cung cấp rau sạch cho người tiêu dùng. Tổng thu nhập của gia đình anh đạt khoảng 800 - 850 triệu đồng/năm. Sau khi trừ mọi chi phí, cho thu lãi từ 200 - 220 triệu đồng/năm.

 

Ngoài gia đình anh Nghiêm có thu nhập ổn định từ chăn nuôi, còn rất nhiều hộ gia đình khác cũng giàu lên nhanh chóng, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình này, tập trung chủ yếu ở các trang trại thuộc thôn Trinh Cát và thôn Cam Lai. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chăn nuôi ở Đông Cơ vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại. Ông Vũ Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cơ cho biết: Giao thông từ khu dân cư ra vùng chuyển đổi mới có một đường trục chính nội đồng, hạ tầng cơ sở ban đầu còn khó khăn, gây trở ngại cho việc vận chuyển vật tư, con giống và đầu ra cho sản phẩm. Thị trường tiêu thụ không ổn định, giá cả còn bấp bênh. Cùng với đó, thời tiết diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn vật nuôi, khả năng phát sinh dịch bệnh cao.

 

Để mô hình chăn nuôi trang trại ngày càng hiệu quả, mang lại giá trị và năng suất cao hơn, Đông Cơ cần có những cơ chế, chính sách cụ thể hơn nữa để động viên, khuyến khích người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi. Cùng với đó, cần tập trung nhiều nguồn lực, đầu tư xây dựng đường sá và cơ sở hạ tầng ở vùng chăn nuôi tập trung. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các kiến thức khoa học trong chăn nuôi, giúp bà con nắm bắt và ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra, giảm thiểu tối đa những rủi ro, thiệt hại.

          

Phạm Huế

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày