Thứ 2, 01/07/2024, 09:19[GMT+7]

Tiền Hải Mùa tôm mới, nỗi lo cũ

Thứ 3, 31/03/2015 | 09:24:07
968 lượt xem
Năm 2014, tổng giá trị sản xuất của huyện Tiền Hải đạt gần 10.000 tỷ đồng, trong đó nông, lâm, thủy sản đạt hơn 3.800 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 41,6%. Với giá trị sản xuất đạt gần 1.500 tỷ đồng cho thấy thủy sản vẫn là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện. Đối với Tiền Hải, sản lượng nuôi trồng luôn gấp 1,5 - 1,7 lần sản lượng khai thác và con tôm hiện được coi là đối tượng nuôi chủ lực trong lĩnh vực nuôi trồng. Những ngày

Nạo vét mương chuẩn bị phục vụ cho vụ nuôi thả tôm tại xã Đông Minh (Tiền Hải).

 

Tiền Hải có hai vùng nuôi tôm, vùng ngoài đê quốc gia và vùng chuyển đổi. Tùy từng vùng mà thời vụ thả tôm khác nhau và áp dụng hình thức nuôi quảng canh cải tiến hoặc bán thâm canh. Nhìn chung, các hộ nuôi sử dụng thức ăn cho tôm theo công thức 70% công nghiệp và 30% thức ăn tự chế từ cá tạp, dắt, ốc bươu vàng. Năm 2014, Tiền Hải thả nuôi 122,63 triệu con tôm giống, cho thu hoạch 1.442 tấn. Có được kết quả đó, cùng với sự nỗ lực của người nuôi phải nói đến sự quan tâm sâu sát, tích cực của các phòng, ban chức năng của huyện và Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thú y, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh trong việc tập huấn kỹ thuật, kiểm soát giống nuôi... Bên cạnh thành quả đáng ghi nhận, Tiền Hải cũng còn một số hạn chế khiến sản lượng nuôi trồng giảm 10,3%, giá trị sản xuất thủy sản giảm 1,95% so với năm 2013. Ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết diễn biến phức tạp, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn thì các nguyên nhân chủ quan chủ yếu là ao, đầm nuôi và hệ thống thủy lợi chưa bảo đảm; chưa kiểm soát triệt để được nguồn giống tôm; ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế.

 

Vụ nuôi năm 2015, Tiền Hải đặt mục tiêu thả nuôi 130 triệu tôm sú giống, phấn đấu đạt sản lượng 1.500 tấn. Từ đầu tháng 3, Phòng Văn hóa Thông tin, Đài Truyền thanh huyện và các xã đã tăng cường phổ biến chủ trương, chính sách, kế hoạch về phát triển thủy sản nói chung, nuôi thả tôm nói riêng. Huyện yêu cầu các ban, ngành, các xã có diện tích nuôi thả thường xuyên báo cáo Thường trực Huyện ủy và UBND huyện về tình hình phát triển thủy sản.

 

Theo kế hoạch, việc thả nuôi tôm của Tiền Hải được tiến hành từ ngày 25/3 đến ngày 15/4, do vậy thời gian này không khí lao động tại các xã có diện tích nuôi thả diễn ra rất sôi động. Tại Đông Minh, Chủ nhiệm HTX DVNN Hải Châu Phạm Duy Nghị cho biết, vụ nuôi này toàn xã có 980 hộ tham gia thả 12 triệu tôm sú, 20 triệu tôm thẻ trên diện tích 130,6ha. Đến nay, các hộ nuôi đang cải tạo ao, đầm và đến ngày 20/3 Ban quản trị HTX tổ chức xử lý toàn bộ hệ thống sông, mương cấp nước và tiêu nước. Tổng số hóa chất dùng để xử lý là 2.600kg Clorin được tỉnh hỗ trợ. Có thể thấy, công tác cải tạo ao, đầm nuôi tương đối bảo đảm kỹ thuật, tuy nhiên một số mương tưới tiêu chưa được tách biệt và vẫn tồn tại nguy cơ đe dọa từ nguồn nước thải công nghiệp, nông nghiệp. Điều này ảnh hưởng lớn đến môi trường nuôi thả và đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng, sản lượng tôm nuôi. Nhìn lại đợt dịch xảy ra tại hai xã Đông Minh và Đông Hải ngày 7/5/2014, kết quả xét nghiệm xác định tôm chết do nhiễm virut đốm trắng, nguyên nhân giống nuôi chưa qua kiểm dịch. Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, lượng giống tôm chủ yếu mua từ các tỉnh như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Định, Ninh Thuận và một số ít mua ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Giá tôm sú giống P15 từ 500.000 - 1.100.000 đồng/vạn con, giá tôm thẻ dao động từ 900.000 - 1.200.000 đồng/ vạn con, tôm giống trôi nổi giá bằng 50% loại đã qua kiểm dịch, có nguồn gốc xuất xứ. Huyện đã khuyến cáo người nuôi, đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm soát nguồn con giống. Mặc dù vậy, trong vụ nuôi năm nay, không ít hộ nuôi do thiếu vốn, ham giá rẻ sử dụng “quyền tự chủ” chấp nhận may rủi mua tôm giống trôi nổi. Cũng theo ông Phạm Duy Nghị, lượng tôm giống HTX DVNN Hải Châu cung cấp trong vụ nuôi năm 2015 cho các hộ dân từ nguồn Trại nuôi Minh Hoàng (tỉnh Ninh Thuận) khoảng 2 triệu con, tương ứng khoảng 17% lượng thả nuôi tại địa phương. Khảo sát tại địa bàn xã Đông Minh, nếu tính cả lượng tôm giống do UBND xã đảm nhiệm cung cấp thì lượng tôm giống đã qua kiểm soát cũng chỉ đạt từ 60 - 70% lượng thả nuôi. Tại Nam Phú, xã có diện tích nuôi tôm lớn nhất huyện, toàn bộ 35 triệu tôm giống đều do các hộ nuôi tự liên hệ mua. Ngoài ra, theo yêu cầu của huyện, tôm sú giống nuôi thả là loại P15, tương ứng 15 ngày tuổi nhưng một số hộ chỉ hợp đồng mua tôm giống loại 10 - 12 ngày tuổi. Trong nuôi tôm, giống tôm đóng vai trò quan trọng, quyết định thành bại của vụ nuôi tới 50%, nhất là đối với tôm sú chưa có thuốc đặc trị phù hợp khi bị bệnh. Chính vì vậy, huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn hộ nuôi chọn mua tôm đã qua kiểm dịch, thuần hóa và ưu tiên nguồn giống sản xuất tại địa phương. Qua tìm hiểu, đối với tôm giống nhập từ tỉnh ngoài có giấy kiểm dịch cũng rất khó kiểm soát, trong khi lực lượng chức năng chưa có khả năng kiểm dịch lại; thêm vào đó, lực lượng này lại mỏng, một số quy định phân công, phân nhiệm chưa rõ ràng. Đối với nguồn giống sản xuất tại địa phương rất ít, Công ty TNHH Trường Đại đã dừng sản xuất tôm giống còn Công ty TNHH Giống thủy sản Hải Long cũng chỉ dự kiến cung cấp được 25 - 30 triệu con, mà chủ yếu cũng chỉ là thuần dưỡng tôm giống (zèo tôm).

 

Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững đòi hỏi các hộ nuôi cần tuân thủ triệt để quy trình kỹ thuật từ cải tạo ao, đầm nuôi, chọn giống, chăm sóc, bảo vệ. Cùng với đó, cơ quan chức năng từ xã, huyện đến tỉnh cần quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa các hộ nuôi trong việc tập huấn kỹ thuật, cải tạo hệ thống thủy lợi, nguồn vốn, nguồn giống, đào tạo nhân lực...

 

Phan Lợi

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày