Thứ 7, 27/07/2024, 23:09[GMT+7]

Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính cho hiệu quả cao

Thứ 5, 09/04/2015 | 09:20:31
2,240 lượt xem
Với mục tiêu nhằm giảm lượng khí phát thải nhà kính, đồng thời tăng năng suất cây trồng, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKNKN) tỉnh đã thực hiện mô hình “Sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao năng suất” với biện pháp kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến mang lại hiệu quả thiết thực.

Hội thảo đầu bờ đánh giá chất lượng mô hình của Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh.

 

Mô hình được thực hiện tại xã Thanh Tân (Kiến Xương) với sự tham gia của 73 hộ dân, quy mô 10ha. Trước khi thực hiện mô hình, các hộ tham gia được tập huấn về các tiến bộ kỹ thuật sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính, qua đó giúp nông dân hiểu được những nguyên nhân chính gây nên biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức tham quan, hội thảo đầu bờ, chia sẻ những thông tin, các biện pháp áp dụng trong mô hình cho nông dân đến học tập kinh nghiệm, trao đổi các biện pháp kỹ thuật canh tác giảm khí phát thải nhà kính như biện pháp tưới khô ướt xen kẽ (AWD), cách bón phân để hạn chế mất phân và giảm phát thải N2O. Tại mô hình, việc điều tiết nước được thực hiện theo phương pháp tưới AWD nhằm giảm phát thải khí CH4 phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng của lúa. Từ khi gieo đến lúc chuẩn bị đẻ nhánh, mặt ruộng được giữ ẩm. Khi lúa bắt đầu đẻ nhánh đến kết thúc đẻ nhánh mới đưa nước nông vào mặt ruộng từ 5 - 7cm.  Khi giai đoạn đẻ nhánh kết thúc được 7 - 10 ngày tiến hành rút cạn nước. Vào giai đoạn lúa trước trỗ và sau trỗ, ruộng được bơm ngập nước 7 - 10cm. Trước thu hoạch 10 ngày rút cạn nước để thúc đẩy quá trình chín và thuận tiện cho thu hoạch. Việc chuẩn bị đất để sản xuất mô hình được thực hiện sớm nhằm để đất được cày lật phơi ải, dẫn nước thau chua rửa mặn, bừa ngả và bừa kỹ san phẳng mặt ruộng để gieo sạ. Ðối với hạt giống, cần phơi nắng nhẹ 2 giờ rồi pha nước muối 10% để loại bỏ hạt lép lửng, sau đó rửa sạch ngâm 48 giờ ủ nứt nanh, sau đó thực hiện “ngày ngâm, đêm ủ” điều chỉnh rễ mầm cân đối. Thực hiện mô hình này, lượng giống cho gieo sạ 1ha là 35kg, dự phòng 5kg/ha, mật độ từ 100 - 110 cây/m2. Dùng phân lót NPK bón lót sâu trước bừa, để lắng bùn rút cạn nước mới sạ nhằm tránh giảm mất phân do rửa trôi và bốc hơi. Bón nhử khi lúa chuẩn bị đẻ nhánh sau sạ 41 ngày với 55kg đạm urê/ha. Bón khi đất ẩm, hôm sau đưa nước nông nhằm giảm phát thải khí N2O. Bón thúc lần một khi lúa đẻ nhánh kết hợp dặm tỉa sau sạ 48 ngày giúp lúa đẻ nhánh sớm, tập trung. Bón thúc lần hai khi lúa đứng cái, đồng thời tiến hành phun chế phẩm SH khi lúa 2,5 lá. Chú ý các lần bón phân, khi bón để ruộng ẩm sau một ngày đưa nước nông 5 - 7cm. Việc đo đếm khí phát thải khí nhà kính được thực hiện 4 lần: lần 1 sau sạ 40 ngày, lần 2 sau sạ 54 ngày, lần 3 sau sạ 90 ngày và lần 4 sau sạ 102 ngày.

 

Theo đánh giá của các kỹ sư và bà con nông dân, việc áp dụng cày lật đất sớm đưa nước thau chua, rửa mặn hạn chế ngộ độc hữu cơ giúp lúa sinh trưởng phát triển nhanh hơn. Phương pháp tưới AWD giảm phát thải khí nhà kính. Giai đoạn đầu giữ ẩm mặt ruộng tạo điều kiện rễ lúa phát triển tốt hơn, lúa sinh trưởng tốt, cây cứng. Giai đoạn đẻ nhánh áp dụng chế độ tưới nước AWD giúp tăng oxy, ánh sáng tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh tốt. So với phương pháp để ngập nước thường xuyên, với phương pháp tưới nước AWD cây lúa, lá lúa cứng hơn, khả năng đẻ nhánh cũng tập trung và sớm hơn. Nếu như khả năng đẻ nhánh theo phương pháp để nước ngập thường xuyên là 290 dảnh/m2 thì phương pháp tưới nước AWD lúa đẻ khỏe hơn, đạt 350 dảnh/m2. Giai đoạn lúa đẻ nhánh tối đa rút khô nước cũng giúp rễ lúa ăn sâu hơn cây cứng chắc hơn và có khả năng chống lốp, chống đổ tốt hơn. Ngoài ra còn giúp hạn chế dảnh vô hiệu, tăng dảnh hữu hiệu so với ngập nước thường xuyên. Qua kiểm tra, số bông hữu hiệu của mô hình 253 bông/m2, trong khi diện tích đối chứng đạt 241 bông/m2. Việc áp dụng bón phân thúc khi đất ẩm, bón cân đối đúng cách, đúng lúc cũng giúp hạn chế mất phân, giảm phát thải khí N2O so với để ngập nước. Bên cạnh đó, lúa của mô hình hạn chế sâu bệnh hơn so với diện tích lúa đối chứng. Về chi phí thủy lợi, thực hiện theo mô hình, chi phí thủy lợi giảm được hai lần bơm nước. Năng suất lúa mô hình đạt 73 tạ/ha, trong khi năng suất lúa ngoài mô hình đạt 70 tạ/ha. Áp dụng mô hình giúp tiết kiệm được từ chi phí sản xuất 1.644.000 đồng/ha và tổng thu nhập cao hơn 1.950.000 đồng/ha so với diện tích lúa đối chứng. Ðặc biệt, tưới theo phương pháp AWD có tổng lượng khí phát thải quy đổi về khí CO2 thấp hơn ngập nước thường xuyên. Ngoài ra, việc xử lý rơm rạ bằng chế phẩm Super humic Trichodrerma giúp cung cấp nguồn phân hữu cơ cho cây trồng, không gây ô nhiễm môi trường, giảm lượng khí CO2 thải vào khí quyển. Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác lúa không chỉ giảm phát thải khí nhà kính mà các hộ nông dân tham gia mô hình cũng đạt lợi nhuận cao hơn so với hộ ngoài mô hình 10%.

 

Biến đổi khí hậu đang là một trong những vấn đề môi trường nóng nhất hiện nay. Từ hiệu quả ban đầu của mô hình “Sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao năng suất” cho thấy đây là mô hình đạt hiệu quả thiết thực. Qua đó, giúp người dân hiểu rõ hơn về phát thải khí nhà kính trong ruộng lúa, từ đó có sự lựa chọn giải pháp phù hợp để canh tác góp phần làm tăng thu nhập cho người trồng lúa, tạo nền tảng để phát triển nông nghiệp bền vững và bảo vệ tốt môi trường sinh thái.

Ngọc Mai

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày