Thứ 4, 08/01/2025, 10:26[GMT+7]

Nam Thịnh Chuẩn bị nuôi thả tôm vụ xuân, hè

Thứ 6, 10/04/2015 | 08:30:19
1,335 lượt xem
Về Nam Thịnh (Tiền Hải) những ngày này, việc cải tạo ao, đầm, chuẩn bị cho nuôi thả vụ tôm mới được bà con khẩn trương thực hiện.

Gia đình ông Trần Văn Quyên, thôn Ðồng Lạc, xã Nam Thịnh tập trung cải tạo ao, đầm chuẩn bị nuôi thả vụ tôm mới.

 

Nhanh tay đào đất, đắp tôn bờ, ông Trần Văn Quyên, thôn Ðồng Lạc cho biết: Gia đình có 1 mẫu đầm nuôi tôm sú, năm ngoái thu được gần 6 tạ, lãi hơn 130 triệu đồng. Nuôi tôm thu lãi gấp nhiều lần so với cấy lúa nên cứ đến vụ nuôi thả tôm mới, gia đình tôi luôn thực hiện nghiêm túc lịch cải tạo ao, đầm, có vậy, khi thả nuôi tôm cũng yên tâm hơn vì tôm sẽ sinh trưởng tốt. Ðể chuẩn bị cho vụ tôm sắp tới, trước khi thả giống, gia đình tập trung tát nước, sửa bờ, nạo vét, cải tạo lòng ao (cuốc đất, phơi cho hả hơi đất), sau đó vãi vôi. Khi nước vào, khử trùng, diệt tạp và gây màu nước, ngâm ao từ 10 - 15 ngày sẽ bắt đầu thả giống, mực nước duy trì ổn định từ 1 - 1,2m. Vụ tôm năm nay, gia đình ông Quyên dự định thả 5 vạn con tôm sú và 10 vạn con tôm thẻ, dự kiến thả trong khoảng 14/4 - 15/4. Cũng tại thôn Ðồng Lạc, việc cải tạo ao, đầm nuôi tôm của gia đình ông Bùi Văn Ðương đến nay cơ bản hoàn thành. Ông Ðương cho biết: Gia đình ông có hơn 1ha nuôi tôm sú, vụ tôm năm trước ông thả hơn 10 vạn con tôm sú giống. Bước vào vụ tôm năm nay, gia đình ông tập trung xử lý, cải tạo ao, đầm từ ngày 24/2, tát cạn nước, nạo vét bùn, vãi vôi, tạo màu nước và diệt tạp. Từ ngày 10/4, ông Ðương bắt đầu thả tôm giống, với khoảng 15 vạn con tôm thẻ và 7 vạn con tôm sú.

 

Ông Trần Văn Tặng, Phó Chủ nhiệm HTX xã Nam Thịnh cho biết: Tổng diện tích vùng chuyển đổi từ lúa sang nuôi tôm của xã là 50ha, thuộc thôn Ðồng Lạc, với 216 hộ trực tiếp tham gia. Nơi đây có đặc thù rất riêng, bởi sau khi chuyển đổi, một bên nuôi tôm, một bên vẫn cấy lúa, ngăn cách nhau bằng một mương dẫn nước. Ðể khuyến khích người dân nuôi thả tôm đạt năng suất, hiệu quả cao, tỉnh và huyện đã hỗ trợ hóa chất Clorin để khử trùng nguồn nước, tránh ô nhiễm gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của tôm. Cùng với đó, hàng năm chính quyền và HTX tổ chức từ 5 - 6 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân trang bị, bổ sung thêm kiến thức, áp dụng cho việc nuôi thả của gia đình. Cùng với đó, thường xuyên tuyên truyền, hỗ trợ về thủy lợi phí cũng như nạo vét sông trục chính cấp I, giúp người dân yên tâm sản xuất. Ðể chuẩn bị cho nuôi thả vụ tôm xuân, hè năm 2015, việc cải tạo ao, đầm được địa phương thực hiện từ tháng 11/2014, đồng thời, tập trung tu bổ, sửa chữa hệ thống kênh mương. Trước khi bước vào nuôi thả vụ tôm mới, phát động người dân xử lý ao đầm, vãi vôi từ 10 - 15kg/sào, phơi đáy ao trong vòng 15 ngày. Tiếp theo, lấy nước vào để thau đầm khoảng 2 - 3 lần, diệt tạp bằng  Rotenon và Saponin, gây màu bằng NPK, sau đó bắt đầu thả giống đồng loạt. Khi thả nuôi, phải sử dụng máy quạt nước trong suốt thời gian nuôi để cung cấp, điều hòa oxy trong ao, giúp cho tôm có đủ dưỡng khí để phát triển khỏe mạnh. Ông Tặng cho biết thêm: Năm nay, khí thế cải tạo ao, đầm chuẩn bị cho vụ tôm mới diễn ra rất sôi động, có trên 90% bà con xã viên tham gia. Ðến thời điểm này, người dân trong xã đã sử dụng 10 tạ hóa chất Clorin để xử lý môi trường kênh, mương, ao, đầm, mọi hoạt động cơ bản đã xong và hoàn thành trên 80% kế hoạch. Thời gian thả tôm từ giữa tháng 4, với khoảng 3,5 triệu tôm giống, chủ yếu là giống tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Nếu thời tiết thuận lợi, tôm giống sinh trưởng, phát triển tốt, không bị dịch bệnh, đến khoảng tháng 8, tháng 9 sẽ bắt đầu thu hoạch.

 

Tuy nhiên, việc nuôi tôm tại Nam Thịnh vẫn còn nhiều khó khăn. Ngay tại cống dẫn nước vào vùng đầm nuôi tôm, có hai nhà máy chế biến sứa, thải hóa chất trực tiếp xuống nguồn nước, xét về lâu dài, không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng không nhỏ tới việc nuôi thả thủy sản của bà con, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân nơi đây. Hơn nữa, nuôi theo hình thức lúa tôm xen kẽ, trong khi các bờ đê bao chưa ổn định, dẫn đến độ an toàn không cao. Diện tích còn nhỏ hẹp, manh mún, chi phí đầu tư con giống, thức ăn cao, khả năng dịch bệnh dễ phát sinh, gây ra những tổn thất lớn.

 Phạm Huế

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày