Thứ 4, 21/05/2025, 15:14[GMT+7]

Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình Đẩy mạnh tư vấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân

Thứ 5, 07/05/2015 | 08:20:46
1,003 lượt xem
Vụ đông năm 2014, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKNKN) Thái Bình trồng khảo nghiệm giống ngô nếp Max 68 tại xã An Đồng (Quỳnh Phụ). Mặc dù thời tiết không thuận lợi song mô hình trồng khảo nghiệm giống ngô nếp Max 68 vẫn sinh trưởng, phát triển tương đối tốt, cho năng suất khá cao.

Mô hình nhân giống khoai tây sạch bệnh tại vườn công nghệ - Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình.

 

Theo ông Nguyễn Văn Tính, Chủ nhiệm HTX DVNN An Đồng, giống ngô nếp Max 68 sinh trưởng khỏe, chống chịu tốt, hiệu quả hơn hẳn các giống ngô địa phương đang trồng, cho năng suất 13,54 tấn/ha, cao hơn giống đối chứng 1 tấn/ha, có nhiều triển vọng để nông dân mở rộng sản xuất.

 

Cùng với mô hình trên, Trung tâm KNKNKN Thái Bình còn tiến hành xây dựng mô hình sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao năng suất tại xã Thanh Tân (Kiến Xương) với sự tham gia của 73 hộ nông dân, quy mô 10ha. Tham gia thực hiện mô hình, các hộ nông dân được tập huấn về các tiến bộ kỹ thuật, qua đó hiểu rõ việc canh tác lúa đã ảnh hưởng đến phát thải khí nhà kính là một trong những nguyên nhân chính gây nên biến đổi khí hậu. Trung tâm còn tổ chức tham quan, hội thảo, chia sẻ thông tin, biện pháp kỹ thuật canh tác giảm phát thải khí nhà kính như biện pháp tưới khô ướt xen kẽ, cách bón phân để hạn chế mất phân và giảm phát thải N2O. Từ hiệu quả ban đầu cho thấy đây là mô hình đạt hiệu quả thiết thực, giúp người dân hiểu rõ hơn về phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, từ đó có sự lựa chọn phù hợp để canh tác, góp phần tạo nền tảng phát triển nông nghiệp bền vững.

 

 

Mô hình gieo mạ bằng khay, cấy lúa bằng máy do Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình xây dựng tại xã Thái Hưng (Thái Thụy).

 

Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật Trung tâm KNKNKN Thái Bình đã tiến hành trong thời gian qua. Ông Nguyễn Như Liên, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm luôn sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên cơ quan, góp phần để các hoạt động của Trung tâm đạt hiệu quả cao. 5 năm qua, Trung tâm đã khảo nghiệm trên 2.000 lượt giống lúa các loại, 717 lượt giống ngô, 42 lượt giống đậu tương, 30 lượt giống khoai tây và một số cây rau màu khác phục vụ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tiến hành khảo nghiệm nhiều giống gia súc, gia cầm, thủy sản như giống chim bồ câu Pháp, giống lợn rừng thuần, giống cá đối mục, cá rô phi Sonan... Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hệ thống khuyến nông trong tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình khuyến nông có hiệu quả cho từng vùng. Điển hình như mô hình mở rộng cây vụ hè với công thức luân canh 4 vụ cho giá trị 250 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3,5 lần so với cấy hai vụ lúa; mô hình chuyển đổi vụ lúa xuân sang trồng các cây có giá trị cao như khoai tây, dưa gang, dưa lê cho giá trị 260 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, Trung tâm còn xây dựng các mô hình như mô hình nuôi cá vược trong ao, nuôi cá song trong vùng nước lợ, nuôi xen tôm sú - rong câu - cua..., góp phần nâng cao sản lượng nuôi trồng thủy sản.

 

Cùng với xây dựng hiệu quả các mô hình, Trung tâm KNKNKN Thái Bình tổ chức xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm như mô hình cánh đồng lớn sản xuất khoai tây, lúa, nấm, chăn nuôi gà thịt, vịt sinh sản..., tạo điều kiện hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng liên kết sản xuất gắn với thị trường. Trước những thách thức về lao động nông nghiệp ngày càng thiếu, Trung tâm đã tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thực hiện các mô hình. Bên cạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật với các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, công tác khuyến nông còn quan tâm phát triển ngành nghề truyền thống theo hướng cơ giới hóa. Điển hình như mô hình phát triển mây tre đan thông qua hỗ trợ đồng bộ máy chẻ, máy cắt, máy tạo thành phẩm, máy tuốt, máy đánh bóng..., góp phần nâng cao năng suất lao động, khai thác được nguồn nguyên liệu tại chỗ và tạo việc làm cho một bộ phận lao động nông thôn. Thời gian qua, Trung tâm đã tổ chức được 43 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho trên 1.500 hộ nông dân. Thông qua các lớp đào tạo nghề, người nông dân đã nâng cao nhận thức, biết gắn sản xuất với thị trường, thay đổi tập quán canh tác, chuyển cách làm theo thói quen sang sản xuất theo khoa học.

 

Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới Trung tâm KNKNKN Thái Bình tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tập trung thực hiện các chủ trương lớn của tỉnh như tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, liên kết sản xuất theo chuỗi để tăng giá trị sản lượng, bảo đảm sản xuất hiệu quả,  bền vững. Đồng thời đẩy mạnh công tác tư vấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã  đề ra.

 

Ngọc Mai

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày