Thứ 6, 02/08/2024, 19:14[GMT+7]

Hiện thực hóa giấc mơ cho ngư dân

Thứ 5, 28/05/2015 | 08:45:11
813 lượt xem
Những năm qua, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất và đời sống của ngư dân vùng biển, góp phần để bà con yên tâm vươn khơi bám biển, khai thác hải sản và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ngư dân xã Ðông Minh (Tiền Hải) thu hoạch ngao.

 

Nghị định số 67/2014/NÐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực từ tháng 8/2014 là giải pháp mang tính đột phá trong hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu, vươn khơi bám biển. Ở tỉnh ta, sau gần 6 tháng triển khai thực hiện, toàn tỉnh có 55 tổ chức, cá nhân đăng ký đóng mới, nâng cấp 56 tàu cá, trong đó UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 25 chủ tàu đăng ký đóng mới tàu cá theo Nghị định số 67. Ngoài ra, trong năm 2014 tỉnh đã hỗ trợ đóng mới 5 tàu, hỗ trợ cải hoán, nâng cấp máy chính 1 tàu với số tiền 870 triệu đồng, hỗ trợ đóng mới 2 tàu dịch vụ trị giá 350 triệu đồng. Tỉnh còn hỗ trợ việc quy hoạch, di dời Nhà máy chế biến bột cá Thụy Hải đến Cụm công nghiệp xã Thụy Tân (Thái Thụy), góp phần giảm ô nhiễm môi trường; tạo điều kiện về hạ tầng cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thủy sản như khai thác, chế biến, dịch vụ, nuôi trồng và sản xuất giống.

 

Cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ, tổ chức dịch vụ hậu cần nghề cá, hiện nay, những cảng cá lớn như cảng cá Tân Sơn (Thái Thụy) và bến cá Cửa Lân (Tiền Hải) đã được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn của Nhà nước với các hạng mục như xây dựng bến đứng, bến nghiêng, đường giao thông ra cảng, nạo vét luồng tàu vào cảng và xây dựng các công trình dịch vụ hậu cần nghề cá để phục vụ phát triển khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, trong năm 2014, tỉnh đã hoàn thành 3 dự án xây dựng khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão và bến cá tại huyện Thái Thụy bao gồm: khu neo đậu tàu tại xã Mỹ Lộc có năng lực trú ẩn cho 300 tàu, công suất mỗi tàu 300CV; khu neo đậu tránh trú bão và kết hợp cảng cá tại xã Thái Thượng có năng lực trú ẩn cho 300 tàu, mỗi tàu công suất 300CV, hiện giai đoạn I với 104 tàu đã hoàn thành; xây dựng tạm thời bến neo đậu tàu, thuyền cho ngư dân thôn Ðông Tiến, xã Thái Ðô để di dời bến cũ phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc neo đậu tàu, thuyền và đi lại, mua bán thủy hải sản, tiếp nhận nhiên liệu cho tàu, thuyền của ngư dân.

 

Những năm gần đây, thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho trên 2.400 lượt ngư dân về kỹ thuật khai thác thủy sản, kỹ thuật vận hành tàu cá, kỹ năng khắc phục, sửa chữa máy tàu, bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác và trong thu mua, chế biến sản phẩm. Ðồng thời, lồng ghép tuyên truyền các văn bản của Nhà nước về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho ngư dân tham gia khai thác thủy sản. Việc thực hiện chính sách bảo hiểm đối với thuyền viên làm việc trên tàu, bảo hiểm tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu cũng được tỉnh quan tâm, chú trọng. Trong năm 2014, 40 tàu đã được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, 39 tàu được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho 203 thuyền viên. Tháng 1/2015, UBND tỉnh đã ban hành công văn về việc triển khai chính sách bảo hiểm cho các tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ. Nhằm giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, hàng năm, các cấp, các ngành đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống và sản xuất của ngư dân ven biển như đường giao thông, trường học, cơ sở khám chữa bệnh... Chính quyền các địa phương ven biển tích cực chỉ đạo thành lập các tổ, đội sản xuất trên biển, hướng dẫn và tổ chức các chủ tàu đăng ký được hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa, sản phẩm của tàu khai thác xa bờ. Hiện toàn tỉnh đã thành lập được 3 đội tự quản khai thác hải sản. Ngoài các đội tự quản, các chủ tàu còn tự tổ chức các nhóm, mỗi nhóm từ 2 - 10 phương tiện để hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động trên biển.

 

Hiện thực hóa giấc mơ cho ngư dân bằng những cơ chế, chính sách hỗ trợ đã giúp bà con yên tâm sản xuất, mở rộng ngư trường, góp phần đưa lĩnh vực khai thác thủy sản có những bước phát triển mạnh, giá trị và sản lượng khai thác tăng trưởng ổn định từ 8 - 10%/năm. Tuy nhiên, sự phát triển ổn định và bền vững của lĩnh vực thủy sản vẫn còn nhiều trăn trở, rất cần sự nỗ lực, chung sức của các cấp, các ngành, các địa phương và ngành ngân hàng để những vướng mắc được tháo gỡ, các chính sách mang tính “đòn bẩy” sớm đi vào cuộc sống của bà con ngư dân và phát huy hiệu quả. Trong đó, cần tập trung vào các vấn đề như: chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân học tập nâng cao trình độ; hỗ trợ thành lập, duy trì hoạt động của tổ, đội, tập đoàn đánh cá; xây dựng, hoàn thiện phương án và tổ chức lực lượng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhất là việc cứu nạn xa bờ; tiếp tục phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá xa bờ đủ mạnh, góp phần giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của bà con ngư dân trong tỉnh.

                        Mai Thư

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày