Thứ 4, 31/07/2024, 03:21[GMT+7]

Ðòn bẩy để nông nghiệp phát triển

Thứ 2, 08/06/2015 | 08:52:45
988 lượt xem
Những năm qua, để hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững, bên cạnh sự hỗ trợ của trung ương, tỉnh cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất, góp phần từng bước đưa nền nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững.

Xã Ðông Sơn (Ðông Hưng) đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng theo tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: Thành Tâm

 

Ông Lê Nguyên Hoài, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Ðể thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, cùng với chính sách hỗ trợ của trung ương, tỉnh cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập. Ðiển hình là Quyết định số 2768/QÐ-UBND ngày 27/11/2012 của UBND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp năm 2013 đã hỗ trợ kinh phí mua thuốc trừ cỏ cho nông dân gieo thẳng hoặc sạ hàng với mức 360.000 đồng/ha, hỗ trợ kinh phí mua khoai tây giống nguyên chủng nhập nội, nhân giống ở vụ xuân làm giống cho vụ đông năm 2013 với mức 14 triệu đồng/ha; Quyết định số 1841/QÐ-UBND ngày 12/8/2014 của UBND tỉnh phê duyệt trên 21,4 tỷ đồng xây dựng 16 cánh đồng lớn tại 16 xã của 7 huyện; Quyết định số 1644/QÐ-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Ðề án đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đã hỗ trợ hơn 3.400 máy và công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp (trong đó có hơn 1.000 máy gặt đập liên hợp, 630 máy làm đất đa năng, 29 máy cấy, 20 kho lạnh, 1.650 công cụ gieo sạ lúa), tổng số tiền hỗ trợ hơn 153 tỷ đồng. Nhờ những chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, toàn tỉnh đã xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn với 143 cánh đồng lớn, diện tích 6.072ha. Ðã có 99 xã tiến hành quy hoạch 137 khu chăn nuôi tập trung với tổng diện tích gần 2.000ha. Toàn tỉnh cũng đã xây dựng được gần 700 trang trại, trong đó có 69 trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Ðến nay, toàn tỉnh đã thực hiện cơ giới hóa 100% khâu làm đất, 55% khâu thu hoạch và đang tích cực đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu gieo cấy nhằm giảm chi phí sản xuất và khắc phục tình trạng thiếu lao động ở những thời điểm mùa vụ.

 

Chính sách hỗ trợ cơ giới hóa đã giúp nông dân giảm sức lao động và chi phí, tăng năng suất lao động.

 

Không chỉ chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, nông dân các địa phương trong tỉnh còn được quan tâm đầu tư, hỗ trợ trong các lĩnh vực đời sống vật chất và tinh thần. Thực hiện chủ trương xã hội hóa dịch vụ cung cấp nước sạch của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 12/2012/QÐ-UBND và Quyết định số 19/2014/QÐ-UBND quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012 - 2015. Việc ban hành cơ chế, chính sách đã góp phần đưa tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 93,6%, trong đó sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn chiếm trên 40%. Ngoài ra, các chính sách về mức hỗ trợ đầu tư các công trình: đường giao thông nội đồng trục chính, kênh mương cấp I loại 3, nhà văn hóa thôn; chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới... đã tạo điều kiện để các địa phương đẩy mạnh phong trào xây dựng xã, thôn, làng, gia đình văn hóa; củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở các địa phương; kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường, tạo nên diện mạo mới khang trang, sạch đẹp; hệ thống bờ vùng, bờ thửa, kênh mương, đường giao thông nội đồng... được tập trung xây dựng đồng bộ. Ðến nay, các địa phương đã cứng hóa trên 930km kênh mương cấp I loại 3, nạo vét hàng nghìn ki-lô-mét sông ngòi; xây mới, chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp trên 4.700km đường giao thông nội đồng, giao thông nông thôn; tu bổ, sửa chữa, xây mới hàng nghìn công trình công cộng. Toàn tỉnh cơ bản hoàn thành xóa nhà ở dột nát cho hộ nghèo, hộ chính sách. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 1,9 triệu đồng/tháng, tăng 1,66 lần so với năm 2010.

 

Có thể nói, các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong thời gian qua đã trở thành đòn bẩy, tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo chuyển biến rõ nét, mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ đó, sản xuất nông nghiệp nhìn chung vẫn phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang sản xuất hàng hóa, hiệu quả còn thấp, thiếu bền vững. Ðời sống nông dân tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn còn cao. Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, trong thời gian tới cần tiến hành rà soát lại toàn bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, từ đó đánh giá, phân loại để đề xuất những cơ chế, chính sách cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, nhưng cơ chế, chính sách cần ban hành mới nhằm đáp ứng yêu cầu thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tích tụ đất đai giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, cần tập trung nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển hàng hóa tập trung, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết với các hộ nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển bền vững.

Mai Thư

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày