Chủ nhật, 19/05/2024, 01:43[GMT+7]

Liên kết phục vụ nông nghiệp Ba ngành chung vai với nông nghiệp

Thứ 2, 20/12/2010 | 08:43:27
2,044 lượt xem
Thực hiện Nghị quyết 02/NQLT/TLĐ- NN&PTNT ngày 07/4/1999 của Tổng liên đoàn và Bộ Nông nghiệp &PTNT về phát động phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) nông nghiệp và phát triển nông thôn, những năm qua, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh Thái Bình đã chủ động xây dựng, ký kết chương trình phối hợp giữa LĐLĐ tỉnh với Sở NN&PTNT và Hội Nông dân tỉnh Thái Bình về việc tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua liên kết phục vụ nông nghiệp

Tham quan mô hình trình diễn giống lúa mới. Ảnh: Ngọc Linh

Trên cơ sở đó, các cấp công đoàn đã xây dựng kế hoạch, nội dung thi đua phục vụ nông nghiệp và nông thôn, lồng ghép với các phong trào thi đua “lao động giỏi, lao động sáng tạo”; vận động công nhân viên chức lao động (CNVC, LĐ) tham gia chương trình đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp; tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực nông thôn, thường xuyên làm tốt công tác khuyến nông, khuyến ngư; đồng thời chọn Công đoàn ngành Nông nghiệp &PTNT làm điểm để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng.

Sở Nông nghiệp &PTNT- Hội Nông dân đã ký kết chương trình phối hợp chỉ đạo, vận động nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Từ những biện pháp cụ thể, thiết thực, trong 5 năm qua (2005- 2010) phong trào thi đua phục vụ nông nghiệp với sự chung vai của ba ngành đã mang lại kết quả thiết thực, góp phần quan trọng ổn định kinh tế- xã hội.

Phong trào thi đua đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, công tác khuyến nông- khuyến ngư vào sản xuất nông nghiệp đã bám sát nhu cầu thực tế, góp phần phát triển sản xuất theo chiều sâu, triển khai nhiều đề tài trong lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, chọn tạo nhiều giống cây, con mới, cơ giới hóa, cải tiến máy móc thiết bị... trong đó chọn tạo thành công 15 giống cây, con mới đưa vào sản xuất; hoàn thiện 235 quy trình, biện pháp kỹ thuật phục vụ nông nghiệp; đã có 12 đề tài cấp tỉnh, cấp bộ được áp dụng rộng rãi trong sản xuất.

Phong trào “liên kết 4 nhà” thực sự trở thành động lực lớn đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Phong trào chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; đã có 24 nghìn lượt hộ nông dân tham gia trên 2.000 lớp chuyển giao tiến bộ KHKT và công nghệ mới; xây dựng 235 mô hình trình diễn kỹ thuật mới, 12 mô hình khuyến nông về chế biến nông lâm sản; gần 800 tỷ đồng đã đến tay bà con nông dân thông qua nguồn vốn vay tín chấp từ Ngân hàng Chính sách và Ngân hàng Nông nghiệp&PTNT, tăng 2,14 lần so với năm 2005; hàng nghìn người nghèo được hỗ trợ vật tư sản xuất, phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thú y, bảo vệ thực vật, kiến thức về sản xuất...

Phong trào đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát huy cây trồng, con nuôi lợi thế theo vùng đã tăng giá trị sử dụng đất nông nghiệp. Đến năm 2009, toàn tỉnh đã có gần 4.400 gia trại, trang trại; trên 4.000 hộ sản xuất kinh doanh giỏi, có thu nhập trên 20 triệu đồng/năm, nhiều mô hình 50 triệu đồng/ha/năm xuất hiện, cá biệt có những mô hình cho thu nhập từ 100 – 300 triệu đồng/ha/năm. 

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Phong trào thi đua phục vụ CNH, HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 5 năm qua đã tăng cao, từ 5.062,49 tỷ đồng năm 2006 lên 5.824,4 tỷ đồng năm 2009, tính bình quân từ 2006- 2009 mỗi năm tăng trưởng 4,8%; năng suất lúa bình quân trong 5 năm đạt 129,4 tạ/ha/năm, diện tích cây vụ đông được mở rộng hàng năm và trở thành vụ sản xuất chính.

Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp tăng, nếu như năm 2005 là 28,2% thì năm 2009 đạt 33,41%, tăng 6,2%. Thuỷ sản phát triển cả về nuôi trồng khai thác và chế biến, với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,47%/năm.

Kinh tế nông nghiệp đã và đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; tỷ lệ cơ giới hoá khá cao ở hầu hết các khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch, vận chuyển, chế biến; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được thay đổi theo hướng văn minh, giàu đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nông thôn được cải thiện rõ rệt...

Để thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 Thái Bình trở thành tỉnh nông thôn mới, có nền nông nghiệp và công nghiệp theo hướng hiện đại, trong thời gian tới, ba ngành tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua với mục tiêu: nâng cao nhận thức của CNVC, LĐ và nông dân về CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới; đổi mới và đẩy mạnh phong trào thi đua theo tinh thần Chỉ thị 39/CT- T.Ư của Bộ Chính trị;

Động viên cán bộ, đoàn viên, CNVC, LĐ đi đầu trong phong trào thi đua lao động sáng tạo vì sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh làm cơ sở củng cố khối liên minh công nhân- nông dân- trí thức vững mạnh, đáp ứng với yêu cầu mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26- NQ/T.Ư và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại bền vững; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý.

    Minh Nguyệt

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày