Thứ 7, 28/12/2024, 21:23[GMT+7]

An Lễ chuyển trọng tâm sang chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa mùa

Thứ 2, 10/08/2015 | 09:01:03
1,317 lượt xem
Đến thời điểm này, xã An Lễ (Quỳnh Phụ) đã gieo cấy xong 100% diện tích lúa mùa theo đúng khung thời vụ. HTX DVNN chuyển trọng tâm sang tuyên truyền, chỉ đạo bà con xã viên chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh trên lúa mùa sau gieo cấy, phấn đấu năng suất đạt 62 tạ/ha trở lên.

Nông dân An Lễ (Quỳnh Phụ) quây nilon xung quanh chân ruộng để ngăn chuột cắn phá lúa.

Ông Phạm Văn Thức, Chủ nhiệm HTX DVNN xã cho biết: Tổng diện tích gieo cấy vụ mùa của An Lễ là 290ha, trong đó giống lúa ngắn ngày năng suất cao như BC15, TBR1, TBR45, QR1 chiếm 70% diện tích, còn lại là các giống ngắn ngày chất lượng cao như Bắc thơm 7 kháng bạc lá, RVT, nếp các loại… HTX đã sâu sát, tích cực chỉ đạo người dân hoàn thành gieo cấy, kết thúc gọn trong khung thời vụ. Hiện nay, toàn bộ diện tích lúa mùa trong xã phát triển tốt, đồng đều, đang trong giai đoạn đẻ nhánh đến đẻ nhánh rộ. Để lúa mùa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do các đối tượng sâu bệnh và các đối tượng khác gây ra, HTX tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn trên hệ thống loa truyền thanh xã, tới các cơ sở thôn và bà con nông dân về biện pháp chăm sóc lúa cũng như cách phòng, trừ sâu bệnh. Thường xuyên theo dõi sự sinh trưởng của lúa, dự kiến thời gian sâu bệnh bùng phát cũng như biện pháp phòng trừ kịp thời. Chỉ đạo các tổ nông giang điều tiết nước hợp lý, đầy đủ, vệ sinh toàn bộ hệ thống mương máng cấp III, giải tỏa vật cản dòng chảy để dẫn nước thuận lợi. HTX liên kết với các công ty vật tư nông nghiệp có uy tín, cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho bà con, bảo đảm chất lượng, giá thành hợp lý giúp bà con yên tâm sản xuất. Triển khai, hướng dẫn bà con bón thúc sớm, thúc tập trung bằng phân NPK chuyên dùng, nếu bón đơn phải bảo đảm đủ lượng kali từ 5 - 7kg/sào để hạn chế sâu bệnh và bệnh bạc lá cuối vụ. Đối với diện tích lúa gieo thẳng, khi cây lúa được 1,5 - 2 lá tiến hành điều chỉnh mực nước ngập chân lúa, bón nhử, khi lúa được từ 2,5 - 3,5 lá sẽ tiến hành tỉa dặm và bón thúc. Đối với diện tích làm đất muộn hoặc rạ chưa phân hủy hết, trong điều kiện thời tiết nắng nóng thường bị ngộ độc hữu cơ gây vàng lá, đen rễ, cây lúa kém phát triển, tiến hành rắc từ 10 - 15kg vôi bột/sào, bón bổ sung từ 7 - 10kg lân/sào, kết hợp làm cỏ, sục bùn và dùng các chất kích thích sinh trưởng hoặc siêu lân phun qua lá. Đồng thời, HTX  tổ chức cấp phát thuốc diệt chuột cho bà con, hướng dẫn cách rải bả và đặt cạm bẫy thường xuyên để hạn chế tối đa chuột cắn phá, gây hại trên lúa. Bà con xã viên cần thường xuyên thăm đồng, thu gom vỏ ốc và trứng ốc bươu vàng, nếu mật độ từ 3 - 5 con/m2 trở lên dùng thuốc hóa học rắc hoặc phun để diệt trừ. Trong thời gian tới, Ban quản trị HTX cùng tổ bảo vệ thực vật tiếp tục theo dõi sát tình hình sâu bệnh, nhất là đối với sâu đục thân để hướng dẫn bà con xã viên phòng, trừ kịp thời. Dự kiến khoảng ngày 25/9 diện tích lúa mùa trà sớm sẽ cho thu hoạch và sẽ thu hoạch đại trà vào khoảng ngày 10/10.

Ông Đinh Bá Toản, thôn Đồng Bằng cho biết: Vụ mùa năm nay, gia đình tôi cấy 4 sào lúa BC15, hiện nay lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của HTX, tôi bón lót trước cấy và bón thúc bằng phân NPK chuyên dùng sau cấy; đồng thời thường xuyên thăm đồng, rắc thuốc diệt ốc bươu vàng kết hợp bắt thủ công và quây nilon để ngăn chuột. Nếu thời tiết thuận lợi, dự kiến năng suất vụ này của gia đình tôi vào khoảng 2,3 - 2,5 tạ/sào.

Phạm Huế

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày