Thứ 6, 02/08/2024, 09:17[GMT+7]

Thái Thụy bước chuyển tập quán canh tác

Thứ 3, 18/08/2015 | 08:52:40
993 lượt xem
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở Thái Thụy từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, trong đó lĩnh vực trồng trọt tăng trưởng 3,07%/năm. Nhằm nâng cao giá trị trên diện tích canh tác, huyện tăng cường các giải pháp đồng bộ nhằm thay đổi tập quán canh tác, hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Nông dân xã Thái An (Thái Thụy) thu hoạch khoai tây.

Đã 2 vụ nay, chị Lê Thị Vân ở thôn An Ninh, xã Thụy Bình, huyện Thái Thụy sản xuất lúa giống cho Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình. Vụ xuân năm 2015, cấy 1,4 mẫu lúa giống BC15, chị bán cho Công ty 3 tấn, thu về trên 20 triệu đồng. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt một nắng hai sương của chị khi lợi nhuận thu được tăng 30% so với cấy lúa thông thường. Nông sản làm ra được Công ty về tận nơi thu mua, tạo sự yên tâm, phấn khởi nên vụ mùa năm nay chị mượn thêm ruộng cấy 1,9 mẫu lúa giống.

Từ vụ xuân năm 2014, HTX DVNN xã Thụy Bình đã quy hoạch cánh đồng mẫu diện tích 50ha chuyên sản xuất lúa giống. Sau 1 năm thí điểm mang lại hiệu quả rõ nét, do vậy diện tích đã được mở rộng gấp đôi ban đầu. Tuy nhiên, tiếp cận với phương thức sản xuất hàng hóa không phải việc đơn giản. Để giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác, đi đôi với tuyên truyền, vận động, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, Thụy Bình còn đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng cho vùng cánh đồng mẫu, nhờ đó việc điều hành sản xuất có nhiều thuận lợi. Trên diện tích hơn 100ha được áp dụng công thức “3 cùng”: cùng giống, cùng đồng, cùng thời gian, việc điều tiết nước và chăm sóc thuận lợi hơn nhiều so với trước, lúa chín tập trung nên có thể ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch, giảm chi phí nhân công, tăng hiệu quả, từng bước hiện thực hóa mối liên kết “4 nhà”.

Trên cánh đồng các thôn Lễ Thần Đông, Lễ Thần Đoài (xã Thái An, huyện Thái Thụy), lúa mùa lên xanh mơn mởn. Thay vì duy trì 2 vụ lúa như trước đây, năm 2015, nông dân nơi đây đã đột phá trồng 1 vụ khoai tây xuân, tiếp đó luân canh đỗ xanh. Như vậy, thời gian tương đương 1 vụ lúa đã sản xuất được 2 vụ màu, giá trị gấp 2 - 3 lần so với cấy lúa. Động lực giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất là việc liên kết trồng khoai tây giống mà những năm trước đây họ chưa được tiếp cận. Trên diện tích 6,4ha, ngoài để lại làm giống cho vụ sau, nông dân Thái An bán cho Công ty An Việt 42 tấn khoai tây giống, thu về trên 250 triệu đồng. Ông Phạm Quang Học, Bí thư Chi bộ thôn Lễ Thần Đoài cho biết: “Để chuyển đổi thành công, Ban Chi ủy, Chi bộ đã tập trung triển khai, phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình, các tổ chức đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, giúp họ thấy được hiệu quả”.

Nhằm chuyển dần sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, UBND huyện Thái Thụy đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, tổ chức hội nghị, hội thảo, tham quan mô hình, tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phân công cán bộ phụ trách các xã, thị trấn chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xây dựng mô hình cánh đồng mẫu gắn với xây dựng nông thôn mới. Ngành Nông nghiệp kêu gọi, liên kết với các doanh nghiệp ký kết chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung ứng sản phẩm đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra, giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Đến nay, Thái Thụy đã liên kết với 4 công ty chuyên thu mua lương thực, 3 doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cây màu và 4 công ty chuyên cung ứng vật tư nông nghiệp. Cũng từ liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, toàn huyện đã xây dựng được 28 cánh đồng mẫu với diện tích 3.670ha. Nếu như bước đầu mới hình thành 6 mô hình cánh đồng mẫu, chủ yếu sản xuất lúa giống thì đến nay, nhiều địa phương đã xây dựng cánh đồng mẫu chuyên thâm canh cây màu. Ngoài duy trì các cây màu truyền thống như thuốc lào, hành, tỏi, dưa bí các loại, diện tích cây màu có giá trị kinh tế cao được mở rộng là dưa chuột bò, khoai tây Atlantic, khoai tây ruột vàng, cải bắp, súp lơ, ớt… Giá trị sản xuất bình quân trên 1ha canh tác ước đạt 120 triệu đồng.

Nhằm khuyến khích nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, Thái Thụy tiếp nhận và phân bổ kinh phí tỉnh hỗ trợ (6 tỷ đồng) xây dựng cơ sở hạ tầng và giống cây trồng cho diện tích cánh đồng mẫu. Đồng thời, đầu tư 700 triệu đồng khuyến khích nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu nhằm tạo ra giá trị sản xuất hàng hóa. Từ việc xây dựng cánh đồng mẫu, mối liên kết “4 nhà” ngày càng chặt chẽ, mang lại hiệu quả rõ nét.

Thời gian tới, Thái Thụy chú trọng quy hoạch sản xuất nông nghiệp, khuyến khích tích tụ ruộng đất để hình thành vùng chuyên canh nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực cung cấp cho thị trường và phục vụ chế biến. Quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm, tiếp cận và mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật cho nông dân, chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chủ động trong liên kết “4 nhà”, tạo động lực thúc đẩy sản xuất phát triển.

Hoàng Hương
(Đài Truyền thanh Thái Thụy)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày