Thứ 2, 05/08/2024, 13:21[GMT+7]

Các địa phương tích cực phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa

Thứ 5, 27/08/2015 | 20:35:08
746 lượt xem

Nông dân Thái Thụy phun thuốc trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa.

* Sáng ngày 27/8, UBND huyện Thái Thụy tổ chức triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ thu, đông năm 2015 và biện pháp bảo vệ lúa mùa tới các xã, thị trấn.

Theo kế hoạch, Thái Thụy sẽ tiến hành tiêm vắc-xin đồng loạt cho đàn gia súc, gia cầm trên phạm vi toàn huyện. Thời gian tiêm phòng từ 10/9 - 25/9/2015 với hình thức tiêm cuốn chiếu theo từng thôn, xóm hoặc tiêm đồng loạt trên địa bàn xã; trong đó đàn trâu, bò, chó, mèo có thể tiêm tập trung. Lưu ý, không tiêm phòng quá 3 mũi vắc-xin khác nhau trong cùng thời điểm cho một đối tượng vật nuôi.

Về biện pháp bảo vệ lúa mùa, các địa phương cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng để theo dõi diễn biến của dịch bệnh, đặc biệt là đối tượng sâu đục thân 2 chấm, sâu cuốn lá nhỏ. Kết hợp biện pháp chăm sóc lúa mùa như giữ nước trong ruộng để tăng hiệu quả phòng trừ, hạn chế bón đạm đơn để nuôi đòng, hạt, không sử dụng các loại phân qua lá và chất kích thích sinh trưởng. Để phòng, trừ sâu đục thân 2 chấm, huyện phát động chiến dịch phun phòng, trừ từ ngày 4 - 7/9/2015 trên 100% diện tích lúa mùa.

* Thời tiết thuận lợi, 8.200ha lúa mùa của nông dân Vũ Thư trỗ sớm và tập trung hơn so với vụ mùa năm ngoái, hiện lúa trong giai đoạn làm đòng đến trỗ bông. Kết quả kiểm tra đồng ruộng của Trạm Bảo vệ thực vật huyện, sâu đục thân 2 chấm xuất hiện với mật độ diện rộng. Sâu non nở dàn trải tạo thành nhiều cao điểm nhỏ, nếu không phòng trừ kịp thời có thể gây hiện tượng bông bạc với trà lúa trỗ trước ngày 15/9 và thui đòng trà lúa trỗ sau ngày 20/9, tập trung ở các xã Duy Nhất, Vũ Tiến, Vũ Đoài, Xuân Hòa, Việt Hùng… Cùng với sâu đục thân, rầy lứa 6 xuất hiện với mật độ trung bình từ 30 - 50 con/m2, cá biệt 2.000 - 3.000 con/m2 ở một số diện tích lúa xã Vũ Vinh, Vũ Vân, Trung An, Tân Phong… Dự báo rầy nở rộ từ 15/9 đến đầu tháng 10, gây cháy lúa thời điểm xung quanh 20/9 trở đi.

Vũ Thư chỉ đạo nông dân tăng cường áp dụng các biện pháp tổng hợp để phòng, trừ sâu bệnh. Khuyến cáo bà con tuyệt đối không bón đạm đơn thời kỳ nuôi đòng, nuôi hạt và các loại phân qua lá, kích thích sinh trưởng khi sâu bệnh đang phát sinh gây hại. Đối với sâu đục thân 2 chấm, khoanh vùng xử lý cục bộ trước với các vùng có mật độ sâu cao. Từ ngày 3 - 7/9 tiến hành phun thuốc phòng trừ sâu đục thân cho 100% diện tích bằng các thuốc như Prevathon 5SC, Vitako 40WWG, Tasodant 600EC. Sau 7 ngày phun phòng, nếu hiệu quả thấp phải tiến hành phun kép lần hai. Đối với rầy nâu, khẩn trương khoanh vùng các ổ rầy từ 800 con/m2 trở lên và dùng các thuốc lưu dẫn nội hấp như Penalty 40WP, Actara 25WG, Midan 10WP để phun phòng trừ. Vận động nông dân thường xuyên bám sát đồng ruộng, chủ động phòng, trừ các loại sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá, khô vằn có thể phát sinh và chủ động diệt chuột nhằm bảo vệ an toàn lúa mùa.

* Vụ mùa năm 2015, huyện Kiến Xương gieo cấy 11.400ha lúa mùa. Hiện nay, lúa đang ở giai đoạn phân hóa đòng, dự kiến trỗ bông tập trung từ ngày 10 - 20/9. Trên đồng ruộng hiện xuất hiện các đối tượng sâu bệnh gây hại: sâu đục thân 2 chấm có mật độ cao hơn mọi năm, có nguy cơ gây hại nặng vào giai đoạn lúa trỗ bông; bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn đã xuất hiện và có xu hướng gia tăng (toàn huyện có khoảng 1.500 ha nhiễm bệnh); rầy có mật độ cao dự kiến, nở rộ từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10, có thể gây cháy lúa nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời;

Trước tình hình sâu bệnh gây hại diễn biến phức tạp, huyện Kiến Xương chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp chăm sóc và bảo vệ lúa mùa; hướng dẫn nông dân phun thuốc phòng trừ sâu đục thân 2 chấm, bệnh bạc lá, rầy và các đối tượng sâu bệnh khác theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Riêng đối với sâu đục thân 2 chấm, Kiến Xương phát động chiến dịch phun thuốc trên toàn bộ diện tích lúa mùa từ ngày 3 - 7/9. Huyện chỉ đạo trưởng các phòng, ban của huyện phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng theo dõi sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh, phát hiện sớm để phòng trừ kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

* Vụ mùa năm 2015, xã Minh Hưng (Kiến Xương) gieo cấy 240ha, trong đó khoảng 80% diện tích lúa BC15, còn lại là các giống chất lượng cao… Đến thời điểm này, lúa mùa sinh trưởng, phát triển tốt, đang trong giai đoạn làm đòng, dự kiến lúa trỗ trong khoảng 10/9.

HTX DVNN xã chỉ đạo nông dân phun thuốc phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ kết hợp phòng, trừ bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn. Dự kiến sẽ có đợt sâu đục thân nở rộ khoảng đầu tháng 9, HTX khuyến cáo bà con tích cực kiểm tra, theo dõi sát tình hình sâu bệnh để có các biện pháp phòng, trừ kịp thời, tránh để ảnh hưởng tới năng suất lúa. Tăng cường các biện pháp diệt chuột: đánh bả, bắt thủ công, dùng mồi sinh học, quây nilon quanh ruộng lúa để bảo vệ an toàn lúa mùa.

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày