Chủ nhật, 18/05/2025, 17:22[GMT+7]

Chi cục Thú y Nỗ lực cho một năm an toàn dịch bệnh

Thứ 5, 03/09/2015 | 14:16:04
753 lượt xem
Từ đầu năm đến nay, sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản của tỉnh được duy trì ổn định; cơ cấu chăn nuôi chuyển dịch theo hướng gia tăng quy mô chăn nuôi hàng hóa. Góp phần vào kết quả trên có sự vào cuộc tích cực của Chi cục Thú y tỉnh, sớm tổ chức thực hiện kế hoạch tiêm phòng, cung ứng vắc-xin đầy đủ, bảo đảm chất lượng, số lượng và chủng loại.

Tiền Hải làm tốt công tác thú y tại các gia trại.

 

Đến tháng 4/2015, tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh gồm 1.013.300 con lợn, 11.222.000 con gia cầm và 47.408 con trâu, bò. Trên địa bàn tỉnh chỉ xuất hiện rải rác các bệnh thông thường ở phạm vi hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các ca bệnh khi phát sinh đều được hệ thống thú y cơ sở hướng dẫn các biện pháp xử lý kịp thời, không để bệnh lây lan. Chi cục Thú y đã cung ứng 50.000 liều vắc-xin cúm H5N1, 30.500 liều vắc-xin phòng các bệnh: Niu-cát-xơn, Gumboro, tụ huyết trùng, dịch tả vịt, đậu gà và hướng dẫn người dân cách sử dụng các loại vắc-xin trên. 6 tháng đầu năm, hệ thống thú y cơ sở đã thực hiện tiêm phòng các bệnh “đỏ” cho đàn lợn tăng trung bình 15,95% (tính chung cho cả 3 loại vắc-xin) so với cùng kỳ năm 2014. Tại các trang trại, hộ chăn nuôi, người chăn nuôi đã tự tiêm phòng cho đàn lợn với vắc-xin dịch tả tiêm được 144.748 con, vắc-xin tụ dấu đạt 77.677 con và vắc-xin phó thương hàn là 92.471 con. Ngoài ra, chủ trang trại chủ động tiêm phòng các loại vắc-xin khác như giả dại, suyễn,... cho 119.365 con lợn. Cùng với đó, toàn tỉnh đã tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng cho 196.056 con lợn và 30.329 con trâu, bò, dê, tăng 19,73% so với cùng kỳ năm 2014. Việc tiêm phòng vắc-xin tụ huyết trùng trâu, bò; tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó, mèo cũng được Chi cục Thú y chỉ đạo, thực hiện tốt. Đánh giá chung, tỷ lệ tiêm phòng đợt đại trà so với tổng đàn trong diện tiêm phòng đạt 93% đối với vắc-xin các bệnh “đỏ” ở lợn; vắc-xin lở mồm long móng đạt 94,54% đối với đàn lợn nái, đực giống và đàn trâu, bò, dê đạt 93,13%. Công tác tiêm phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm diễn ra an toàn, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, vắc-xin được sử dụng đúng mục đích, chưa phát hiện có vi phạm trong việc quản lý vắc-xin hỗ trợ của tỉnh.

 

Trong nuôi trồng thủy sản, từ tháng 4 đến tháng 6/2015, dịch đốm trắng ở tôm được phát hiện tại 5 xã của 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải. Toàn bộ diện tích 640 ao nuôi có tôm chết của 393 hộ đều được xử lý hóa chất Chlorine nồng độ 30 ppm và giữ nước trong bảo đảm thời gian từ 7 - 10 ngày. Tháng 7/2015, phát hiện hiện tượng ngao chết tại 2 xã Thái Đô, Thụy Trường của huyện Thái Thụy, Chi cục Thú y đã kiểm tra và lấy 2 mẫu gửi đi xét nghiệm, đồng thời hướng dẫn các biện pháp xử lý hiện tượng ngao chết theo quy định.

 

Trong thời gian tới, Chi cục Thú y sẽ tăng cường phối hợp với Báo Thái Bình, Đài Phát thanh Truyền hình Thái Bình, các đài truyền thanh huyện, xã; các tổ chức, đoàn thể, các hội liên quan tích cực đưa tin, bài, phóng sự tuyên truyền về công tác tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời, triển khai tổ chức tốt các đợt tiêm phòng, tăng cường giám sát dịch bệnh, giám sát sau tiêm phòng vắc-xin và giám sát vi rút; thường xuyên thực hiện tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và đẩy mạnh hướng dẫn chăn nuôi an toàn, thực hiện kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

 

Phan Lợi

 

 

Nông dân cần biết

 

Hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa

 

Sâu đục thân 2 chấm:

 

Từ ngày 3 - 7/9 năm 2015 trên đồng ruộng có đợt sâu đục thân 2 chấm nở rộ, nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời và hiệu quả sâu đục thân 2 chấm sẽ gây bông bạc làm ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất lúa mùa. Để đảm bảo an toàn sâu bệnh trên đồng ruộng Chi cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn một số biện pháp phòng trừ như sau:

 

1. Thời gian tổ chức phòng trừ sâu đục thân: Từ ngày 3 - 07/9/2015.

 Diện tích lúa trỗ sớm phun đầu lịch, diện tích lúa trỗ muộn phun cuối lịch, những nơi có mật độ ổ trứng sâu đục thân cao 0,5 ổ/m2 trở lên phải phun kép lại lần 2 sau phun lần 1 từ 5 - 7 ngày.

 

2. Diện tích phòng trừ: Cho 100% diện tích lúa mùa trỗ bông từ đầu tháng 9 trở đi.

 

3. Thuốc dùng và liều lượng sử dụng. Dùng một trong các loại thuốc sau:

- Thuốc Dupon Prevathon 5SC: Pha15ml thuốc với 20 lít nước phun đều cho 1 sào.

- Thuốc Vitarko 40WG: Pha 3 gam thuốc với 20 lít nước phun đều cho 1 sào.

- Thuốc Tasodant 600 EC: Pha 40ml thuốc với 20 lít nước phun đều cho 1 sào.

- Thuốc  Victory 585 EC : Pha 50ml thuốc với 20 lít nước phun đều cho 1 sào.

- Thuốc  Voliam targo 063SC: Pha15ml thuốc với 20 lít nước phun đều cho 1 sào.

- Thuốc Wovotox 585 EC: Pha 50ml thuốc với 20 lít nước phun đều cho 1 sào.

 

Bệnh bạc lá: Tuyệt đối không bón đạm đơn, nuôi đòng nuôi hạt, không sử dụng các loại phân qua lá và chất kích thích sinh trưởng.

 

- Tại các vùng bị nhiễm bệnh, các giống có nguy cơ bị bệnh cao, nhất là sau các đợt mưa giông, khuyến cáo nông dân sử dụng một trong các loại thuốc sau để phòng chống bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Thuốc Xanthomix 20WP, thuốc Kasumin 2L, thuốc LoBo 8WP, thuốc Ychatot 900SP, thuốc Staner 20WP, thuốc Visen 20SC, thuốc K.susai 50WP, thuốc Totan 200WP.

 

Rầy các loại:

 

Trừ các ổ rầy có mật độ rầy từ 800 con/m2 trở lên bằng một trong các loại thuốc nội hấp lưu dẫn như: Thuốc Penalty 40WP, thuốc Actara 25WG, thuốc Midan 10WP, Thuốc Oshin 100SL, thuốc Sutin 5EC; thuốc Chersieu 50 WG.

 

Kỹ thuật pha thuốc và phun thuốc:   

Các loại thuốc trước khi phun cần được pha đều trong chai 0,5 - 1 lít đậy nắp, lắc đều cho tan sau đó mới cho vào trong bình và pha thêm nước cho đủ lượng nước thuốc cần phun. Khi phun thuốc phải đi xuôi theo chiều gió, đi chậm phun kỹ các tầng lá lúa. Ở giai đoạn lúa trỗ phải phun thuốc sau 15 giờ chiều, sau phun thuốc trong vòng 3 giờ nếu gặp mưa phải phun lại ngay theo đúng nồng độ hướng dẫn.

Lưu ý: Ruộng phải có nước hiệu quả phòng trừ mới cao.

 

Chi cục Bảo vệ thực vật Thái Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày