Thứ 3, 20/05/2025, 07:10[GMT+7]

Các địa phương chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa

Thứ 6, 11/09/2015 | 21:04:44
795 lượt xem

Nông dân Quang Bình (Kiến Xương) phun trừ sâu đục thân hai chấm.

*Từ ngày 3 - 7/9, toàn tỉnh đã tổ chức phun trừ sâu đục thân hai chấm và một số đối tượng sâu bệnh gây hại khác cho gần 80.000ha lúa mùa, trong đó hai huyện Quỳnh Phụ và Tiền Hải nông dân tập trung phun trừ trong hai ngày 1 và 2/9, còn lại các huyện khác, nông dân tập trung phun trừ từ ngày 4 - 6/9. Nhìn chung, nông dân chấp hành tốt lịch chỉ đạo phun phòng trừ sâu bệnh của tỉnh.

Tuy nhiên, theo điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật, hiện nay, trên đồng ruộng tại một số vùng ổ trứng sâu đục thân hai chấm mật độ vẫn còn rất cao: trên 0,5 ổ/m2, cá biệt 1 - 2 ổ/m2, như ở một số xã của các huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Vũ Thư… Trong khi đó, từ ngày 5 - 7/9 sâu đục thân trưởng thành tiếp tục vũ hóa và đẻ trứng, do vậy lượng trứng trên đồng ruộng vẫn còn gia tăng trong những ngày tới. Những vùng lúa trỗ bông muộn do tính chất dồn mật độ nên khả năng gây hại của sâu đục thân là rất lớn. Các đối tượng sâu bệnh khác như sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn cổ bông, rầy gia tăng, có khả năng gây hại.

Để bảo đảm an toàn cho lúa mùa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương tổ chức phun trừ triệt để sâu đục thân 2 chấm từ ngày 11 - 13/9 cho trà lúa trỗ sau ngày 10/9 ở những vùng có mật độ cao. Diện tích phòng trừ toàn tỉnh khoảng 22.000ha. Diện tích lúa trỗ bông sau ngày 10/9 chủ động phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trên giống nhiễm; từ sau ngày 15/9 chủ động theo dõi sát sự phát sinh, phát triển của rầy trên đồng ruộng, phòng trừ ở những vùng có mật độ cao trên 1.500 con/m2 đối với vùng lúa trỗ bông xong, 800 con/m2 đối với lúa chưa trỗ, phun trừ rầy ở tuổi 1 đến tuổi 3.

* Đến nay, lúa mùa của huyện Đông Hưng đã trỗ được 7.500ha, dự kiến đến ngày 15/9 lúa trỗ trên 11.000ha và đến ngày 20/9 lúa cơ bản trỗ xong. Thời gian qua, nông dân các địa phương trong huyện đã tích cực thực hiện có hiệu quả công tác phòng trừ sâu bệnh, tuy nhiên, qua kiểm tra, mật độ sâu đục thân hai chấm vẫn còn cao, bệnh đạo ôn cổ bông và các đối tượng sâu bệnh khác có nhiều khả năng gây hại nặng cho lúa.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, huyện Đông Hưng yêu cầu các xã chỉ đạo nông dân tiếp tục phun thuốc phòng trừ sâu đục thân hai chấm cho khoảng 4.300ha lúa trỗ sau ngày 10/9. Thời gian phun từ ngày 11 - 13/9; diện tích lúa trỗ sau ngày 15/9 phải phun kép lại từ ngày 17 - 19/9. Kết hợp phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông cho các giống lúa nhiễm bệnh như: BC 15, nếp, Q5… khi lúa trỗ được từ 3 - 5% số bông. Các đối tượng sâu bệnh hại khác phun phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

* Nông dân Vũ Thư vừa hoàn thành đợt phun thuốc phòng trừ sâu đục thân cho gần 8.200ha lúa mùa. Tuy nhiên, qua kiểm tra đồng ruộng, diện tích lúa trỗ sau ngày 10/9, sâu đục thân tiếp tục gây hại, tỷ lệ từ 5 - 10%, cục bộ từ 40 - 50%. Rầy nâu xuất hiện trên diện rộng, cá biệt có ổ rầy từ 2.000 - 3.000 con/m2 có thể gây cháy các diện tích lúa mùa chắc xanh, đỏ đuôi. Điều kiện thời tiết mưa ẩm, nhiệt độ thấp dễ phát sinh bệnh đạo ôn cổ bông, đen lép hạt.

Để bảo vệ an toàn các trà lúa, huyện phát động nông dân tăng cường kiểm tra, tiến hành phun phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Đối với sâu đục thân, sử dụng các loại thuốc như: Prevathon 5SC, Vitarko 40WG phun ở những diện tích lúa đang trỗ bông, diện tích lúa có mật độ sâu cao cần ngắt ổ trứng trước khi phun. Kiểm tra khoanh vùng, phun phòng trừ các ổ rầy khi mật độ từ 20 - 30 con/gốc lúa trở lên. Với diện tích lúa đã chắc xanh, đỏ đuôi dùng một trong các loại thuốc: Penalty gold 50EC, Victory 585EC, Bonus gold 500EC. Diện tích lúa đang trỗ bông, chín sữa dùng các thuốc nội hấp lưu dẫn như Oshin 100SL (20WP), Sutin 5EC, Actara 25WG, Midan 10WP. Kết hợp phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông và đen lép hạt cho trà lúa đang trỗ bông.

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày