Thứ 2, 12/08/2024, 06:35[GMT+7]

Chăn nuôi theo hướng hàng hóa - yếu tố quan trọng để phát triển bền vững

Thứ 3, 15/09/2015 | 09:56:38
590 lượt xem
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất cũng như mở rộng chăn nuôi theo hướng hàng hóa, lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Nông dân xã Thụy Chính (Thái Thụy) phát triển chăn nuôi gia súc. Ảnh: Ngọc Linh

 

Những năm qua, dù gặp nhiều khó khăn song xã Duyên Hải (Hưng Hà) đã cố gắng khắc phục, giành được những thắng lợi khá toàn diện. Chăn nuôi tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người nông dân. Đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm của xã đạt trên 82.200 con, tăng trên 31.300 con so với năm 2010, trong đó đàn lợn trên 14.800 con, tăng 9.100 con so với 5 năm trước, sản lượng thịt hơi bình quân đạt trên 1.000 tấn/năm; đàn trâu bò có 237 con, gia cầm 67.200 con, tăng 22.200 con so với năm 2010. Nếu như cách đây 5 năm, toàn xã mới có 8 trang trại, 72 gia trại thì hiện nay đã xây dựng được 35 trang trại, 90 gia trại. Hàng năm, lĩnh vực chăn nuôi của địa phương đã tạo ra giá trị hàng hóa lớn, chiếm 68% giá trị sản xuất nông nghiệp.

 

Cũng như Duyên Hải, các địa phương ở Hưng Hà đã có những giải pháp thiết thực, phù hợp nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Dấu hiệu đáng mừng là số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay đã giảm nhiều so với trước đây, góp phần đáng kể đưa giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân 5 năm qua của huyện đạt gần 1.200 tỷ đồng, năm 2015 ước đạt 1.300 tỷ đồng, tăng 32,36% so với  năm 2010 và chiếm 43,94% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện.

 

Nhận thấy việc chăn nuôi “tự cung, tự cấp” theo hướng tự phát, manh mún, nhỏ lẻ dễ bị thương lái chi phối, hiệu quả kinh tế bấp bênh, huyện Tiền Hải xác định phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa là hướng đi tất yếu của chăn nuôi hiện đại. Hoạt động chăn nuôi muốn phát triển bền vững thì phải giảm số hộ chăn nuôi, tăng quy mô đàn, chăn nuôi phải mang tính chuyên nghiệp, không dàn trải. Nhờ đó, đến nay, chăn nuôi ở Tiền Hải tiếp tục phát triển mạnh cả về quy mô lẫn số lượng. Hiện nay, đàn trâu, bò của huyện duy trì ổn định trên 6.200 con/năm. Đàn lợn duy trì 143.000 con/năm. Toàn huyện có 40 trang trại, 1.654 gia trại chăn nuôi tập trung. Kinh tế trang trại đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa giá trị sản xuất chăn nuôi tăng bình quân 6,8%/năm. Năm 2015, giá trị sản xuất chăn nuôi của Tiền Hải ước đạt trên 284 tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với năm 2010.

 

Những năm qua, sản xuất chăn nuôi trong tỉnh được đầu tư bài bản, trình độ người chăn nuôi được nâng lên, năng suất tăng cao, giá thành có sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc chủ động trong sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ bền vững dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường, tránh sản xuất ồ ạt đã góp phần phát triển chăn nuôi hàng hóa, tạo điều kiện để người chăn nuôi không bị ảnh hưởng khi có những đợt giảm giá sâu của quy luật thị trường. Nhờ tập trung phát triển trang trại, gia trại quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tích cực nghiên cứu, chọn lựa, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng thịt cao vào sản xuất, tích cực ứng dụng và chuyển giao công nghệ chăn nuôi tiên tiến như công nghệ chăn nuôi kiểu chuồng khép kín, đệm lót sinh học, quy trình Việt GAHP..., đến nay, toàn tỉnh có 700 trang trại, 16.000 gia trại, trong đó có 69 trang trại quy mô lớn, tăng 37 trang trại so với năm 2010. Thực hiện tái cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng nhanh đàn gia cầm, giảm đàn lợn F1, tăng đàn lợn F2, F3 và đàn lợn ngoại nên mặc dù tổng đàn gia súc, gia cầm tăng không nhiều nhưng năm 2014 giá trị sản xuất chăn nuôi đạt gần 8.000 tỷ đồng, tăng 29,89% so với năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân 5,4%/năm.

 

Trong bối cảnh cạnh tranh của thực phẩm ngoại nhập, chăn nuôi theo hướng hàng hóa rất cần sự vào cuộc tích cực từ phía ngành chuyên môn và chính quyền các cấp. Trong đó, việc phát triển các khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hoàn thiện các khâu kiểm soát, chứng nhận chất lượng cho sản phẩm chăn nuôi cần được quan tâm, chú trọng để không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong nước mà còn vươn ra thị trường thế giới, góp phần đưa chăn nuôi phát triển bền vững.

 

Ngọc Mai

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày