Thứ 3, 13/08/2024, 00:15[GMT+7]

Bình Định: Hiệu quả từ liên kết sản xuất lúa giống

Thứ 4, 23/09/2015 | 08:51:37
954 lượt xem
Là xã thuần nông ở phía Nam huyện Kiến Xương, những năm qua, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, chính quyền, HTX DVNN xã Bình Định hoạt động khá hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Một trong những khâu dịch vụ tiêu biểu của HTX là liên kết với Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình tổ chức sản xuất, tiêu thụ lúa giống cho bà con nông dân, góp phần giúp nông dân nâng cao thu nhập, yên tâm sản xuất.

Mô hình sản xuất lúa giống BC15 tại xã Bình Định (Kiến Xương).

Bình Định có diện tích đất tự nhiên trên 922ha, trong đó đất nông nghiệp là 627,7ha. Để phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, những năm qua, HTX DVNN xã đã mở rộng và nâng cao chất lượng phục vụ các dịch vụ, trong đó chú trọng ưu tiên phát triển dịch vụ bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Ông Trần Thanh Sơn, Chủ nhiệm HTX cho biết: Người nông dân với những thửa ruộng manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, thông tin thị trường hạn chế nên sản phẩm làm ra luôn bị ép giá, thường rơi vào cảnh "được mùa, mất giá", khi được giá lại không có nông sản để bán. Trước thực tế đó, từ năm 2008, HTX đã liên kết với Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình theo hình thức hợp đồng bao tiêu sản phẩm có ứng trước giống lúa gốc. Để chương trình hợp tác đạt hiệu quả cao, HTX đã chủ động phối hợp vận động nông dân tham gia quy hoạch vùng sản xuất giống tập trung, đồng thời làm cầu nối ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, tổ chức tập huấn quy trình sản xuất đến tận địa bàn thôn, xóm, cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với Công ty đứng chân trên từng cánh đồng, theo dõi hướng dẫn nông dân từ khâu gieo mạ đến khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Một vấn đề luôn được nông dân trăn trở đó là vốn sản xuất cũng được giải tỏa khi họ được ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến cuối vụ mới phải thanh toán. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nông dân được mắt thấy, tai nghe hiệu quả của mô hình liên kết nên bà con đăng ký tham gia sản xuất lúa giống nhiều hơn. Nếu như năm 2008 toàn xã mới có 80 hộ tham gia với diện tích 15ha thì đến năm 2014 địa phương đã quy hoạch được 300ha với gần 2.000 hộ tham gia sản xuất lúa giống. Tổng sản lượng đã tiêu thụ cho bà con nông dân đạt 2.100 tấn. Việc quy hoạch vùng sản xuất cấy cùng một loại giống và thu hoạch cùng thời điểm là ưu điểm giúp HTX thuận lợi trong công tác điều hành nước, phòng trừ sâu bệnh và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, giảm chi phí đầu tư cho nông dân. Riêng năm 2014, HTX đã tổ chức bao tiêu được 930 tấn thóc giống cho nông dân, tăng giá trị lợi nhuận cho nông dân 3,6 tỷ đồng.

Gia đình ông Trần Văn Nghệ ở thôn Công Bình có 7,5 sào ruộng. Từ năm 2012, gia đình ông tham gia sản xuất lúa giống cho Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình. Mỗi vụ, gia đình ông đều gieo cấy 5 sào cung ứng thóc giống cho Công ty. Theo ông, cấy lúa giống trong vùng quy hoạch được bảo đảm điều tiết nước, cũng như việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Nhờ đó lúa phát triển, sinh trưởng đồng đều, cộng với việc doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn lúa thịt nên mỗi vụ trừ chi phí gia đình ông thu lãi từ 6 - 7 triệu đồng. Với nguồn cung ứng giống khá dồi dào, dự kiến năm 2015, HTX sẽ cùng Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình giúp bà con tiêu thụ trên 1.000 tấn lúa giống. Hiệu quả thiết thực từ mô hình là nền tảng để HTX tiếp tục mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng giá trị sản phẩm cho nông dân, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Ngọc Mai

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày