Thứ 3, 23/07/2024, 22:30[GMT+7]

Đổi thay trên những cánh đồng vàng

Thứ 6, 31/12/2010 | 16:30:10
2,372 lượt xem
Đông Hưng được đánh giá là vựa lúa của tỉnh Thái Bình. Những năm qua, Đông Hưng không chỉ vượt trội về năng suất lúa mà còn là huyện có sự chuyển biến mạnh về thay đổi cơ cấu giống, thời vụ, phương thức gieo sạ và từng bước cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Bước thay đổi này thực sự đã mang lại những cánh đồng vàng bội thu.

Máy làm đất trên cánh đồng xã Đông Sơn - Đông Hưng. Ảnh: Thành Tâm

Vượt qua những thách thức từ tập quán gieo cấy giống lúa dài ngày, từ phương thức canh tác lạc hậu của nông dân, cũng như những bất lợi về thời tiết, về sâu bệnh... năng suất lúa ở huyện vẫn luôn đạt trung bình 125-130tạ/ha.

Riêng năm 2009, năng suất lúa đạt bình quân cao nhất từ trước đến nay với 137,2 tạ/ha. Có thể nói bước chuyển biến lớn nhất được đánh dấu từ vụ xuân năm 2008. Đợt rét đậm, rét hại kéo dài 40 ngày liên tục đã khiến cho Đông Hưng trở thành  huyện bị thiệt hại đầu tiên và cũng là huyện có diện tích lúa chết cao nhất tỉnh với 9.801,4ha.

Do khắc phục bằng cách hướng dẫn bà con nông dân gieo mạ bằng giống ngắn ngày cho kịp thời vụ. Diện tích lúa xuân ngắn ngày của Đông Hưng lên tới 8.998 ha, chiếm 71,8% tổng diện tích gieo cấy. Đây là  tỷ lệ đạt cao nhất so với những năm trước đó (năm 2005:22,5%; 2006:45,7%; 2007:50,2%).

Như vậy, từ một huyện chủ yếu cấy giống lúa dài ngày, Đông Hưng đã vươn lên là huyện thực hiện tốt việc thay đổi cơ cấu giống lúa với kết quả năng suất đạt cao nhất tỉnh 70,64tạ/ha, tăng 12,24 tạ/ha so với năm 2007. Kết quả này đã tạo niềm tin, nâng cao nhận thức của người dân về việc chuyển đổi cơ cấu giống.

Vì thế, năm 2010, toàn huyện đã có trên 3000ha diện tích gieo cấy giống ngắn ngày bằng phương pháp gieo vãi, gieo bằng công cụ xạ hàng, tăng 1.247 ha so với vụ xuân năm 2008 với 49 công cụ sạ hàng, năng suất đạt bình quân 71,75tạ/ha. Điển hình trong lĩnh vực này là xã Hợp Tiến.

Mấy năm qua Hợp Tiến đều thực hiện gieo cấy từ 95 -100% diện tích giống ngắn ngày, (tăng 70-80% so với năm 2005). Trong đó, lúa chất lượng gạo cao chiếm trên 50%, chủ yếu là các giống BC15, hương thơm, bắc thơm. Nét mới đối với Hợp Tiến trong 2 năm vừa qua là người dân đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ  không chỉ ở cơ cấu giống mà còn đưa được dụng cụ sạ hàng vào gieo thẳng trên diện tích của cả 5 thôn.

Để có được kết quả này, Hợp Tiến đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai tập huấn tới cán bộ, hội viên của các ban, ngành, cán bộ thôn, các chi hội.

Đồng thời, chỉ đạo cán bộ trực tiếp xuống đồng ruộng hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật gieo sạ và quy vùng để chuẩn bị tốt cho công tác điều tiết nước. Theo chủ nhiệm HTXDVNN thì người dân Hợp Tiến rất phấn khởi và ủng hộ chủ trương này vừa tiết kiệm được thời gian, gieo lại đều hơn. Do đó, mấy vụ xuân vừa qua, Hợp Tiến đều duy trì được phương pháp gieo thẳng từ 70-80% diện tích với trên 20 máy.

Sự chuyển biến tích cực còn thể hiện trong sản xuất vụ mùa với 100% diện tích mùa trà sớm, 100% diện tích thực hiện phương pháp giữ lấm khi gặt lúa xuân, gặt đến đâu độn rạ ngay đến đó để tạo thuận lợi cho sản xuất vụ mùa sớm và chủ động tạo quỹ đất cho trên 100 ha cây vụ đông. Cùng với Hợp Tiến còn rất nhiều xã ở Đông Hưng tạo được bước đột phá về thay đổi cơ cấu giống, thời vụ, phương pháp gieo thẳng như Phú Châu, Đông La, Phong Châu, Mê Linh...

Đặc biệt hơn, trên những cánh đồng lúa ở Đông Hưng, chúng ta còn thường xuyên bắt gặp hình ảnh những chiếc máy cày, máy gặt, máy làm đất được nông dân đưa vào sử dụng đại trà. Cho đến nay, toàn huyện đã có 85 máy cày đa năng (tăng 75 cái) và 28 máy gặt (tăng 20 cái), đó là chưa kể tới hàng trăm chiếc máy cày nhỏ.

Những con số trên đã phần nào chứng minh đồng ruộng Đông Hưng đang từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng mô hình nông thôn mới. Đông Sơn là xã được đánh giá đi đầu trong lĩnh vực này của huyện Đông Hưng. Chủ nhiệm HTXDVNN. Đỗ Văn Quý cho biết: trước năm 1998 đã xuất hiện công cụ làm đất thay thế bằng sức kéo của trâu, bò ở Đông Sơn với 55 chiếc máy cày bé.

Sau đó tiến tới sử dụng 2 máy cày to và từ 2008 đến nay, phát triển lên 8 máy cày đa năng, 40 máy cày nhỏ và 6 máy gặt. Đông Sơn có 6 thôn thì cả 6 thôn các chủ máy cày đều thực hiện dồn đổi ruộng cho nhau để vừa bảo đảm diện tích, kỹ thuật cày, vừa không tốn chi phí xăng dầu. Thôn Trung là thôn điển hình trong khâu làm đất với 4 máy cày to, 5 máy cày nhỏ. Nhiều hộ trong thôn đã kết hợp với nhau mua máy làm chung như hộ anh Đỗ Văn Hà kết hợp với hộ ông Nguyễn Văn Din mua 3 máy cày to, 1 máy cày nhỏ từ năm 1998, trung bình mỗi năm các hộ làm được 37mẫu/máy.

Hay hộ ông Đỗ Văn Thìn mua 2 máy cày to, 1 máy gặt từ năm 2009, hàng năm vừa cày, vừa gặt hàng chục mẫu ruộng cho nông dân, trừ chi phí mỗi năm ông thu lãi trên 60 triệu/máy. Không chỉ ở Đông Sơn mà các xã như Trọng Quan, Đồng Phú cũng đang từng bước đưa máy móc hiện đại vào đồng ruộng.

Có thể khẳng định sự thay đổi từ nhận thức đến hành động của người dân Đông Hưng đã tạo cuộc cách mạng lớn trong sản xuất nông nghiệp. Trên những cánh đồng vàng bội thu, người nông dân vẫn đang dồn sức cho sản xuất, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu mới, từng bước đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Thu Thuỷ
                                             

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày