Thứ 7, 01/06/2024, 16:22[GMT+7]

Thăng trầm nghề nuôi ngao ở Tiền Hải

Thứ 2, 02/11/2015 | 09:01:17
2,690 lượt xem
Với chiều dài bờ biển 23km, nằm giữa hai cửa sông lớn là Trà Lý và Ba Lạt, mỗi năm, bãi biển Tiền Hải đón nhận một lượng phù sa lớn, thực vật và thủy sản biển đa dạng, phong phú, thuận lợi cho nghề nuôi ngao phát triển, mang lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho người dân. Con ngao từng được ví như vàng trắng, nhưng cũng có khi thăng trầm với biển. Tuy vậy, ngao vẫn góp phần quan trọng vào chủ trương phát triển kinh tế biển gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương.

Đã một thời, nghề nuôi ngao ở Tiền Hải được coi là nghề siêu lợi nhuận. Tuy hiện nay ngao không còn mang lại nguồn lợi nhuận lớn như xưa nhưng vẫn là đối tượng nuôi thả không thể thay thế tại các bãi triều ven biển. Với 6 xã vùng biển nuôi ngao, trong đó chỉ tính riêng diện tích nuôi tại xã Đông Minh đã lên đến 317ha với trên 400 hộ nuôi, chủ yếu thuộc hai thôn Minh Châu và Ngải Châu, con ngao vẫn là đối tượng chú trọng của địa phương trong quy hoạch phát triển kinh tế biển. Đánh giá về giá trị kinh tế mà ngao đem lại cho địa phương, ông Tô Xuân Đam, Bí thư Đảng ủy xã Đông Minh cho biết: Đối với Đông Minh, nuôi ngao và nuôi trồng thủy sản nói chung chiếm tỷ trọng 50% cơ cấu kinh tế của xã. Do đó, xã vẫn xác định phát triển nuôi ngao trong phát triển kinh tế biển là hướng chính để giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Trong quá trình nuôi trồng thủy sản những năm qua, ngao đã khẳng định vị thế hơn hẳn trên mọi phương diện so với các loài thủy sản khác. Đặc biệt là từ năm 2009 đến năm 2011, nhiều hộ đã giàu lên, có của ăn của để nhờ nuôi ngao. Nghề nuôi ngao ở Tiền Hải không chỉ mang lại thu nhập cao cho các hộ nuôi mà còn giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, ngao rớt giá, môi trường ô nhiễm, dịch bệnh tăng, nhất là cuối năm 2014 và đầu năm 2015 vừa qua ngao chết khiến người nuôi ngao gặp không ít khó khăn. Nhiều hộ nuôi bị thua lỗ, phải bỏ bãi, chuyển hướng làm ăn khác. Một nguyên nhân cơ bản nữa là khó khăn về thị trường tiêu thụ. Trước kia, khoảng 60 - 65% sản lượng ngao thương phẩm của Tiền Hải được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc, 30% xuất khẩu sang EU và 10% tiêu thụ nội địa. Nhưng từ giữa năm 2012, Trung Quốc ngừng nhập khẩu ngao khiến giá thu mua giảm mạnh, chỉ bằng một nửa so với trước. Hiện ngao chủ yếu là tiêu thụ nội địa và chuyển vào trong miền Nam để xuất sang EU. Thời kỳ cao điểm, giá ngao từ 23.000 - 25.000 đồng/kg, hiện nay giảm còn 9.000 - 10.000 đồng/kg, cá biệt, có thời điểm giá ngao xuống tới 7.000 đồng/kg mà bà con vẫn phải bán cho thương lái vì ngao đã đến thời điểm thu hoạch, để lâu mật độ ngao quá dày có thể làm ngao chết hàng loạt sẽ còn thiệt hại nặng nề hơn.

Chúng tôi cùng ông Trần Văn Xương, người có hơn hai chục năm gắn bó với con ngao trên đất Nam Thịnh ra thăm bãi nuôi thả ngao. Ông bảo, ngày trước, người nuôi ngao chỉ thả trong vòng từ 15 - 18 tháng đã có ngao thương phẩm cho thu hoạch. Nhưng nay, do điều kiện môi trường nuôi kém "màu" nên phải nuôi từ 25 - 30 tháng mới được thu hoạch. Với mỗi ki-lô-gam ngao giống trung bình khoảng 1.000 con, nếu thả sống 70% là thành công. Đến khi thu hoạch 1kg ngao giống sẽ cho thu về 10kg ngao thịt. Trừ tất cả chi phí đầu tư là 50%, còn lại 50% người nuôi ngao hưởng. Ông Xương trao đổi thêm: 1kg ngao giống như giá hiện tại là 28.000 - 30.000 đồng, ngao thịt khoảng 8.000 - 9.000 đồng. Nếu như giá đầu ra và đầu vào ổn định và tiêu thụ ổn định thì có thể người đầu tư nuôi ngao vẫn có thu nhập.

Ngoài các chủ trương của Nhà nước, của tỉnh, của huyện về quy hoạch, về vốn thì vấn đề khuyến khích các thành phần kinh tế tập trung đầu tư cho các cơ sở sản xuất giống ngao ở từng địa phương cũng được quan tâm, chú trọng. Trước kia, ngao giống phải nhập từ miền Nam, có khi từ Trung Quốc, vận chuyển khó khăn, nếu không bảo đảm về kỹ thuật sẽ dẫn đến con giống chết hoặc kém chất lượng. Từ khi ngao giống được sản xuất thành công tại các địa phương của Tiền Hải đã mang lại hướng đi mới trong phát triển kinh tế thủy sản cho nhiều gia đình nơi đây. Do đó, nghề ương ngao giống vẫn mang lại thu nhập cho các cơ sở sản xuất khi mà con ngao vẫn còn được nuôi và phát triển ở Tiền Hải. Ông Vũ Công Đình, chủ cơ sở sản xuất giống thủy sản thôn Ngải Châu, xã Đông Minh cho biết: Cơ sở chúng tôi sản xuất ngao giống từ 1 - 2 tỷ con/năm, chủ yếu là cung cấp cho Đông Minh và Nam Thịnh nhưng cũng chỉ đạt 20% con giống của địa phương thả. Những năm 2011 - 2012 giá là 11 đồng/con ngao giống, đến giờ giá chỉ còn 3 – 5 đồng/con, giá rất rẻ. Khi giá ngao đắt thì con giống cũng đắt và khi giá rẻ thì con giống cũng rẻ.

Có thể nói, đã qua thời kỳ các địa phương ở Tiền Hải phát triển "nóng" về ngao. Giờ đây, người nuôi ngao đã bình tĩnh, suy nghĩ về hướng đi của ngành kinh tế mũi nhọn đã được định hình từ vài chục năm nay. Để nghề nuôi ngao phát triển bền vững, theo ông Tô Xuân Đam, Bí thư Đảng ủy xã Đông Minh: Hiện nay, Đông Minh đang thực hiện Quyết định số 1519 của UBND tỉnh về cho thuê bãi triều nuôi ngao. Xã mong muốn huyện, tỉnh giảm giá sàn cho thuê tối thiểu so với Quyết định số 1519; tạo điều kiện cho bà con nuôi ngao trong hợp đồng thuê đất bãi triều theo từng năm; tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định; có chính sách cho bà con xuất khẩu ngao để nâng cao giá trị sản xuất; có bảo hiểm về con ngao.

Hải Đông
(Đài Truyền thanh Tiền Hải)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày