Thứ 4, 07/08/2024, 14:20[GMT+7]

Tân Tiến: bấp bênh đầu ra sản phẩm cây màu vụ đông

Thứ 2, 09/11/2015 | 09:34:09
743 lượt xem
Những ngày này, các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương gieo trồng cây vụ đông ưa lạnh và tập trung chăm sóc, thu hoạch cây vụ đông ưa ấm. Tuy nhiên, trên cánh đồng xã Tân Tiến (Hưng Hà), nơi có truyền thống thâm canh cây màu vụ đông, một số diện tích người dân bỏ không sản xuất, riêng những diện tích đã được gieo trồng cây vụ đông lại có hiện tượng vàng lá, héo xanh và chết. Bên cạnh đó, một số loại cây trồng đã cho thu hoạch nhưng đầu ra lại không ổn định, giá rẻ.

Thu mua nông sản cho người dân địa phương.

Trên cánh đồng thôn Lương Ngọc, đang cùng vợ thu hoạch dưa chuột, ông Nguyễn Văn Đĩnh chia sẻ: Gia đình tôi trồng gần 5 sào cây màu vụ đông, chủ yếu là dưa chuột, đỗ côve, bí xanh và ngô. Hiện nay, đỗ côve đang ra hoa, chuẩn bị cho thu hoạch, bí xanh phát triển lá đều, vươn nhiều ngọn, tuy nhiên một số diện tích cây bị vàng lá, héo xanh, lụi và chết dần. Gia đình tôi rất lo vì sẽ ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ bởi hiện tượng này rất khó xử lý. Hơn 2 sào dưa chuột đang cho thu hoạch, năng suất đạt khoảng 6 tạ/sào. Năng suất cao là thế nhưng đầu ra bấp bênh, gia đình tôi phải bán cho thương lái nên thường xuyên bị ép giá. Công sức bỏ ra rất vất vả, giá cả vật tư nông nghiệp quá cao, đến khi thu hoạch được mùa thì lại rớt giá, nhiều lắm cũng chỉ thu về được khoảng 2 triệu đồng/sào dưa chuột. Cũng trên cánh đồng thôn Lương Ngọc, ông Nguyễn Văn Tường cho biết: Gia đình tôi trồng hơn 3 sào dưa chuột và đỗ côve xen ngô. Hiện nay, diện tích trồng dưa đang cho thu hoạch, năng suất đạt gần 6 tạ/sào. Các con đi làm ở công ty, nhà chỉ còn hai vợ chồng hỗ trợ nhau thu hoạch dưa ngoài ruộng và làm việc gia đình, không có thời gian đi chợ xa để bán đành phải bán cho thương lái với giá rẻ, chỉ từ 2.000 - 2.500 đồng/kg, nếu được giá cũng chỉ lên tới 4.000 đồng/kg. Thu nhập chính của người nông dân chúng tôi từ trước tới giờ chỉ trông mong vào hoa màu trên đồng ruộng. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng được mùa rớt giá, chúng tôi rất khó bảo đảm được nguồn thu nhập để nâng cao cuộc sống.

Ông Trần Văn Hưởng ở thôn Hòa Tiến làm dịch vụ thu mua nông sản tại địa phương cho biết: Gia đình tôi kết hợp với các thương lái ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định làm dịch vụ thu mua nông sản như dưa, bí, ngô… cho nông dân từ năm 2001 đến nay. Thời điểm này, bà con đang tập trung thu hoạch dưa chuột, một ngày gia đình tôi thu mua trung bình từ 3 - 4 tấn dưa, chuyển đi bán tại các tỉnh, thành phố. Giá thu mua dao động trong khoảng từ 2.000 - 4.000 đồng/kg. Chính chúng tôi cũng bị phụ thuộc vào sự bấp bênh của giá thị trường.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tường thu hoạch dưa chuột, năng suất đạt gần 6 tạ/sào.

Trước những chia sẻ của nông dân, chúng tôi trao đổi với ông Đặng Quốc Ngữ, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Tân Tiến, ông Ngữ cho biết: Là địa phương có truyền thống thâm canh cây màu vụ đông với diện tích lớn, HTX luôn tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền bà con nông dân thực hiện sát với lịch sản xuất cây màu vụ đông. Đến thời điểm hiện tại, toàn xã gieo trồng được khoảng 194ha, giảm đáng kể so với cùng kỳ vụ đông năm 2014. Nguyên nhân bởi ngay đầu vụ đông năm nay, khi bà con nông dân bắt đầu làm bầu, xuống bầu dưa chuột và bí xanh thì gặp mưa lớn kéo dài trong hai ngày (21 - 22/9), làm chết khoảng 50ha cây màu. Trước tình hình đó, HTX đã tích cực hướng dẫn, đôn đốc bà con tiến hành trồng lại nhưng do mất trắng về vốn đầu tư giống, mất nhiều thời gian, công sức làm bầu, chăm bón nên nhiều gia đình không gieo trồng lại. Cùng với đó, những diện tích cây màu đang cho thu hoạch như dưa chuột và sắp cho thu hoạch như bí các loại bị héo xanh, cây đổ, ngả, yếu ớt và chết dần. Đây là khó khăn đối với địa phương bởi hiện tượng này chưa có biện pháp nào để xử lý. Một nguyên nhân khác là do giá vật tư nông nghiệp cao, hàng trôi nổi nhiều, không bảo đảm chất lượng, trong khi đầu ra lại bấp bênh, khó khăn, không có liên kết bao tiêu sản phẩm với các công ty. Bà con nông dân muốn trồng nhiều, muốn mở rộng diện tích nhưng không có nơi tiêu thụ ổn định, phải bán cho thương lái với giá thấp, lãi không nhiều. Hơn nữa, lực lượng lao động nông nghiệp của địa phương hiện nay chủ yếu là những người lớn tuổi, yếu tố tuổi tác và sức khỏe cũng có sự tác động không nhỏ đến hiệu quả lao động, sản xuất.

Để khuyến khích nông dân đầu tư mở rộng diện tích gieo trồng cây màu vụ đông trong những mùa vụ tới, thiết nghĩ, các cấp, các ngành, các địa phương cần có cơ chế, chính sách, giải pháp hiệu quả hơn nữa để mời gọi các tập thể, cá nhân liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản ổn định cho nông dân để bà con yên tâm lao động sản xuất. Đồng thời, công tác kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật phải được siết chặt hơn nữa, sớm tìm ra những biện pháp và loại thuốc bảo vệ thực vật phù hợp để phun phòng trừ đối với các loại bệnh mới phát sinh gây hại trên cây trồng, tránh thiệt hại và bảo đảm năng suất cuối vụ.

Hy vọng với sự quan tâm, vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp và chính quyền địa phương, ở những vụ đông tiếp theo, Tân Tiến sẽ tiếp tục phát huy truyền thống thâm canh cây màu vụ đông, không còn tình trạng được mùa rớt giá, bà con nông dân yên tâm đầu tư mở rộng diện tích sản xuất.

Phạm Huế

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày