Thứ 5, 25/07/2024, 04:21[GMT+7]

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình: 70 năm xây dựng và phát triển

Thứ 4, 11/11/2015 | 08:54:18
2,657 lượt xem
Bộ Canh nông, tiền thân của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập ngày 14/11/1945. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình được thành lập với tên gọi ban đầu là Ty Nông Lâm Thái Bình. Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành Nông nghiệp Thái Bình đều cùng với bà con nông dân, ngư dân vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh trao đổi với nông dân xã Bắc Hải (Tiền Hải) về sản xuất giống lúa mới. Ảnh: Bình Minh.

 

Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nông nghiệp Thái Bình đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh của “hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn”. Năm 1966, Thái Bình đạt năng suất lúa 5,044 tấn/ha và trở thành “quê hương 5 tấn” đầu tiên ở miền Bắc, ghi mốc son chói lọi trong trang sử vàng của ngành Nông nghiệp Thái Bình. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, phấn đấu đưa Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình luôn coi sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, phát động cao trào thi đua lao động sản xuất giỏi, trên những cánh đồng đều dựng lên khẩu hiệu “Cánh đồng 5 tấn chống Mỹ”, “Dũng sĩ 5 tấn”. Nhờ đó, năng suất lúa liên tục tăng, trong 10 năm (1965 - 1974), Thái Bình đã đóng góp cho trung ương 464.663 tấn lương thực, vượt kế hoạch được giao. Sau chiến tranh (1975 - 1985), dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Nông nghiệp Thái Bình đã phấn đấu vượt qua khó khăn, đi tiên phong trong công cuộc xây dựng đất nước trong tình hình mới.

 

 

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Đông Hưng. Ảnh: Ngân Huyền.

 

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986 - 2015), cùng với cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành ở trung ương và sự cố gắng của nhân dân nên nông nghiệp, nông thôn Thái Bình có bước phát triển vượt bậc, đạt được những mốc son mới. Về trồng trọt, đã quy hoạch hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và xây dựng nhiều cánh đồng mẫu theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đã nghiên cứu, khảo nghiệm, đưa nhiều giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng chịu sâu bệnh vào sản xuất, thay thế dần các giống cũ; diện tích lúa dài ngày được chuyển sang gieo cấy các giống lúa ngắn ngày có năng suất, chất lượng, giá trị cao; việc dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng đã tạo điều kiện để đưa cơ giới hóa vào hầu hết các khâu sản xuất; ứng dụng, cải tiến các biện pháp canh tác, tăng năng suất lao động; tập trung tăng cường cơ sở vật chất cho vùng sản xuất theo tiêu chí cánh đồng mẫu; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng chuyên môn hóa và hợp tác hóa. Do vậy, năng suất lúa nhiều năm trở lại đây đạt trên 130 tạ/ha, luôn là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước, sản lượng lương thực đạt trên 1 triệu tấn/năm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Sản xuất cây màu, cây vụ đông được mở rộng, trở thành vụ chính trong năm; giá trị sản xuất trên 1ha canh tác năm 2013 bình quân đạt 118,14 triệu đồng, cá biệt có những cánh đồng đạt trên 300 triệu đồng/ha.

 

Chăn nuôi phát triển mạnh theo hướng gia trại, trang trại quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Hiện nay, toàn tỉnh có 21.616 gia trại chăn nuôi, 728 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tổng sản lượng thịt hơi các loại xuất chuồng đạt 235.000 tấn/năm, bình quân thịt hơi xuất chuồng vào tốp các tỉnh cao nhất cả nước. Thủy sản phát triển toàn diện cả nuôi trồng, khai thác và chế biến; quy mô sản lượng tăng vượt bậc. Lĩnh vực thủy sản từ sản xuất nhỏ trở thành một trong những mũi nhọn đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Các hình thức nuôi thủy sản tập trung, bán thâm canh, thâm canh khá phổ biến; đặc biệt, nuôi ngao của các xã ven biển ở trình độ khá cao, sản lượng ngao nuôi đạt trên 70.000 tấn/năm, lớn nhất cả nước và trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nông nghiệp của tỉnh. Khai thác thủy sản chuyển biến mạnh từ khai thác ven bờ sang khai thác tầm trung và xa bờ. Một loạt các phương tiện khai thác được đóng mới và trang bị ngư cụ hiện đại đã mở rộng ngư trường, nâng cao sản lượng, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 

 

Nông dân xã Thái Xuyên (Thái Thụy) thu hoạch cá. Ảnh: Minh Đức.

 

Về lâm nghiệp, đã tích cực triển khai trồng, bảo vệ, chăm sóc rừng ngập mặn ven biển và trồng cây phân tán nội đồng; đưa diện tích rừng ngập mặn ven biển đạt gần 6.000ha.

 

Về thủy lợi, đã tham mưu cho tỉnh tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương xử lý tốt việc cấp bù thủy lợi phí, giảm đóng góp của nhân dân và đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống công trình thủy lợi, khắc phục khó khăn về úng, hạn; chủ động cung cấp nước có chất lượng cho sản xuất, dân sinh. Bên cạnh việc củng cố, nâng cấp, duy trì năng lực của hệ thống thủy lợi, một loạt công trình trọng điểm được đầu tư theo hướng hiện đại như kiên cố hóa trên 70km đê biển, trong đó có 52km đê trực diện với biển; củng cố, nâng cấp đê sông, cơ bản xóa bỏ các trọng điểm xung yếu; xây dựng các trạm bơm lớn.

 

Với những thành tích đã đạt được, ngành Nông nghiệp Thái Bình vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Cờ thi đua của Chính phủ, Huân chương Lao động các hạng, Huân chương Độc lập hạng Ba, hạng Nhì; 1 tập thể và 3 cá nhân đạt danh hiệu Anh hùng.

 

Với bề dày và truyền thống cách mạng, ngành Nông nghiệp Thái Bình quyết tâm phấn đấu, tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh những nhiệm vụ, giải pháp để đưa nông nghiệp, nông thôn Thái Bình tiến lên những nấc thang mới, cụ thể là:

 

Một là: Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Đề án tích tụ, tập trung ruộng đất để tăng quy mô sản xuất hàng hóa, tạo nhân tố đột phá cho phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa.

 

Hai là: Tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch nông nghiệp để tổ chức sản xuất theo hướng tập trung thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn với các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với tình hình hội nhập quốc tế và quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã và đang thực hiện đồng bộ ở tất cả các địa phương.

 

Ba là: Đẩy mạnh tiếp thu, ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa.

 

Bốn là: Xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ để tăng cường liên kết trong sản xuất và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.

 

Năm là: Phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản, coi đây là nhân tố quan trọng bảo đảm và thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng.

 

Sáu là: Tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành, tập trung huy động các nguồn lực để giải quyết các điều kiện thiết yếu cho sản xuất hàng hóa và xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

 

Lê Văn Thăng

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày