Thứ 7, 03/05/2025, 11:46[GMT+7]

Những bước đột phá trong trồng trọt

Thứ 4, 11/11/2015 | 09:01:03
690 lượt xem
70 năm qua, lĩnh vực trồng trọt luôn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và tăng trưởng của ngành Nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và phát triển kinh tế của tỉnh.

Cánh đồng chuyên màu ở xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tăng gia sản xuất! tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa” cùng với những khẩu hiệu phổ biến thời đó là “Không để một tấc đất bỏ hoang”, “Tấc đất, tấc vàng”. Phong trào sản xuất ở Thái Bình phát triển mạnh mẽ, không chỉ đối với nông dân mà đối với cả cán bộ, công nhân viên và học sinh. Giai đoạn 1946 - 1949, Thái Bình không những tự túc được lương thực, vải mặc mà còn cung cấp lương thực, bông vải cho tiền tuyến. Những năm 1954 - 1975, nhờ củng cố hệ thống thủy lợi, Thái Bình đã khắc phục được tình trạng “chiêm khê, mùa thối”, biến ruộng 1 vụ thành ruộng 2 vụ, năng suất lúa đạt 5,044 tấn/ha (năm 1966). Giai đoạn 1975 - 1986, thủy lợi hóa đã cung cấp đủ nước cho diện tích đất canh tác, đồng thời góp phần cải tạo đất xấu, tăng năng suất cây trồng. Cơ giới hóa sản xuất bắt đầu phát triển, trên đồng ruộng xuất hiện máy cày, máy kéo thay cho sức trâu, bò. Diện tích lúa năm 1986 đạt 156.596ha, tăng 7.854ha so với năm 1975; năng suất lúa từ sau năm 1975 liên tục đạt 7 - 8 tấn/ha, thường xuyên giữ vững ở vị trí hàng đầu cả nước. Từ năm 1986 đến nay, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, người dân được giao quyền sử dụng đất ổn định nên đã thực sự chủ động trên thửa ruộng của mình, tập trung đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sản xuất nông nghiệp nói chung, lĩnh vực trồng trọt nói riêng phát triển tương đối ổn định và vững chắc. Nếu năm 2007 tỷ trọng trồng trọt là 62,96% thì đến năm 2010 giảm còn 58,72%, đến năm 2011 còn 55,35% và đến năm 2015 giảm còn 45,02%. Tuy nhiên, giá trị sản xuất trồng trọt liên tục tăng: năm 2014 đạt 10.332 tỷ đồng, tăng 5,59% so với năm 2013; năm 2015 ước đạt 10.552 tỷ đồng, tăng 2,21% so với năm 2014. Sản xuất nông nghiệp từ manh mún, nhỏ lẻ dần chuyển sang tập trung quy mô lớn. Bình quân mỗi hộ còn 1,79 thửa, giảm 1,88 thửa/hộ. Chương trình xây dựng cánh đồng mẫu đã tạo bước đột phá trong sản xuất hàng hóa của ngành Nông nghiệp. Hết năm 2012, toàn tỉnh xây dựng được 143 cánh đồng mẫu với diện tích 6.072ha, đến năm 2015 tăng lên 177 cánh đồng với diện tích 10.546ha, trong đó 111 cánh đồng (6.834ha) với 10 doanh nghiệp tham gia liên kết bao tiêu nông sản. Cơ giới hóa được đẩy mạnh. Tỉnh đã hỗ trợ trên 153 tỷ đồng cho 1.086 máy gặt đập liên hợp, 630 máy làm đất đa năng, 29 máy cấy, 1.650 công cụ sạ hàng và 20 kho lạnh, thực hiện cơ giới hóa 100% khâu làm đất, 55% khâu thu hoạch và đang tích cực đẩy mạnh cơ giới hóa khâu gieo cấy giúp giảm chi phí sản xuất, khắc phục tình trạng thiếu lao động trong mùa vụ. Phương thức gieo cấy chuyển biến tích cực ở cả vụ xuân và vụ mùa. Năm 2013, diện tích gieo thẳng đạt 34.606ha, chiếm 21,4% tổng diện tích gieo cấy, tăng 65,3% so với năm 2012; năm 2015, diện tích gieo thẳng đạt 54.619ha, chiếm 33,9% tổng diện tích gieo cấy. Công tác dự tính, dự báo, chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc và bảo vệ cây trồng đạt hiệu quả cao, đặc biệt là chỉ đạo các biện pháp ứng phó với vụ xuân ấm và xử lý sâu cuốn lá nhỏ ở vụ xuân, sâu đục thân 2 chấm ở vụ mùa, vì vậy năng suất lúa đạt ở mức cao, trên 13 tấn/ha/năm, sản lượng lương thực luôn ổn định trên 1 triệu tấn/năm. Sản xuất cây màu vụ đông được mở rộng thành vụ chính trong năm. Diện tích cây màu vụ đông luôn được duy trì ổn định, cơ cấu cây trồng tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, trong đó chú trọng và mở rộng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có bao tiêu sản phẩm và gắn với lợi thế của địa phương như khoai tây, ớt, dưa các loại, bí xanh… Công tác khảo nghiệm, đưa các giống mới, giống nuôi cấy mô, giống lai vượt trội về năng suất, chất lượng vào sản xuất, thay thế các giống cũ là một trong những thành tựu quan trọng của lĩnh vực trồng trọt thời gian qua.

 

Xây dựng đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nói chung, lĩnh vực trồng trọt nói riêng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là việc làm cần thiết và đúng đắn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để tăng quy mô sản xuất hàng hóa, tạo nhân tố đột phá cho phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa là một trong những mục tiêu quan trọng ngành Nông nghiệp đang hướng tới.

 

Lưu Ngần

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày