Thứ 4, 15/01/2025, 12:06[GMT+7]

CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU GIỐNG VÀ THỜI VỤ GIEO CẤY Yếu tố quan trọng để giành thắng lợi vụ xuân

Thứ 6, 21/01/2011 | 07:44:39
2,431 lượt xem
Mặc dù trong những năm gần đây tỉnh nhà liên tiếp phải đối phó với bệnh lùn sọc đen và các loại sâu bệnh bùng phát với mật độ cao, song vẫn giành thắng lợi ở cả vụ lúa xuân, lúa mùa và cây vụ đông.

Các đơn vị khai thác công trình thủy lợi tập trung bơm nước phục vụ đổ ải. Ảnh: Ngọc Trâm

Kết quả này không phải là sự may mắn, hay ngẫu nhiên đem lại, mà là sự nỗ lực của các cấp, ngành và bà con nông dân trong việc phòng trừ sâu bệnh, thực hiện gieo cấy đúng lịch thời vụ, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, điều tiết tưới tiêu nước hợp lý, cùng với các cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã.

 

Hiện nay, việc sản xuất mùa vụ không còn phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện tự nhiên nữa, quan trong hơn cả là sự chỉ đạo, điều hành đúng, sâu sát và triển khai thực hiện nghiêm túc tất yếu sẽ cho một vụ bội thu. Tuy nhiên, cơ cấu giống, lịch thời vụ đang có nguy cơ bị phá vỡ, khi có nhiều địa phương đã gieo mạ dài ngày ở vụ xuân 2011.

 

Ông Phạm Sĩ Hùng, Trưởng phòng trồng trọt, Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Chủ trương của tỉnh là vụ lúa xuân gieo cấy 100% giống lúa ngắn ngày để thâm canh giành năng suất cao và chủ động trong mọi loại hình thời tiết; thời vụ gieo mạ từ 28/1 đến 8/2/2011, đối với vùng đất bố trí lúa xuân – lúa mùa sớm- cây vụ đông ưa ấm; vùng đất cấy lúa xuân – lúa mùa – cây vụ đông ưa lạnh, gieo từ 25/1 đến 31/1/2011...

 

Song, nhiều địa phương đã gieo mạ dài ngày từ rất sớm. Cụ thể, tính đến ngày 22/12/2010 toàn tỉnh đã gieo 660,1 ha giống dài ngày, tuổi mạ trên 2 lá, tăng 9% so với vụ xuân 2009; nhiều nhất là Đông Hưng gieo 259 ha, Hưng Hà 183 ha, Quỳnh Phụ 77,93 ha...Trên thực tế, giống lúa ngắn ngày đã khẳng định ưu thế về năng suất, chất lượng làm tăng hệ số quay vòng sử dụng đất, đem lai giá trị kinh tế cao trên mỗi đơn vị diện tích canh tác.

 

Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi đã nêu rõ: giảm dần, tiến tới loại bỏ giống lúa dài ngày trà xuân sớm, tăng nhanh giống lúa ngắn ngày trà xuân muộn có năng suất cao, chất lượng tốt, như lúa lai, lúa thuần Trung Quốc.

 

Thời kỳ 1995 -2000, cơ cấu lúa ngắn ngày chiếm từ 55 – 66% ở vụ xuân, 50% ở vụ mùa, năng suất bình quân đạt 116 tạ/ ha. Từ năm 2001, thực hiện Nghị quyết 04 đã tăng từ 65,58% lên trên 93%; vụ mùa từ 88% tăng lên trên 95%; năng suất bình quân giai đoạn 2001  - 2008 đạt 122,41 tạ/ha.

 

 

Riêng vụ xuân 2010, năng suất đã đạt 70,60 tạ/ ha; trong đó có 5 huyện đạt trên 71 tạ/ ha, như Hưng Hà, Kiến Xương, Đông Hưng, Vũ Thư, Quỳnh Phụ. Một số giống ngắn ngày cho năng suất cao: lúa lai 74,33tạ/ ha, BC15 75,33 tạ/ ha, TBR1 75,14 tạ/ ha. Vụ xuân 2011 chủ trương của tỉnh vẫn là gieo cấy 100% giống ngắn ngày. Xảy ra tình trạng gieo mạ bằng giống dài ngày tăng, nguyên nhân cơ bản là do nhận thức chuyển đổi cơ cấu giống ở một số cán bộ địa phương và nông dân còn hạn chế...

 

Diện tích mạ đã gieo trên, chủ yếu rơi vào các loại giống như VN10, Xi23, X21. Cũng theo ông Hùng, 660,1 ha mạ đã gieo chưa phải số thực, vì chủ yếu do các HTX báo cáo, thực tế mạ dài ngày có khả năng còn cao hơn nhiều. Như vậy, giống dài ngày tăng sẽ gây khó khăn cho công tác điều hành nước, sâu bệnh, chỉ đạo sản xuất...nhất là về giống và thời vụ.

 

Sự bất lợi của giống dài ngày đã hiện hữu, khi những ngày đầu tháng 1/2011, thời tiết rét đậm, rét hại gây ảnh hưởng tới sự sinh trưởng, phát triển của mạ. Kết quả kiểm tra hầu hết  mạ đã đạt  ngưỡng 4 – 4,5 lá; một số diện tích bón bằng đạm urea hoặc NPK hàm lượng cao đã có hiện tượng chết từng chóm, từng đám và đang chuyển màu vàng nâu. Theo như dự báo của ngành nông nghiệp, sau đợt rét kéo dài này, khi thời tiết ấm lên mạ sẽ sốc sinh lý gây chết mạnh hơn, nhiều hơn, chủ yếu là các giống chịu rét kém, như Xi23 và 13/2. 

          

Để cứu vãn những diện tích mạ đã gieo, giảm thiệt hại thấp nhất không đáng có cho nông dân bảo đảm cho vụ xuân thắng lợi, theo ông Hùng thì các địa phương cần bơm nước giữ ấm cho mạ, tuyệt đối không bón đạm urê hay NPK; dùng tro bếp nguội trộn thêm đất bột vãi kín chân cây mạ.

 

Tuyệt đối không cấy khi nhiệt độ trung bình ngày đêm dưới 15oc; các địa phương có mạ dài ngày không cấy vào xung quanh tiết “Đại hàn” (20/1/2011). Khi cấy, nhổ mạ đến đâu cấy ngay tới đó, nếu để mạ qua đêm cần ngâm rễ trong nước lân Lâm Thao hòa loãng; Bón thúc bằng NPK chuyên thúc trước khi bừa cấy để phân được vùi sâu vào trong đất.

 

Nếu mạ bị yếu, tổn thương quá nặng do rét hại, cần hủy bỏ và thay bằng các giống lúa thuần hoặc lúa lai ngắn ngày gieo mạ nền. Các địa phương chủ động đánh giá và có phương án chuẩn bị giống ngắn ngày để thay thế số mạ dài ngày đã bị chết do rét. Đối với các địa phương chưa gieo mạ, cần kiểm tra giám sát và chỉ đạo chặt chẽ thời điểm ngâm ủ, gieo mạ xuân muộn.

 

Thời điểm gieo tốt nhất là xung quanh tiết lập xuân (4/2/2011), không gieo mạ ngắn ngày trước tiết đại hàn (20/1/2011). Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn, rét đậm có thể kéo dài đến sau tiết lập xuân, khuyến cáo nông dân tập trụng chuẩn bị tốt các phương tiện, dụng cụ che chắn, chống rét cho mạ (tre làm vòm, nilon che phủ).

 

Bên cạnh đó, việc tăng cường cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng theo dõi và chỉ đạo chặt chẽ chiến dịch diệt chuột, diễn biến của sâu bệnh trên mạ; hướng dẫn xử lý hạt giống và phun thuốc BVTV tiễn chân mạ trước cấy theo đúng chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp &PTNT cũng là một trong những yếu tố quan trọng để giành thắng lợi vụ xuân...

Nguyên Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày