Thứ 7, 03/08/2024, 01:16[GMT+7]

Chung tay xây dựng thương hiệu cho cây tỏi Thái Thụy

Thứ 3, 22/12/2015 | 09:30:40
1,342 lượt xem
Từ xưa đến nay, tỏi là một trong các loại gia vị chủ đạo ẩm thực và làm thuốc của người dân Việt Nam, đồng thời tỏi cũng là một trong ba mặt hàng gia vị xuất khẩu chủ lực (cùng với ớt và hạt tiêu) của nước ta. Trong đó, tỏi Thái Thụy là nông phẩm nổi tiếng về chất lượng, gắn bó lâu năm với người nông dân nơi đây, hiện đang là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương.

Nông dân xã Thụy An (Thái Thụy) thu hoạch tỏi.

 

Tổng diện tích cây tỏi hàng năm của huyện Thái Thụy lên đến gần 170ha. Do trồng trên đất ven biển, đất bãi ở các xã Thụy Tân, Thụy Trường, Thụy An, Thái Nguyên… được phù sa bồi đắp từ hệ thống sông Thái Bình với khí hậu đặc trưng, người dân giàu kinh nghiệm sản xuất, điều kiện thâm canh tốt nên tỏi Thái Thụy mang những đặc trưng riêng cùng chất lượng vượt trội như giống tỏi tía củ tương đối to, tép tỏi đều, tròn trịa, trắng nõn, hương vị tinh dầu đặc biệt thơm cay nhưng không gắt như tỏi trồng ở những nơi khác.

 

Chính vì vậy, sản phẩm tỏi của Thái Thụy nói chung rất được người dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, do quy mô sản xuất đơn lẻ, chưa được chú trọng đầu tư phát triển đúng mức, sản phẩm chưa có thương hiệu nên giá trị chưa tương xứng với tiềm năng, bị tư thương ép giá, các sản phẩm kém chất lượng, đặc biệt là tỏi Trung Quốc mượn danh tỏi của địa phương tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng lớn đến vị thế cạnh tranh và uy tín của tỏi Thái Thụy. Để phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương, tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống đòi hỏi chính quyền địa phương và các hộ sản xuất cần có chính sách quản lý, phát triển thị trường và khai thác thương mại một cách thích hợp, đặc biệt phải tạo được một nhãn hiệu tập thể (NHTT) riêng cho sản phẩm để tránh hiện tượng “mượn danh” tỏi Thái Thụy xâm nhập thị trường nhưng chất lượng hoàn toàn khác so với tỏi Thái Thụy chính gốc, làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của nông sản Thái Thụy. Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ như một lời giải cho bài toán tiêu thụ nông sản của huyện Thái Thụy. Sau giai đoạn thẩm định, Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Tỏi Thái Thụy” dùng cho sản phẩm tỏi của huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình” ký mã hiệu: CT68 2012-2013/TW đã được Sở Khoa học và Công nghệ giao cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện, Sở Nội vụ, Chi cục Đo lường chất lượng Thái Bình, Chi cục Quản lý thị trường Thái Bình… là các đơn vị phối hợp. PGS, TS Nguyễn Văn Song, Phó Trưởng khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Chủ nhiệm Dự án cho biết: Dự án góp phần tăng thu nhập, tăng hiệu quả sản xuất tỏi, bảo đảm đời sống người sản xuất, kinh doanh sản phẩm tỏi Thái Thụy. Trên cơ sở thành lập Hội Trồng tỏi Thái Thụy đứng tên đăng ký để xác lập quyền đối với NHTT “Tỏi Thái Thụy”. Xây dựng hệ thống công cụ để quản lý sản phẩm tỏi dưới NHTT “Tỏi Thái Thụy” đưa ra trên thị trường dựa trên phương án khai thác thị trường có hiệu quả đưa lại danh tiếng và nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, chống sản phẩm nhái, tiếp tục mở rộng diện tích canh tác. Thực hiện dự án xây dựng, quản lý và phát triển NHTT “Tỏi Thái Thụy” có hiệu quả sẽ là mô hình mẫu để nhân rộng cho các địa phương trong tỉnh và toàn quốc đối với các nông sản đặc sản nhằm tăng giá trị, danh tiếng cũng như uy tín.

 

Sau 2 năm triển khai, Dự án được UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ cùng các cấp chính quyền địa phương huyện Thái Thụy quan tâm tạo điều kiện, các bước thu thập thông tin về sản phẩm, dịch vụ và vùng sản xuất sản phẩm, dịch vụ  mang NHTT “Tỏi Thái Thụy” phục vụ triển khai dự án, đăng ký xác lập quyền đối với NHTT “Tỏi Thái Thụy”, hỗ trợ thành lập tổ chức tập thể, lựa chọn tổ chức tập thể đứng tên đăng ký NHTT và tổ chức quản lý NHTT sau khi được đăng ký, xây dựng hệ thống công cụ để quản lý và khai thác NHTT “Tỏi Thái Thụy”… đã cơ bản hoàn tất. Đến nay, Dự án đang trong quá trình chờ Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định và cấp chứng nhận bảo hộ thương hiệu vào đầu năm 2016. Ông Nguyễn Đình Chung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thái Thụy cho biết: Chúng tôi luôn xác định xây dựng và bảo hộ thương hiệu hàng nông sản, đặc biệt là NHTT “Tỏi Thái Thụy” có ý nghĩa rất quan trọng, giúp hàng nông sản tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho bà con nông dân địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tỏi là cây truyền thống nên nông dân Thái Thụy rất giàu kinh nghiệm sản xuất, tuy nhiên, thông qua dự án, bà con nông dân được các kỹ sư của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thêm các quy trình sản xuất mới trong canh tác và thu hoạch, các yêu cầu kỹ thuật cụ thể cần tuân thủ đối với từng khâu công việc, từng loại công việc, các biện pháp kiểm soát quá trình, tuân thủ các quy trình để tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng cao… Chị Phạm Thị Liên ở thôn Tri Chỉ Phú, xã Thụy Trường tâm sự, nhà chị trồng 4 sào hành, tỏi, trung bình thu nhập từ 4 - 5,5 triệu đồng/sào. Trước đây, đến mùa thu hoạch tỏi thường bán chậm do bị tư thương ép giá, tỏi gia đình tự tiêu thụ thường bị nhầm với tỏi Trung Quốc do người tiêu dùng không phân biệt được nên thường phải bán giá thấp. Khi có dự án xây dựng NHTT cho sản phẩm tỏi Thái Thụy, chị và nhiều gia đình ở địa phương được tiếp nhận thêm những kỹ thuật canh tác mới và rất vui khi được biết sản phẩm tỏi Thái Thụy sắp được bảo hộ thương hiệu, qua đó sẽ nâng cao giá trị nông sản và tăng thu nhập cho người nông dân. 

 

Từ một loại nông sản truyền thống, nhờ chủ trương đúng đắn và sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, sản phẩm tỏi Thái Thụy đã xây dựng được thương hiệu, từng bước nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ. Xây dựng thương hiệu là một trong những biện pháp để giải bài toán tiêu thụ nông sản, nếu các địa phương chủ động tìm kiếm đối tác, thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật chắc chắn sẽ không còn cảnh nông sản dư thừa không tiêu thụ được hay điệp khúc người nông dân được mùa mất giá.

 

Trịnh Cường

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày