Thứ 6, 02/08/2024, 13:22[GMT+7]

Nhọc nhằn thú y cơ sở

Thứ 3, 22/12/2015 | 09:35:09
1,710 lượt xem

Đội ngũ thú y cơ sở rất cần được “tiếp sức” để yên tâm làm việc, gắn bó với nghề.

 

(Tiếp theo và hết)

 

Đội ngũ thú y cơ sở rất cần được “tiếp sức”

 

Những năm qua, với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống thú y cơ sở từng bước được hoàn thiện. Nếu như trước đây, mạng lưới này hoạt động chủ yếu theo hợp đồng thỏa thuận dịch vụ của HTX DVNN thì đến năm 2004, sau khi Pháp lệnh Thú y được ban hành, ngày 9/3/2005, UBND tỉnh đã có Quyết định số 28/2005/QĐ-UBND quy định về tổ chức, quản lý và hoạt động của ban chăn nuôi - thú y xã, phường, thị trấn. Theo đó, ban chăn nuôi - thú y cấp xã được kiện toàn, trong đó mỗi xã, phường, thị trấn có 1 trưởng ban và từ 4 - 5 thú y viên.

 

Thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ, UBND tỉnh đã có Quyết định số 09/QĐ-UBND ngày 31/8/2010 quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Theo đó, trưởng ban chăn nuôi - thú y xã loại 1, loại 2 và loại 3 hưởng phụ cấp hàng tháng theo hệ số lương cơ bản 1,0. Đến nay, phụ cấp của trưởng ban chăn nuôi - thú y cấp xã là 1.150.000 đồng/tháng. Theo những quy định này, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (bao gồm cả trưởng ban chăn nuôi - thú y) không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

 

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến tháng 11/2014, toàn tỉnh có 1.159 người hoạt động trong hệ thống thú y cơ sở ở 286 xã, phường, thị trấn, trong đó trưởng ban chăn nuôi - thú y có 286 người (đáng lưu ý, 68 trưởng ban đã quá tuổi lao động), đội ngũ thú y viên có 873 người. Bình quân mỗi xã, phường, thị trấn có 4 người trong ban chăn nuôi - thú y. Trình độ của đội ngũ trưởng ban chăn nuôi - thú y cơ sở cũng có sự khác biệt. Trong 286 trưởng ban chăn nuôi - thú y thì chỉ có 21 người có trình độ đại học, 1 người có trình độ cao đẳng, 244 người trình độ trung cấp và hiện vẫn còn 20 người chưa đáp ứng đúng yêu cầu về bằng cấp chuyên môn theo quy định. Ngoài ra, thực tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn 20 xã sử dụng và bổ nhiệm trưởng ban chăn nuôi - thú y do họ đã từng thực hiện nhiệm vụ này ngay từ khi chưa có chế độ phụ cấp hoặc do họ có uy tín với người chăn nuôi tại địa phương. Những năm qua, hoạt động của các trưởng ban chăn nuôi - thú y đã có nhiều chuyển biến tích cực, đến tháng 11/2014 có 52 trưởng ban chăn nuôi - thú y xếp loại tốt, 156 trưởng ban xếp loại khá, 57 trưởng ban xếp loại trung bình, tuy nhiên vẫn còn 21 trưởng ban xếp loại yếu. 

 

Về đội ngũ thú y viên, phần lớn có trình độ sơ cấp (468 người, chiếm 53,6%); trình độ cao đẳng, trung cấp có 380 người (chiếm 43,52%); chỉ 3 người có trình độ đại học, chiếm 0,34% và các trình độ khác có 22 người (chiếm 2,52%). Đặc biệt, có tới 198 thú y viên đã quá tuổi lao động nhưng vẫn tham gia công tác thú y.

 

 

Lĩnh vực chăn nuôi phát triển có đóng góp không nhỏ của đội ngũ thú y cơ sở. Ảnh: Thành Tâm.

 

Với cơ chế hiện nay, chỉ có trưởng ban chăn nuôi - thú y được hưởng phụ cấp, thú y viên chỉ được hưởng thù lao khi tham gia công tác tiêm phòng, chữa trị bệnh cho gia súc, gia cầm. Khi có dịch bệnh, nếu không có lực lượng này kịp thời phát hiện, tiêm phòng thì nguy cơ bùng phát dịch là rất cao. Tuy nhiên, trên thực tế, ở nhiều nơi, đội ngũ thú y viên không mấy mặn mà với công tác này. Ông Vũ Như Khoa, Trưởng ban Chăn nuôi - Thú y xã Quỳnh Khê cho biết, Ban Chăn nuôi - Thú y xã có 4 người, gồm có ông là trưởng ban cùng 3 thú y viên nhưng hoạt động thường xuyên thì chỉ có ông và thú y viên Nguyễn Đức Tuyến, hai người còn lại một người không tham gia thường xuyên còn một người đi làm ăn ở miền Nam. Lực lượng mỏng nên khi có dịch, công việc càng trở nên bận mải, khó khăn, nhất là việc huy động sự tham gia của đội ngũ thú y viên. Bởi lẽ, nếu đi phụ xây cũng có thu nhập từ 150.000 đồng trở lên/ngày, trong khi đó, nếu đi tiêm phòng thì chỉ được từ 50.000 - 70.000 đồng/ngày, chưa kể những nguy hiểm do phải trực tiếp tiếp xúc với dịch bệnh hoặc nguy cơ về tai nạn nghề nghiệp.

 

Trên địa bàn tỉnh hiện nay, đàn trâu, bò có 50.000 con; đàn lợn hơn 1 triệu con, trong đó gần 200.000 lợn nái; đàn gia cầm hơn 11 triệu con. Những năm gần đây, phương thức chăn nuôi công nghiệp được mở rộng với 728 trang trại, 21.600 gia trại, trong đó 79 trang trại có quy mô lớn, tuy nhiên, hình thức chăn nuôi phổ biến nhất vẫn là theo hộ gia đình, nhỏ lẻ, chưa bảo đảm an toàn sinh học, dễ phát sinh dịch bệnh, gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh. Để mạng lưới thú y cơ sở vững mạnh, rất cần sự “tiếp sức” bằng những chế độ, chính sách cụ thể, giúp những người làm công tác này có động lực gắn bó, yên tâm và có trách nhiệm với nghề hơn, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giám sát và phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi.

 

 

" Ngoài chế độ phụ cấp theo hệ số lương cơ bản 1.150.000 đồng/tháng cho trưởng ban chăn nuôi - thú y, ngày 26/11/2014, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2830/QĐ-UBND quy định tạm thời thực hiện chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các trưởng ban chăn nuôi - thú y được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế mức 3% mức lương cơ sở/người/tháng. Tuy nhiên, việc triển khai hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho trưởng ban chăn nuôi - thú y ở các địa phương chưa đồng đều, có xã còn chậm. Còn đội ngũ thú y viên không có bất kỳ chế độ phụ cấp nào mà tùy theo chủ trương của từng xã, có xã hỗ trợ nhưng cũng có xã không hỗ trợ. Bởi không có cơ chế, chế độ, thù lao hợp lý nên thực tế hiện nay, ở nhiều nơi, đội ngũ thú y viên đang có xu hướng giảm sút. Nhiều địa phương chậm tiến độ trong các đợt tiêm phòng là do thiếu hụt đội ngũ thú y viên".

 

(Ông Phạm Thành Nhương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y)

 

Ông Nguyễn Tiến Lộng, Chủ tịch UBND xã Hoa Nam, huyện Đông Hưng

Cần có chính sách quan tâm đến đội ngũ thú y viên bởi đây là lực lượng nắm chuyên môn, kỹ thuật chăn nuôi, phòng, chống bệnh cho gia súc, gia cầm, họ là những người tham mưu giúp chính quyền xã xây dựng kế hoạch sản xuất chăn nuôi, đặc biệt, họ là “người gác cửa” trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ông Nguyễn Đức Tuyến, thú y viên xã Quỳnh Khê, huyện Quỳnh Phụ

Hơn 8 năm tham gia công tác thú y của xã nhưng đến nay tôi chưa được hưởng chế độ phụ cấp gì. Có lịch tiêm phòng thì đi tiêm với mức tiền công từ 50.000 - 70.000 đồng/ngày, nhiều khi không đủ tiền xăng xe. Tôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm hơn đến những người làm công tác thú y, nhất là đội ngũ thú y viên.

 

Hương Giang

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày