Thứ 6, 26/07/2024, 18:27[GMT+7]

Thành công trong chăn nuôi nhờ “trái tim nóng, cái đầu lạnh”

Thứ 4, 23/12/2015 | 08:53:12
736 lượt xem
Đó là quan điểm của anh Đỗ Văn Trưởng, chủ trang trại chăn nuôi lợn tại thôn Tăng Bổng, xã Tân Lập (Vũ Thư). Đây cũng chính là yếu tố dẫn đến thành công của anh Trưởng trong phát triển kinh tế trang trại, khi ngành chăn nuôi đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, nhất là trong thời kỳ hội nhập.

Lợn tại trang trại của anh Trưởng (xã Tân Lập, Vũ Thư) được gắn thẻ theo dõi từng ngày.

Làm nghề chăn nuôi, ngoài các điều kiện tiền vốn, kỹ thuật..., chủ trang trại cần tố chất nhiệt huyết với nghề, phải "ăn, ngủ" với lợn, do vậy cần phải có "trái tim nóng"- anh Trưởng tâm sự. Tâm huyết với nghề sẽ khiến người chủ trang trại nắm rõ đặc điểm dịch bệnh, thói quen tiêu thụ thức ăn, mức tăng trọng của từng con lợn, để từ đó có biện pháp phù hợp, hiệu quả. Còn "cái đầu lạnh" để sẵn sàng đương đầu với các nguy cơ "càn quét" của dịch bệnh, tốc độ phi mã của giá thức ăn chăn nuôi, thông tin hóa chất độc hại dẫn đến sức tiêu thụ giảm, thị trường bấp bênh... gây thiệt hại cho người sản xuất. Anh Trưởng cho biết, năm 2007 khi trang trại bắt đầu hoạt động, chưa rành kỹ thuật nên đã phải "đau đầu" khi 12 con lợn nái anh mua lại là giống lợn "còi". Mặc dù vậy, sau 5 tháng lợn xuất chuồng của anh vẫn đạt hơn 1 tấn, khiến người cung cấp giống khâm phục mà khai nhận do lần đầu bán giống nên cố tình bán lợn "còi" để thử anh. Vừa làm, vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, quy mô chăn nuôi của anh lớn dần, đến năm 2010 đạt 200 con, lợi nhuận 500 triệu đồng/năm. Đam mê tìm tòi, từ năm 2011 đến cuối năm 2013 anh chuyển sang chăn nuôi lợn rừng, với quy mô từ 150 - 200 con. Tuy nhiên, chăn nuôi lợn rừng cũng có những khó khăn nhất định như khó lựa chọn con giống tốt, thông tin về chăn nuôi lợn rừng thường "nhiễu", kỹ thuật chăn nuôi lợn rừng đòi hỏi cao hơn, thị trường tiêu thụ hẹp... Xác định khó làm giàu từ chăn nuôi lợn rừng, từ năm 2014 anh Trưởng quyết định đầu tư phát triển nuôi lợn siêu nạc và lợn nái. Xây dựng, mở mang dần, đến nay, 1,5ha trang trại được anh Trưởng đầu tư hơn 10 tỷ đồng, gồm 8 dãy chuồng thường xuyên nuôi 300 lợn nái và 600 lợn thịt siêu nạc. Với quy mô đó, hàng tháng trang trại của anh xuất chuồng 500 con lợn giống và 15 - 20 tấn thịt lợn thương phẩm. Thịt lợn thương phẩm của trang trại chủ yếu cung cấp cho thị trường Hà Nội, Hải Phòng; lợn giống được cung cấp cho địa bàn trong tỉnh và các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa... Đến trung tuần tháng 11, hợp đồng cung cấp thịt lợn thương phẩm đã bảo đảm hết quý I/2016, còn lợn giống đều được khách hàng đặt mua từ trước đó 2 tháng, các hợp đồng cung cấp con giống khác phải chờ đến sau tết Bính Thân 2016. Để đáp ứng yêu cầu công việc, ngoài vợ chồng anh Trưởng, trang trại thường xuyên sử dụng 7 kỹ sư, công nhân kỹ thuật và 10 nhân công thời vụ với mức thu nhập ổn định từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Theo anh Trưởng, "cái đầu lạnh" đã nhiều lần giúp anh vượt qua thất bại, khó khăn. Không ít lần trang trại của anh chịu cảnh những con lợn bỗng dưng chết. Thậm chí, qua một đêm 50 - 70 con lợn chết khiến không chỉ chủ trang trại mà những người làm thuê cũng bật khóc vì xót xa. Học từ thất bại, anh hiểu phòng chống dịch bệnh cho lợn là yếu tố sống còn của trang trại. Anh tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiêm phòng dịch bệnh và vệ sinh chuồng trại do cơ quan chức năng hướng dẫn, khuyến cáo. Lý giải về việc với quy mô nuôi lợn lớn nhưng không hề có mùi khó chịu, anh Trưởng cho biết, quan trọng là phải vệ sinh chuồng trại thường xuyên hàng ngày, tuyệt đối không được để nền chuồng lên rêu, nấm mốc; đối với nước tiểu và phân lợn phải xử lý ngay bằng hệ thống biogas.

Cũng theo anh Trưởng, giá sản phẩm đầu ra trên thị trường theo mặt bằng chung, do vậy người sản xuất cần phải có cách thức riêng để cạnh tranh làm giàu. Cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, trang trại của anh cắt, giảm được 8 loại chi phí để giảm giá thành sản xuất. Chẳng hạn, với đơn đặt hàng số lượng thức ăn chăn nuôi lớn nên anh không phải mua qua hệ thống đại lý mà được cơ sở sản xuất thức ăn trực tiếp cung cấp với giá ưu đãi; cung cấp lợn giống đến tận tay người chăn nuôi, bỏ qua khâu trung gian; ký hợp đồng cung cấp hình ảnh của trang trại với Công ty Tongwei (Hải Dương) thu được 300 triệu đồng/năm...

Nắm bắt cơ hội trong sản xuất, kinh doanh là yếu tố không thể thiếu trong thành công. Ngay trong thời điểm thị trường tiêu thụ thịt lợn gặp khó khăn do thông tin thức ăn chăn nuôi có chất cấm, chất tạo nạc, anh Trưởng vẫn nâng cấp 2 dãy chuồng bởi anh hiểu đây là cơ hội cho sản phẩm thịt lợn sạch của trang trại. Cùng với đó, anh Trưởng đang lập dự án, đề nghị được xây dựng thêm 1 trang trại với quy mô chăn nuôi 1.000 con lợn theo cách thức chăn nuôi hữu cơ.

Phan Lợi

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày