Thứ 6, 17/05/2024, 18:19[GMT+7]

Kinh nghiệm chuyển đổi cơ cấu giống lúa ở Quỳnh Minh và An Mỹ

Thứ 2, 24/01/2011 | 16:02:44
2,124 lượt xem
Nếu so với các xã khác ở Quỳnh Phụ thì Quỳnh Minh và An Mỹ đều không hội đủ các yếu tố tự nhiên thuận lợi cho việc gieo cấy các giống lúa ngắn ngày. Tuy nhiên bằng nhiều giải pháp khác nhau, hai xã đã thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi cơ cấu giống, loại bỏ hoàn toàn giống dài ngày ở vụ mùa và tăng tỷ lệ lúa ngắn ngày vụ xuân lên 90- 95% diện tích.

Chỉ riêng năm 2009, Quỳnh Minh đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để xây dựng hệ thống cống ngang phục vụ tiêu thoát nước và huy động các nguồn vốn đầu tư kiên cố hơn 4km kênh mương, xây mới 2 trạm bơm. Đồng thời huy động nhân dân tự nguyện đóng góp hàng vạn ngày công và mỗi sào góp thêm 120.000đ để làm thuỷ lợi nội đồng với tổng khối lượng đào đắp lên tới hơn 60.000m3. Ảnh: Thành Tâm

Ở Quỳnh Minh, chủ trương loại bỏ giống dài ngày được cụ thể hoá thành nghị quyết, kế hoạch, đề án. Phương châm là cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể vừa là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động, vừa tiên phong thực hiện ngay tại gia đình mình, người thân của mình để làm gương cho quần chúng. Bên cạnh đó, xã xác định muốn đưa được giống ngắn ngày xuống vùng trũng thì yếu tố tiên quyết là phải chủ động được khâu điều tiết nước.

Chính vì vậy thời gian qua, Quỳnh Minh đã tập trung cao độ cho công tác đầu tư nâng cấp hệ thống thuỷ lợi nội đồng theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Mục tiêu của xã là nhanh chóng khép kín được hệ thống bờ vùng, bờ thửa để chống dồi tràn và sẵn sàng khoanh vùng bơm tát phục vụ tiêu úng khi cần.

Đến nay hệ thống thuỷ lợi nội đồng ở Quỳnh Minh đã được mở rộng bảo đảm bờ thửa có bề mặt rộng 3m, bờ vùng rộng 3,5m, giao thông nội đồng có bề mặt từ 3,5- 5m. Toàn xã có 6 trạm bơm với tổng công suất 7.000m3/h cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới. Xã chủ trương siết chặt việc kiểm soát khâu cung ứng giống, bảo đảm chỉ bán các giống lúa ngắn ngày ở cả 2 vụ sản xuất.

Nắm bắt được tâm lý ngại làm mạ ngắn ngày, từ vụ xuân năm 2010 xã đã áp dụng thí điểm việc gieo xạ trực tiếp tại khu đồng rộng 16ha của thôn Địa Linh. Đây là cánh đồng chua trũng, trước chủ yếu cấy giống dài ngày vì vậy HTX đã đứng ra đảm nhận khâu làm đất, ngâm ủ mạ và thực hiện gieo xạ hoàn toàn bằng máy thay cho phương pháp cấy thủ công như trước. Cách làm mới vừa tiết kiệm công gieo cấy, tiết kiệm chi phí giống mà lại cho năng suất lúa cao hơn cách làm truyền thống. Do vậy nhiều người dân đã bị thuyết phục hoàn toàn và tự nguyện chuyển sang cấy giống ngắn ngày.

Còn với An Mỹ thì ngoài các giải pháp tăng cường chỉ đạo điều hành, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi nội đồng…xã đã giao cho một số cán bộ từ xã đến thôn nhận làm thí điểm việc gieo cấy giống lúa ngắn ngày ở cả vùng đất cao và vùng thấp trũng; không chỉ cấy ở chân đất loại 1, loại 2 mà cấy cả ở chân đất xấu từ loại 3 đến loại 5 để làm đối chứng.

Kết quả cho thấy dù cấy ở chân đất nào: cao hay thấp, tốt hay xấu thì giống lúa ngắn ngày cũng đều sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất bằng hoặc cao hơn các giống dài ngày mà chất lượng gạo lại ngon hơn hẳn. Cùng với đó, xã đã áp dụng thí điểm nhiều giống lúa và chọn lọc ra một số giống phù hợp nhất với chất đất địa phương để khuyến cáo nhân dân gieo cấy đại trà.

Qua thực tiễn sản xuất, đại đa số người dân xã An Mỹ đã chọn cấy giống lúa BC15 ở cả vụ xuân và vụ mùa với tỷ lệ thường xuyên chiếm trên 90% diện tích gieo cấy hàng năm của xã. So với các giống lúa khác thì giống BC15 có thời gian sinh trưởng ngắn, rất thích hợp với đặc điểm thổ nhưỡng của địa phương, năng suất cao và ổn định, đặc biệt chất lượng gạo khá ngon đủ tiêu chuẩn làm hàng hoá.

Ngoài phục vụ tiêu dùng tại chỗ, hàng năm người dân An Mỹ còn cung cấp cho Công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình khoảng 400 tấn thóc giống BC15. Cũng nhờ có giống lúa BC15 mà An Mỹ từ chỗ cấy 85- 90% diện tích lúa xuân dài ngày nay đã chuyển sang cấy hoàn toàn bằng các giống ngắn ngày mà chủ lực là BC15.

Việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa ở Quỳnh Minh và An Mỹ không chỉ giúp các địa phương này duy trì năng suất lúa cao và ổn định (vụ xuân đạt hơn 70 tạ/ ha trở lên) mà điều quan trọng hơn là đã hạn chế được sự tác động bất thuận của thời tiết, nhất là ở vụ xuân (năm nóng thì lúa trỗ sớm, gặp gió mùa gây ra lép lửng; năm rét thì trỗ muộn, gặp gió tây sâu bệnh phá hoại nhiều), đồng thời chủ động hoàn toàn khâu thời vụ để mở rộng diện tích vụ xuân- hè, vụ hè- thu và cây vụ đông.

Vũ Mạnh 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày