Thứ 6, 17/05/2024, 15:29[GMT+7]

CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU GIỐNG LÚA Ở QUỲNH PHỤ Chọn ngắn, bỏ dài

Thứ 3, 25/01/2011 | 15:51:01
3,144 lượt xem
Sự chuyển biến mang tính cách mạng về cơ cấu giống đã giúp Quỳnh Phụ mở rộng được quỹ đất phục vụ gieo trồng cây vụ đông và nâng cao hiệu quả kinh tế đối với hai vụ lúa.

Từ chỗ quá nửa diện tích cấy giống dài ngày, đến nay Quỳnh Phụ đã cơ bản loại bỏ hoàn toàn giống lúa dài ngày trong sản xuất vụ mùa và tăng nhóm giống ngắn ngày lên 85- 90% trong sản xuất vụ xuân. Trong ảnh: Nông dân xã Quỳnh Mỹ ( Quỳnh Phụ) vào mùa thu hoạch. Ảnh: Thành Tâm

Từ năm 2004 trở về trước, tỷ lệ nhóm giống dài ngày vụ xuân tại Quỳnh Phụ thường xuyên chiếm khoảng 55- 60% diện tích. Phải từ năm 2005 trở lại đây cơ cấu nhóm giống dài ngày mới có xu hướng giảm dần nhưng tốc độ giảm khá chậm và không bền vững.

Đến vụ xuân năm 2008, do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại kéo dài tới gần 40 ngày đã làm hàng ngàn héc- ta lúa xuân dài ngày ở Quỳnh Phụ bị chết phải nhổ đi cấy lại. Trong cái rủi có cái may, chính do tình thế không có sự lựa chọn, nông dân đã phải cấy thay thế toàn bộ diện tích lúa chết bằng các giống ngắn ngày. Và vụ xuân năm đó, huyện Quỳnh Phụ đã đạt đỉnh cao về năng suất, từ đó xoá bỏ hoàn toàn quan niệm của nhiều hộ dân cho rằng không thể đưa giống ngắn ngày xuống cấy ở vùng thấp trũng. Cũng từ đó cơ cấu giống dài ngày vụ xuân luôn được giữ ở ngưỡng dưới 20% diện tích, năm thấp nhất (2009) nhóm giống dài ngày chỉ chiếm 9,6%.

Vụ xuân năm 2010, tỷ lệ nhóm giống dài ngày có tăng nhẹ nhưng vẫn dưới ngưỡng 15% diện tích. Theo số liệu điều tra của các xã, tính đến thời điểm hiện tại diện tích mạ xuân dài ngày đã gieo ở Quỳnh Phụ vào khoảng hơn 70ha tại 32/ 38 xã, thị trấn. Như vậy tỷ lệ lúa dài ngày ở vụ xuân 2011 sẽ không vượt 10% diện tích.

Có được kết quả trên trước hết là do sự chỉ đạo quyết liệt và vào cuộc tích cực của cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến các xã. Ngay sau khi Tỉnh uỷ có Nghị quyết số 04 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, Đảng bộ huyện đã xây dựng chương trình hành động số 05 về tập trung lãnh đạo thực hiện 4 chương trình KT- XH trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Từ chủ trương chung, BTV Huyện uỷ đã chỉ đạo các xã cụ thể hoá thành các chương trình, đề án, kế hoạch và mục tiêu phấn đấu cho từng năm phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sản xuất vụ xuân và làm thuỷ lợi đông- xuân. Phân công các đồng chí là Uỷ viên BTV Huyện uỷ trực tiếp phụ trách và theo dõi từng cụm xã. Hàng năm đều tổ chức kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương các địa phương làm tốt, phạt điểm thi đua các xã không hoàn thành kế hoạch được giao…

Cùng với đó, huyện và các HTX đã huy động tối đa mọi nguồn kinh phí đầu tư cho việc nâng cấp, cải tạo và quy hoạch lại hệ thống thuỷ lợi nội đồng bởi muốn đưa giống ngắn ngày xuống cấy ở vùng thấp trũng thì khâu quyết định là phải chủ động được tưới tiêu, nhất là khâu tiêu úng do mạ non lại thấp cây nên rất dễ úng chết khi ngập nước. Từ năm 2008 đến nay, tổng kinh phí mà Quỳnh Phụ đầu tư cho nâng cấp hệ thống thuỷ lợi thuỷ lợi nội đồng (bao gồm cả vốn hỗ trợ và vốn quỹ HTX) hàng năm luôn ở mức từ 7- 9 tỷ đồng, qua đó giúp nạo vét hàng trăm ngàn mét khối bùn đất lắng đọng tại các tuyến sông trục, củng cố và khép kín hàng ngàn kilômét bờ vùng, bờ thửa…

Đi liền với việc củng cố hệ thống thuỷ lợi nội đồng, huyện chỉ đạo Xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi và các HTX DVNN điều hành hợp lý, khoa học khâu điều tiết nước, nhất là ở vụ xuân bảo đảm vừa có đủ nước tưới cho sản xuất vụ đông, vừa không để dân lợi dụng lấy nước làm dược gieo mạ dài ngày. Thống nhất lịch đổ ải vào cùng một thời điểm tạo nguồn bơm tát phục vụ việc làm đất gieo cấy lúa ngắn ngày trà muộn theo đúng lịch.

 

Do tích cực chuyển đổi cơ cấu giống hai vụ lúa, năm 2010, nông dân Quỳnh Phụ đã mở rộng diện tích vụ đông đạt 6103 ha cho tổng giá trị sản xuất khoảng 420 tỉ đồng, bình quân đạt 50 - 70 triệu đồng/ha

 Trong ảnh: Nông dân xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Phụ) thu hoạch ớt xuất khẩu vụ đông. Ảnh: Minh Đức

Tiếp đến, huyện chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tập huấn chuyển giao KH- KT, đồng thời cung ứng các giống lúa ngắn ngày vừa cho năng suất cao, vừa có chất lượng gạo ngon và phù hợp với chất đất địa phương để từng bước thay thế các giống lùa dài ngày. Qua thực tiễn sản xuất đã có rất nhiều giống lúa ngắn ngày tỏ ra phù hợp với chất đất ở Quỳnh Phụ, được các xã chọn lọc và đưa vào cấy trên diện rộng như BC15, N87, N97, TBR1, TH1, TH3, T10…

Trong đó một số giống lúa mới không chỉ cho năng suất cao gần tương đương với giống lúa dài ngày và các giống lúa thuần ngắn ngày mà còn cho chất lượng gạo ngon đủ tiêu chuẩn làm hàng hoá với giá bán cao gấp đôi so với giống lúa trước đây. Chính do hiệu quả kinh tế vượt trội nên nhiều xã ở Quỳnh Phụ đã thay thế cơ bản các giống dài ngày vụ xuân bằng các giống ngắn ngày trà muộn, điển hình như An Ninh, Quỳnh Minh, Quỳnh Hải, An ấp…

Cá biệt, có xã đã chọn 1 giống lúa mới ngắn ngày để thay thế cho hầu hết các giống dài ngày ở cả vụ xuân và vụ mùa, đó là xã An Mỹ với cơ cấu hơn 90% diện tích hàng năm cấy giống BC15…

Việc chuyển đổi cơ cấu giống, nhất là ở vụ xuân đã giúp Quỳnh Phụ cải thiện đáng kể năng suất lúa. Năm 2001, năng suất lúa trung bình của huyện mới đạt 121,86 tạ/ ha thì đến năm 2010 con số đó đã tăng lên 136 tạ/ ha. Riêng vụ xuân đã tăng từ 66,55 tạ/ ha năm 2001 lên 71,22 tạ/ ha năm 2010.

Cá biệt như năm 2009, năng suất lúa xuân đạt tới 72,6 tạ/ ha, cao nhất từ trước đến nay. Ngoài ra sự chuyển đổi về cơ cấu giống lúa còn giúp nông dân Quỳnh Phụ có thêm thời gian xen canh vụ xuân- hè, vụ hè- thu và mở rộng diện tích vụ đông vượt ngưỡng 6.000ha, gần tương đương 50% tổng quỹ đất canh tác của toàn huyện.

Vũ Mạnh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày